Quý IV hằng năm, các địa phương đồng loạt ra quân làm thuỷ lợi nội đồng. Đây là công việc rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp.
Nếu làm tốt công tác này, dòng chảy thông thoáng, việc tưới tiêu kịp thời làm tăng năng suất cây trồng, hạn chế sự thiệt hại do ngập úng. Đơn cử trong cơn bão số 8 vừa qua, nếu địa phương nào làm tốt công tác thuỷ lợi nội đồng, dòng chảy không bị tắc nghẽn, địa phương đó giảm tối đa thiệt hại do bị ngập nước. Bởi vậy, công việc này lôi kéo toàn bộ hệ thống chính trị của địa phương cùng vào cuộc. Sự chỉ đạo xuyên suốt từ lãnh đạo huyện, tỉnh cho tới các ban, ngành, địa phương đã tạo nên không khí làm thuỷ lợi nội đồng sôi nổi. Phần lớn các địa phương chọn cùng một thời điểm để ra quân. Tuy nhiên, công việc đó không chỉ thực hiện trong một ngày mà kéo dài tới vài ngày, nhiều khi cả chục ngày. Những khu vực tiện cho cơ giới, các địa phương thực hiện cơ giới hoá. Còn những nơi không thể cơ giới hoá thì các địa phương huy động sự tham gia của Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên... Có những nơi, chính quyền địa phương vận động hoặc giao trực tiếp cho các hộ dân có lòng mương đi qua thửa ruộng mình.
Việc ra quân làm thủy lợi nội đồng hằng năm mang nhiều ý nghĩa. Thứ nhất là dòng chảy được thông thoáng, thuận lợi cho việc tưới tiêu. Thứ hai, khi trực tiếp nạo vét kênh mương, người dân mới cảm thấy vất vả. Mùi hôi tanh của bùn do những phụ phẩm nông nghiệp mà hằng ngày khi thu hoạch hoặc dọn ruộng, nhiều người tiện tay vứt xuống, làm ô nhiễm môi trường. Từ đó dẫn đến thay đổi hành vi của người dân. Những phụ phẩm nông nghiệp, bao thuốc trừ sâu, thay vì vứt ngay xuống lòng mương, đầu bờ ruộng nhà mình thì nay từ việc nạo vét kênh mương họ đã tập kết về nơi quy định. Chính quyền địa phương cần xây dựng nơi tập kết phụ phẩm nông nghiệp tại các cánh đồng. Nếu ở các địa bàn dân cư đã tổ chức các đội thu gom rác thì trên những cánh đồng cũng cần xây dựng các đội thu gom tương tự.
ĐINH VĂN QUẢNG(Kim Thành)