Với bộ óc thiên tài, trái tim nhân hậu và đức tính khiêm nhường, Ăng-ghen đã kiến tạo một sự nghiệp cách mạng vĩ đại, trở thành một trong những người in dấu ấn đậm nét nhất trong lịch sử thế giới.
Ph. Ăng-ghen (1820-1895)
Ngày 28.11.2021, giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới kỷ niệm 201 năm Ngày sinh Phơ-ri-đơ-rích Ăng-ghen (Friedrich Engels) - nhà cách mạng, nhà triết học, nhà tư tưởng, nhà lý luận chính trị, nhà giáo dục người Đức, người đã cùng Các Mác (Karl Marx) sáng lập, phát triển học thuyết về chủ nghĩa cộng sản, lý luận về con đường cách mạng, khoa học để xây dựng hình thái kinh tế-xã hội mới không còn áp bức giai cấp. Với bộ óc thiên tài, trái tim nhân hậu và đức tính khiêm nhường, Ăng-ghen đã kiến tạo một sự nghiệp cách mạng vĩ đại, trở thành một trong những người in dấu ấn đậm nét nhất trong lịch sử thế giới.
“Cây vĩ cầm thứ hai” bên cạnh Các Mác
Nhắc đến Phơ-ri-đơ-rích Ăng-ghen là nhắc đến một vị lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản. Cả cuộc đời mình, Ăng-ghen đã dành tất cả tình cảm và trí tuệ cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân, trở thành một trong những nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc nhất trong lịch sử nhân loại.
Ăng-ghen đã cùng với Các Mác xây dựng nên lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học và đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động, vì chủ nghĩa cộng sản.
Sinh ngày 28.11.1820 tại TP Ba-rơ-men, tỉnh Ranh, Vương quốc Phổ (nay là nước Đức), từ nhỏ, Ph.Ăng-ghen đã chứng kiến sự bóc lột tàn bạo của giai cấp thống trị và cuộc sống bần cùng, bế tắc của người lao động. Tình trạng đó tác động đến suy nghĩ của Ph.Ăng-ghen, giúp ông sớm hình thành một tính cách độc lập. Trong ông từng bước hình thành ý thức chính trị, và đã quyết định không trở thành thương gia mà trở thành người đấu tranh vì tiến bộ xã hội.
Cuộc đời Ph.Ăng-ghen là hành trình của nhà tư tưởng, và nhà hoạt động thực tiễn. Dù sống trong hoàn cảnh, điều kiện nào, ông cũng luôn gắn bó với thực tiễn để khám phá, tìm nguyên nhân, khái quát bản chất vấn đề, sự kiện, hiện tượng, tìm ra các quy luật chung nhất của quá trình phát triển, xác định thế giới quan, nguyên tắc phương pháp luận để giải quyết mọi vấn đề đặt ra một cách khoa học, hiệu quả.
Hoạt động của Ăng-ghen trên các lĩnh vực lý luận và thực tiễn cách mạng bắt đầu từ những năm 40 của thế kỉ XIX. Khi đó, mặc dù phong trào đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại sự thống trị, bóc lột của giai cấp tư sản đã phát triển mạnh mẽ, nhưng vẫn còn mang tính tự phát, chưa có mục tiêu rõ rệt. Nhu cầu cấp thiết của phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân lúc này là cần có một học thuyết cách mạng chỉ đường, giúp cho phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân từ tự phát trở thành tự giác, hoàn thành sứ mệnh lịch sử vĩ đại của mình.
Trong bối cảnh đó, cuộc gặp gỡ với Các Mác vào tháng 8.1844 đã trở thành một dấu ấn quan trọng trong cuộc đời, sự nghiệp của Ph.Ăng-ghen. Từ khi cuộc đời Mác và Ăng-ghen gắn liền với nhau, sự nghiệp của hai ông đã trở thành sự nghiệp chung.
Các Mác và Ph.Ăng-ghen đã dày công nghiên cứu, kế thừa những tinh hoa tư tưởng của nhân loại; đồng thời tắm mình vào thực tiễn phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân thế kỷ XIX, để xây dựng nên chủ nghĩa Mác, một học thuyết mang tính khoa học và cách mạng, bao gồm triết học Mác-xít, kinh tế chính trị học Mác-xít và chủ nghĩa xã hội khoa học…
Từ các bài viết đăng báo đến những tác phẩm xuất sắc của Ăng-ghen như: Tình cảnh của giai cấp công nhân ở Anh, Những phác thảo phê phán môn kinh tế chính trị học, Cách mạng và phản cách mạng ở Đức, Chống Đuy-rinh, Luận văn quân sự, Nguồn gốc gia đình, Chế độ tư hữu và Nhà nước, L.Phoi-ơ-bach và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức, Biện chứng tự nhiên... và các tác phẩm viết chung với Các Mác như: Gia đình Thần thánh, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, hoàn thiện bản thảo in tập II và III của bộ Tư bản,... Ph.Ăng-ghen trở thành con người có trí tuệ, tầm nhìn vượt thời đại.
Ông từng bước nhận thức về vấn đề vận động tiến lên của lịch sử loài người đến những hình thái cao hơn với quan điểm biện chứng về lịch sử và các hiện tượng trong đời sống xã hội. Ông đến với chủ nghĩa duy vật, tham gia phát triển, bảo vệ tư tưởng về sự thống nhất của thế giới, về sự tất yếu nội tại và tính quy luật, đến việc xuất hiện giai cấp trong xã hội; ông khẳng định: không thể xóa bỏ được mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản, và phía sau cuộc đấu tranh của các đảng phái luôn ẩn giấu cuộc đấu tranh của các giai cấp.
Ông áp dụng phương pháp biện chứng vào việc phân tích các quan hệ kinh tế của xã hội tư sản, chỉ ra sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập, coi đó là cơ sở của phát triển; chỉ rõ chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa là cơ sở của toàn bộ sinh hoạt vật chất và tinh thần của xã hội tư sản...
Cùng chung chí hướng, Mác và Ăng-ghen đã xây dựng một tình bạn cao cả và cảm động, đã kế thừa các trào lưu tư tưởng tiến bộ nhất của loài người đến thế kỷ XIX, tổng kết thực tiễn của thời đại mình để sáng tạo một học thuyết hoàn chỉnh, chặt chẽ, tính khoa học thống nhất với tính cách mạng triệt để.
Cụ thể, cùng với Các Mác, Ph.Ăng-ghen đã bảo vệ và phát triển triết học duy vật, sáng tạo chủ nghĩa duy vật biện chứng, mở ra bước ngoặt cơ bản trong triết học, và cung cấp một cách nhìn mới mẻ, một công cụ sắc bén để giải thích, nhận thức và cải tạo thế giới; chủ nghĩa duy vật lịch sử là thành quả vĩ đại của tư tưởng khoa học, phát hiện được tính quy luật của sự phát triển xã hội, tính tất yếu của quá trình chuyển biến từ hình thái kinh tế-xã hội này sang hình thái kinh tế-xã hội khác cao hơn.
Cùng với Các Mác, Ph. Ăng-ghen dựa vào kinh tế chính trị học cổ điển để xây dựng một học thuyết kinh tế mới, đem lại cuộc cách mạng thực sự trong kinh tế chính trị học; với việc nghiên cứu và phát hiện quy luật giá trị thặng dư, các ông tìm ra phương thức bóc lột tư bản chủ nghĩa, luận chứng trên cơ sở khoa học về sự diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản và thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản.
Và cùng với Các Mác, Ph.Ăng-ghen phân tích chủ nghĩa tư bản để phát hiện các quy luật vận động và phát triển của nó; khẳng định đấu tranh giai cấp là động lực phát triển của xã hội có giai cấp, chỉ ra rằng lực lượng duy nhất có khả năng xây dựng xã hội mới là giai cấp công nhân do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Vì vậy, chủ nghĩa xã hội theo tư tưởng của C.Mác, Ph.Ăng-ghen là chủ nghĩa xã hội khoa học.
Kết quả tổng hòa từ thành tựu tư tưởng của Ph.Ăng-ghen là cùng C.Mác tìm ra “chìa khóa” giúp nhân loại mở cánh cửa của một thời đại mới. Tình bạn gần một nửa thế kỷ giữa Mác và Ăng-ghen cũng vì thế mà trở thành một "tình bạn vĩ đại và cảm động", một tình bạn lý tưởng mà những nhà thơ thời cổ đã miêu tả "tình bạn trong sạch nhất và kỳ lạ nhất trong lịch sử nhân loại".
Ăng-ghen, con người mà Mác thán phục như một "khối óc sắc sảo", "một cuốn bách khoa toàn thư", luôn luôn "suy nghĩ, viết lách nhanh như quỉ", là con nguời mà nếu thiếu đi thì học thuyết Mác cũng không còn là học thuyết Mác. Mặc dù vậy, Ăng-ghen chỉ tự nhận mình là "cây vĩ cầm thứ hai" mà Mác là "cây vĩ cầm thứ nhất". Đức tính khiêm tốn của Ăng-ghen chính là sự trung thực đáng kính của một nhà khoa học.
Sau khi C.Mác qua đời (năm 1883), Ăng-ghen đã tập trung sức lực và trí tuệ tiếp tục sự nghiệp tổ chức, giác ngộ giai cấp công nhân, bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác, trong đó phải kể đến việc ông đã đảm đương một khối lượng công việc vô cùng nặng nề, khó khăn để chỉnh lý, biên tập và cho xuất bản quyển II, quyển III bộ “Tư bản” mà C.Mác chưa kịp hoàn thành. Đây là tác phẩm lớn nhất, vĩ đại nhất của Các Mác và chủ nghĩa Mác. Bằng việc làm này, “Ăng-ghen đã dựng cho người bạn thiên tài của ông một đài kỷ niệm trang nghiêm, trên đó, Ăng-ghen cũng không ngờ là đã khắc luôn cả tên mình bằng những chữ không bao giờ phai mờ” như Lênin đã nhận xét.
Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào sự nghiệp cách mạng Việt Nam
Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, trong đó có những tư tưởng thiên tài của Ph.Ăng-ghen, Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội và hiện nay đang lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.
Tư duy biện chứng của Ph.Ăng-ghen về phương thức phát triển “rút ngắn” cho thấy rõ, nước ta có điều kiện bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Những tư tưởng của Ph.Ăng-ghen về triết học, kinh tế chính trị, chủ nghĩa xã hội khoa học... còn có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc đổi mới đất nước ta, nhất là trong việc nhận thức và làm sáng tỏ quy luật vận động tất yếu của cách mạng Việt Nam, giúp chúng ta nhận thức đầy đủ hơn về mối quan hệ giữa mục tiêu và phương tiện phát triển nền kinh tế. Đảng đã khẳng định: “sản xuất hàng hóa không đối lập với chủ nghĩa xã hội, mà là thành tựu phát triển của nền văn minh nhân loại, tồn tại khách quan, cần thiết cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và cả khi chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng".
Qua 35 năm đổi mới đất nước cho thấy, đổi mới là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Trong công cuộc đổi mới đất nước, chúng ta đã nhận thức sáng tỏ hơn sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, tăng cường vai trò lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa với Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, hướng đến xã hội: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Ngày nay, tư tưởng của Ph.Ăng-ghen về triết học, kinh tế chính trị, chủ nghĩa xã hội khoa học vẫn giữ nguyên tính thời sự, có ý nghĩa quan trọng với sự nghiệp đổi mới của nước ta, nhất là trong nhận thức và làm sáng tỏ quy luật vận động phát triển tất yếu của cách mạng Việt Nam, giúp nhận thức đầy đủ hơn về quan hệ giữa mục tiêu của cách mạng với phương tiện phát triển kinh tế trong sự lựa chọn đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa nhưng vẫn tiếp thu, kế thừa các thành tựu nhân loại đã đạt được dưới chế độ tư bản, đặc biệt về khoa học, công nghệ.
Phương pháp luận, phép biện chứng của chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung, tư duy biện chứng của Ph.Ăng-ghen nói riêng, vẫn luôn là một hệ thống tri thức quý báu, đòi hỏi cần tiếp tục được nghiên cứu nghiêm túc để có thêm cơ sở khoa học cho bổ sung, phát triển chủ nghĩa xã hội khoa học; để tiếp tục đẩy mạnh tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, làm sáng tỏ hơn lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Cùng Mác-Lênin-Hồ Chí Minh, Ăng-ghen luôn sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, của nhân dân ta và của nhân dân nhiều nước trên thế giới.
Theo TTXVN