Việc tăng giá trị sản xuất có nguyên nhân do dồn điền, đổi thửa nên việc đầu tư và tổ chức lại sản xuất tốt hơn.
Hội đồng Khoa học tỉnh vừa nghiệm thu đề tài khoa học "Đánh giá kết quả của việc dồn điền, đổi thửa và đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ dồn điền, đổi thửa trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2015-2020".
Năm 2002, bình quân mỗi hộ có từ 13-15 thửa ruộng, diện tích mỗi thửa là 255,3 m2, hệ thống giao thông và thủy lợi nhỏ hẹp, khó khăn trong canh tác và thu hoạch. Đến năm 2006, sau khi dồn điền, đổi thửa (DĐĐT), bình quân mỗi hộ có 3,76 thửa ruộng, mỗi thửa gần 525,4 m2. Đến cuối năm 2014, bình quân mỗi hộ từ 1-2 thửa, diện tích trên 800 m2/thửa. Giá trị sản xuất trên cùng một ha đất nông nghiệp qua các năm 2000, 2003, 2006, 2014 lần lượt là 24,8; 31,6; 42,7 và 130,5 triệu đồng. Việc tăng giá trị sản xuất có nguyên nhân do DĐĐT nên việc đầu tư và tổ chức lại sản xuất tốt hơn, người dân tăng cường thâm canh và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Nghiên cứu cũng cho thấy, có 232 ha đất năm 2003 bỏ hoang thì sau khi DĐĐT đã được sử dụng.
Đề tài đề xuất: trong giai đoạn 2015-2020 các địa phương chưa DĐĐT xong cần tập trung rà soát, thống kê những diện tích còn lại để xây dựng phương án, kế hoạch, phương thức thực hiện phù hợp với thực tiễn của địa phương; làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân; giải quyết hài hoà lợi ích của nông dân với lợi ích tập thể khi DĐĐT; gắn DĐĐT với chỉnh trang đồng ruộng và tổ chức lại sản xuất; phát triển nhanh và nâng cao chất lượng các loại dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống của người dân nông thôn…
VIỆT QUỲNH