Nhận thông báo tiền thuê trọ tăng gần 1 triệu đồng từ tháng 6, Duy Khánh rốt ráo tìm phòng trọ mới nhưng chưa ưng căn nào, vì giá thuê quận trung tâm đều đắt đỏ.
Duy Khánh - một tài xế hãng xe công nghệ, thuê căn nhà rộng 18 m2 trong làng Nhân Mỹ, quận Nam Từ Liêm từ giữa năm ngoái. Mỗi tháng, anh trả khoảng 2,5 triệu đồng tiền thuê nhà, gồm 2 triệu giá phòng, còn lại là điện nước, phí dịch vụ. Căn phòng này ban đầu không có nội thất.
Tháng trước, chủ nhà trang bị thêm một số thiết bị phòng cháy chữa cháy và đầu tư mỗi phòng một giường, tủ quần áo và điều hòa. Sau khi sửa sang lại, họ báo tăng giá phòng trọ lên 2,8 triệu đồng, tiền điện từ 3.500 đồng lên 4.000 đồng một kWh. Theo chủ nhà, "mặt bằng khu này đều tăng, thêm nội thất tiện nghi hơn thì giá không thể như trước".
Nhẩm tính tiền thuê nhà tăng hơn 20%, Khánh muốn chuyển sang trọ khu khác rẻ hơn. Sau gần ba tuần tìm kiếm ở các quận như Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân... Khánh cho biết rất khó để tìm được phòng cho một người tầm giá 2-2,5 triệu đồng (gồm điện, nước, dịch vụ). Phòng giá dưới 2 triệu đồng, rẻ hơn mặt bằng chung, phần lớn là homestay hoặc hộp ngủ, diện tích 8-10 m2 cho một chỗ ngủ.
Nhìn căn phòng chia nhiều slot ngủ như ký túc xá để "nhồi nhét" thêm người, Khánh thấy ngột ngạt và lo an toàn cháy nổ. Thu nhập giảm, kinh tế khó khăn nên gánh khoản tiền nhà tăng cao càng áp lực hơn, nam tài xế chuyển sang tìm người ở ghép cùng nhà trọ cũ để chia tiền phòng.
Tương tự, vợ chồng Thu Hằng (quận Cầu Giấy) bất ngờ khi chủ nhà thông báo giá phòng tăng thêm 20%, lên 9 triệu đồng một tháng, sau khi hợp đồng thuê hết hạn vào tháng này.
Năm ngoái, cặp đôi thuê căn phòng rộng 25 m2 trong tòa chung cư mini nằm trên phố Trần Thái Tông, Cầu Giấy, giá 7,5 triệu đồng mỗi tháng. Chủ nhà nói mới thay nội thất chất lượng hơn nên tăng giá, "nếu không đồng ý thì chuyển sớm, không cần gia hạn hợp đồng".
Chị Hằng nói, một số căn cùng tòa sau khi hết hợp đồng, chủ nhà đã lắp thêm vách ngăn để chia nhỏ phòng và tăng giá. Nhiều khách thuê cũ không chịu mức tăng này đã chuyển đi. Sau nhiều ngày tìm thuê chung cư mini ở quận trung tâm, vợ chồng chị chuyển hướng sang tìm chung cư vùng ven, chấp nhận di chuyển xa để có không gian sống thoải mái hơn.
Từ đầu năm đến nay, nhiều chủ nhà tăng giá phòng thuê trọ 10-15%, tập trung ở quận trung tâm như Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân... Phần lớn lý do được họ đưa ra là giá vốn tăng do bất động sản nội đô leo thang, chi phí đầu tư cao do bố trí thêm nội thất, phòng chứa thêm được nhiều người (nhờ chia nhỏ không gian). Nhiều tòa chung cư mini mới có giá thuê 10-12 triệu đồng mỗi phòng một tháng, ngang ngửa với chung cư khu vực xa trung tâm.
Đà tăng giá thuê phòng trọ, chung cư mini gần gấp đôi tăng trưởng thu nhập của người dân thành thị theo năm. Kết quả khảo sát mức sống dân cư 2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy, thu nhập bình quân ở khu vực thành thị chỉ tăng 5,3% so với 2022, đạt gần 6,3 triệu đồng một người. Tốc độ tăng trưởng đã chậm lại so với năm trước đó, do nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Lý giải diễn biến này, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc kênh Batdongsan, cho biết nhu cầu thuê nhà của người lao động ở đô thị lớn luôn duy trì ở mức cao. Theo chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2023 (PAPI), TP Hồ Chí Minh và Hà Nội duy trì vị trí top đầu địa phương người dân muốn di cư đến nhất. 22% trong số này cho biết lý do muốn chuyển đến hai thành phố lớn để có cơ hội việc làm tốt hơn.
Cùng đó, sau Tết thường là giai đoạn vật giá leo thang, gồm tiền thuê nhà. Bởi đây là thời điểm chu kỳ kinh doanh mới bắt đầu, lao động quay trở lại tìm việc, kéo theo nhu cầu thuê tăng.
Dữ liệu của kênh Batdongsan chỉ ra nhà trọ là phân khúc duy nhất tăng trưởng trên thị trường cho thuê đầu năm nay. So với cuối năm ngoái, mức độ quan tâm với phân khúc này tăng 12-15% theo tháng.
Ông Tuấn cho rằng sau nhiều sự cố cháy nổ ở khu nhà trọ, chung cư mini gây hậu quả nghiêm trọng, việc siết an toàn phòng cháy chữa cháy là cần thiết. Vì thế, các chủ nhà đầu tư thêm thiết bị phòng cháy chữa cháy, đảm bảo tiêu chuẩn kinh doanh và chi phí này tính vào giá cho thuê để bù đắp. Điều này khiến giá phòng trọ có xu hướng tăng nhanh từ cuối năm ngoái.
Để giảm tải áp lực cho khu nhà trọ, chung cư mini nội đô, nhà ở xã hội được đánh giá là giải pháp hiệu quả, giúp lao động thuê với chi phí rẻ, có đầy đủ cơ sở vật chất và đảm bảo an ninh an toàn. Bởi nhóm đối tượng của hai phân khúc trên chủ yếu là người lao động ngoại tỉnh, vợ chồng trẻ, sinh viên, người mới ra trường... cũng là đối tượng nhà ở xã hội hướng đến.
Nhiều chuyên gia đề xuất đẩy mạnh nguồn cung nhà xã hội mua và cho thuê bằng cách tăng ưu đãi lãi suất, thuế, tạo điều kiện tiếp cận quỹ đất nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư phân khúc này.
T.H (theo VnExpress)