Vì nhiều lý do nên cùng một loại thuốc nhưng giá ở các hiệu thuốc lại khác nhau và người mua vẫn đang phải chịu thiệt.
Thanh tra Sở Y tế nhiều lần kiểm tra các nhà thuốc song chưa phát hiện một trường hợp nào bán thuốc vượt quá mức giá kê khai
Mỗi nơi một kiểu
Trong vai người mua thuốc, phóng viên Báo Hải Dương đã mang theo đơn thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 tại nhà do một bác sĩ kê (gồm 1 tuýp vitamin D3 2000 Iu/50 mg, 1 vỉ viên kẽm Zin C, 1 tuýp viên sủi Xtraman, 2 vỉ Panadol 500mg) tới 3 quầy thuốc trên các tuyến phố Trần Phú, Nguyễn Đức Sáu (thị trấn Nam Sách). Kết quả, có 3 mức giá khác nhau cho đơn thuốc này, dưới 100.000 đồng, 150.000 đồng và gần 200.000 đồng.
Với đơn thuốc hỗ trợ điều trị bệnh gout trên tay (gồm 1 vỉ Celecoxib 200-HV, 1 vỉ Methylprednisolon 16 mg, 1 vỉ Febuxostat 40 mg), phóng viên tiếp tục tới hai nhà thuốc lớn trên đường Nguyễn Văn Linh (TP Hải Dương) là Long Châu và Pharmacity cũng nhận được 2 mức giá khác nhau là 139.000 đồng và 110.000 đồng.
Thực tế cho thấy việc niêm yết giá thuốc được các nhà thuốc, quầy thuốc thực hiện tương đối đầy đủ nhưng giá bán mỗi nơi một kiểu khiến người dân không biết đâu mà lần. Chị Nguyễn Thu Phương ở đường Điện Biên Phủ (TP Hải Dương) thắc mắc: “Lần trước tôi mua thuốc điều trị bệnh trào ngược dạ dày cho bố ở một hiệu thuốc gần nhà giá 130.000 đồng, nhưng lần này mua ở hiệu thuốc khác giá lại nhỉnh hơn 15.000 đồng. Không hiểu vì sao mà giá bán mỗi nơi một kiểu”.
Nhiều người cũng thắc mắc vì sao khi mua thuốc theo đơn tại quầy thuốc trong bệnh viện thì giá lại có sự chênh lệch khá lớn so với bên ngoài. Anh Hồ Duy Dũng đang làm việc tại một doanh nghiệp ở khu công nghiệp Đại An (TP Hải Dương) cho biết cách đây không lâu con anh phải nhập viện điều trị vì chứng viêm tai - mũi - họng. Theo đơn bác sĩ kê, anh ra quầy thuốc bệnh viện mua hết gần 180.000 đồng. “Cháu về nhà điều trị 5 hôm thì hết thuốc. Tôi mang đơn này ra quầy thuốc gần nhà mua thì chỉ hết hơn 120.000 đồng”, anh Dũng thông tin.
Giá thuốc “nhảy múa” khiến người dân không biết đâu mà lần. Trong ảnh: Người dân mua thuốc tại một nhà thuốc ở TP Hải Dương (ảnh minh họa)
Doanh nghiệp “thổi giá”?
Phóng viên Báo Hải Dương đã làm việc với ông Hoàng Anh Tùng, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hải Dương về thực trạng trên. Ông Tùng cho biết giá thuốc “nhảy múa” là thực trạng đã diễn ra từ nhiều năm nay. “Chúng tôi năm nào cũng kiểm tra và chưa phát hiện bất cứ nhà thuốc nào bán trên mức kê khai, có chăng chỉ là việc niêm yết giá bán chưa thực hiện đầy đủ”, ông Tùng nói.
Giải thích về vấn đề cùng một loại thuốc nhưng giá bán mỗi nơi lại khác nhau, ông Tùng cho biết Nhà nước hiện không quản lý về giá đối với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dược bên ngoài cơ sở y tế công lập mà chỉ quy định phải bán đúng giá kê khai đã được niêm yết trên Cổng thông tin điện tử của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế). Tuy nhiên, khi làm thủ tục kê khai giá thuốc với Cục Quản lý dược, cơ bản các doanh nghiệp đều đăng ký giá ở mức cao, khi bán sẽ thấp hơn để việc điều chỉnh tăng giá thuốc không bị cơ quan quản lý nhà nước “thổi còi”. Ví dụ loại thuốc A khi sản xuất ra được doanh nghiệp làm thủ tục kê khai giá 10.000 đồng/vỉ. Các nhà thuốc muốn bán ra cho người tiêu dùng thế nào cũng được, miễn là có lãi và không được vượt qua mức giá này. Thế nên mới có quầy thuốc bán 6.000 đồng/vỉ, quầy khác lại bán 9.000 đồng/vỉ…
Qua trao đổi với đại diện một hãng dược phẩm kinh doanh tại Hải Dương (xin giấu tên), chúng tôi được biết cùng sản xuất một loại thuốc nhưng việc đăng ký mức giá bán của các doanh nghiệp sẽ có sự khác nhau. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như việc đầu tư dây chuyền sản xuất, chất lượng hoá chất, công tác quản lý, PR - quảng cáo… “Nếu dây chuyền sản xuất, hoá chất mua từ châu Âu thì khi báo giá chắc chắn sẽ phải cao hơn đơn vị sử dụng dây chuyền, hoá chất của Trung Quốc hoặc trong nước. Tương tự, đơn vị chú trọng PR nhiều thì tiền đầu tư sẽ nhiều hơn, giá thuốc khi bán ra cũng sẽ nhỉnh hơn các đơn vị khác”, người này phân tích.
Đối với thuốc bán tại cơ sở bán lẻ trong khuôn viên cơ sở khám chữa bệnh, thực hiện theo Nghị định 54/2017/NĐ-CP ngày 8.5.2017 của Chính phủ. Điều 136, Nghị định này quy định: giá bán lẻ tại cơ sở bán lẻ thuốc bao gồm giá mua vào ghi trên hóa đơn và thặng dư số bán lẻ tính bằng mức thặng dư số bán lẻ nhân với giá mua vào. Cụ thể, giá bán lẻ = giá mua vào + mức thặng dư số bán lẻ (%) × giá mua vào. Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất nhỏ hơn hoặc bằng 1.000 đồng, mức thặng dư số bán lẻ tối đa là 15%. Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 1.000 đồng đến 5.000 đồng, mức thặng dư số bán lẻ tối đa là 10%. Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 5.000 đồng đến 100.000 đồng, mức thặng dư số bán lẻ tối đa là 7%... Trong khi đó, các cơ sở kinh doanh dược bên ngoài bệnh viện lại bán thuốc với mức giá kê khai. Do vậy, đôi khi giá thuốc mua trong bệnh viện nhỉnh hơn so với bên ngoài cũng là điều dễ hiểu.
Thanh tra Sở Y tế khuyến nghị người dân khi phát hiện giá thuốc tại các cơ sở có dấu hiệu bất thường cần thông báo cho các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý...
BÌNH MINH