Gia tăng bệnh nhân đái tháo đường

23/07/2016 07:43

Những năm gần đây, ngày càng có nhiều người mắc bệnh đái tháo đường. Đây là căn bệnh nguy hiểm, gây ra nhiều biến chứng.



Khoa Nội tiết (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đang điều trị nội trú cho khoảng 40 bệnh nhân đái tháo đường

Ăn nhiều lại... giảm cân

Đến nay, tỉnh ta vẫn chưa có số liệu thống kê đầy đủ về số lượng người mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) nhưng qua tìm hiểu tại một số cơ sở y tế cho thấy ngày càng nhiều người mắc bệnh này. Từ 7 năm nay, đã thành thông lệ, mỗi tháng một lần, bà Lê Thị Lảnh (58 tuổi) ở xã Thăng Long (Kinh Môn) lại đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để khám bệnh ĐTĐ. Trước đó, bà Lảnh bị mệt mỏi, uể oải. Bà chủ quan nghĩ mình chỉ ốm qua loa cho tới khi thấy hay khát nước, thèm ăn, ăn nhiều nhưng liên tục giảm cân. Lúc đó, bà mới tá hỏa đi khám và biết mình mắc bệnh ĐTĐ tuýp 2.

Hiện nay, Khoa Nội tiết (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) điều trị nội trú cho khoảng 40 bệnh nhân, điều trị ngoại trú cho hơn 2.000 bệnh nhân ĐTĐ. Từ đầu năm đến nay, số lượng bệnh nhân ĐTĐ đến bệnh viện điều trị ngoại trú tăng hơn 500 người so với cùng kỳ năm ngoái. Mỗi ngày, phòng khám của Khoa Nội tiết tiếp nhận từ 120-150 lượt bệnh nhân tới khám bệnh ĐTĐ. Thông thường một đợt điều trị của bệnh nhân kéo dài từ 10-15 ngày, tuy nhiên có trường hợp bệnh nhân nặng thì phải nằm điều trị cả tháng.

Năm 2009, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thực hiện Dự án “Phòng chống ĐTĐ”. Từ năm 2011 đến nay, trung tâm đã khám, sàng lọc cho 2.100 lượt người, trong đó có 52 trường hợp tiến triển thành ĐTĐ tuýp 2, phát hiện 772 trường hợp tiền ĐTĐ. Qua theo dõi hằng năm, tỷ lệ bệnh nhân tiền ĐTĐ ngày càng tăng, từ 20,2% năm 2011 lên 66,3% năm 2015.

Dễ gây biến chứng


Bà Nguyễn Thị Thanh (62 tuổi) ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) bị bệnh ĐTĐ đã hơn chục năm nay. Năm nào bà cũng phải vào bệnh viện điều trị nội trú vài lần. Sức khỏe giảm sút kèm với nhiều biến chứng nên bà đã phải chuyển đến điều trị tại Khoa Nội tiết của Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ hơn 1 tuần nay. Kể từ khi mắc bệnh ĐTĐ, cuộc sống của bà Thanh bị xáo trộn hoàn toàn. Không ít lần bà bị hạ đường huyết, mê man. Năm 2015, bà Thanh bị xuất huyết võng mạc, thị lực 2 mắt chỉ còn 3/10 và 2/10. Ngoài ra, bà còn mắc nhiều bệnh khác như xơ vữa động mạch, viêm khớp, tê bì chân tay… Những cơn đau liên tục hành hạ bà. Sức khỏe giảm sút, chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm mà bà bị sút gần 10 kg. Bà phải thực hiện chế độ kiêng khem khắt khe theo các khuyến cáo của bác sĩ.

Theo bác sĩ Vũ Văn Nguyên, Trưởng Khoa Nội tiết (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), những trường hợp xảy ra biến chứng xuất phát từ bệnh ĐTĐ như trường hợp của bà Thanh không hiếm gặp. Hiện nay, bệnh ĐTĐ chia làm 3 nhóm: ĐTĐ tuýp 1, ĐTĐ tuýp 2 và ĐTĐ thai kỳ. Trong đó, có từ 90-95% số người bệnh thuộc nhóm ĐTĐ tuýp 2 với độ tuổi thường gặp từ 45-69. Nếu không được phát hiện sớm, ĐTĐ có thể kèm theo nhiều biến chứng như hôn mê, đột quỵ não, nhồi máu cơ tim, gây mù lòa, suy thận… Phụ nữ có thai mắc ĐTĐ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gặp phải các trường hợp dọa sảy, thai chết lưu, sinh con dị tật.

Hiện nay, nguyên nhân của bệnh ĐTĐ vẫn chưa được xác định rõ ràng. Nguyên nhân của ĐTĐ tuýp 1 có đến 80% do yếu tố di truyền, bị nhiễm virus... Trong khi đó, nguyên nhân của ĐTĐ tuýp 2 phức tạp hơn do sự tác động cùng lúc của thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bị một số bệnh mãn tính như gout... Đến nay, không có cách phòng chống căn bệnh này mà chỉ có những biện pháp phòng chống diễn biến của bệnh.

HUYỀN TRANG

Bệnh ĐTĐ rất nguy hiểm nhưng khi được cung cấp, trang bị những kiến thức cơ bản về phòng chống thì sẽ hạn chế được tác hại. Theo khuyến cáo của các bác sĩ, mọi người nên giữ cơ thể cân đối để không bị béo phì. Khi điều trị bệnh ĐTĐ, người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị. Những người từ 45 tuổi trở lên cần khám bệnh theo định kỳ để phát hiện ĐTĐ và những rối loạn liên quan. Khi mắc bệnh cần tuân thủ việc uống thuốc; duy trì chế độ ăn kiêng hợp lý, tích cực tập luyện thể dục, thể thao. 


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gia tăng bệnh nhân đái tháo đường