“Hiền tài là nguyên khí quốc gia" - quan điểm mang tính triết lý sâu sắc đã được lưu truyền từ nhiều đời nay trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Đảng và Nhà nước ta cũng đã xác định: “Sự nghiệp giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”. Vì vậy, trong nhiều năm qua việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài luôn được ưu tiên và quan tâm. Nhiều thành tựu trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã góp phần đáng kể vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
Những thành tựu đó có được là nhờ một phần đóng góp quan trọng bằng công sức, trí tuệ của đội ngũ các nhà khoa học công nghệ, nhất là những người có học hàm, học vị. Theo số liệu thống kê từ năm 1980 tới nay, cả nước có 1.715 giáo sư (GS), với độ tuổi trung bình là 57,13 tuổi; có 9.059 phó giáo sư (PGS), tuổi trung bình là 50,88 tuổi. Trong tổng số GS và PGS có 83,5% là nam, 16,5% là nữ. Chỉ tính riêng năm 2017, Hải Dương có 46 người được phong GS, PGS.
Giá trị đích thực của những người có học hàm, học vị là những thành công trong hoạt động khoa học của họ được vận dụng vào thực tiễn cuộc sống và được chuyển hóa thành vật chất, tạo nền móng cho sự phát triển sức mạnh tinh thần, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng mọi người. Hẳn chúng ta không thể quên tên tuổi nhà bác học Lương Định Của với nhiều công trình tìm ra các giống lúa mới phục vụ sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam. Hoặc những công trình trong lĩnh vực lý thuyết đa thế vị, giải tích và hình học phức của GS. Tiến sĩ khoa học Phạm Hoàng Hiệp được giới toán học quốc tế đánh giá cao. Đây là GS trẻ nhất năm 2017 (36 tuổi) và là người Hải Dương.
Đáng tiếc là trong thời gian qua, nhất là năm 2017, việc phong hàm GS, PGS và việc đua nhau đi học các khóa học từ xa ngắn hạn của một số trường đại học nước ngoài mở tại Việt Nam để nhận học vị thạc sĩ, tiến sĩ đã tạo dư luận không tốt, khiến không ít người nghi ngờ về chất lượng thực chất của các học hàm, học vị. Trong số 1.226 ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017 mà Hội đồng Chức danh GS Nhà nước đã công bố, khi tiến hành rà soát lại theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ thì có tới 94 người phải xem xét lại. Sau khi rà soát, Chủ tịch Hội đồng phong hàm GS đã chính thức báo cáo có 41 người (chiếm3,3%) không đủ điều kiện phong hàm GS, PGS năm 2017. Rõ ràng nếu không có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ thì 41 ứng viên này nghiễm nhiên đã được công nhận GS, PGS. Hiện tượng trên làm cho người ta hoài nghi tinh thần làm việc thiếu nghiêm túc ở một số hội đồng khi xét duyệt các ứng viên.
Từ thiếu sót của năm 2017, câu hỏi đặt ra là liệu những năm trước đó có hiện tượng tương tự xảy ra không? Bởi trên thực tế có những người đã được phong hàm nhưng không tham gia giảng dạy, không đủ trình độ giao tiếp bằng tiếng Anh, không có uy tín với đồng nghiệp và học trò. Đấy là chưa kể đến chuyện ở một số lĩnh vực tiêu chuẩn phong hàm còn thấp hơn tiêu chuẩn bảo vệ học vị tiến sĩ. Cùng với đó, việc chạy đua học vị cũng xảy ra không ít trường hợp tham gia học lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ của các cơ sở đào tạo nước ngoài theo hình thức đào tạo từ xa, với thời lượng học tập ít, không cần thông thạo về ngoại ngữ. Bằng cấp này của một số người không được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận.
Sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước đang rất cần nguồn nhân lực có chất lượng cao, đặc biệt là những người có trình độ, học hàm, học vị cao với chất lượng thực sự. Họ sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển của xã hội bằng những sản phẩm giàu trí tuệ và mang tính sáng tạo. Phấn đấu để có học hàm, học vị là điều cần thiết, nhưng điều cần thiết hơn là giá trị đích thực của học hàm, học vị nằm trong các hoạt động thực tiễn, được mọi người thừa nhận chứ không phải chỉ trong tấm bằng giấy.
TS. PHẠM TRUNG THANH - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh