Gia Lộc phát triển nghề chế biến gỗ

16/03/2013 07:06

Chế biến gỗ đang là tiềm năng công nghiệp của huyện. Năm 2013, huyện phấn đấu đạt 82 tỷ đồng từ nghề chế biến gỗ, tăng 18% so với năm 2012...


Làng nghề mộc thôn Gạch, xã Gia Hòa (Gia Lộc) đang thu hút hơn 200 lao động

Theo số liệu của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Gia Lộc, năm 2012, toàn huyện sản xuất được gần 18 nghìn cánh cửa các loại, hơn 8.500 tủ gỗ, hơn 16 nghìn bộ bàn ghế, 120 nghìn bao bì gỗ… doanh thu đạt hơn 149 tỷ đồng, tăng hơn 24 tỷ đồng so với năm 2011. Giá trị sản xuất của nghề chế biến gỗ chiếm 14,4% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp của huyện và doanh thu chỉ đứng thứ 2 sau ngành chế biến nông sản thực phẩm. Chế biến gỗ tập trung ở làng nghề mộc thôn Gạch, xã Gia Hòa; cụm công nghiệp Thạch Khôi - Gia Xuyên và một số cơ sở nhỏ, lẻ ở các xã trong huyện. Ngoài ra, có nhiều điểm chuyên thu mua nguyên liệu gỗ để cung cấp cho các cơ sở sản xuất mộc ở địa phương.

Công ty Sản xuất thương mại Song Hải thuộc cụm công nghiệp Thạch Khôi - Gia Xuyên nhiều năm nay nổi tiếng với sản phẩm thiết bị trường học bằng gỗ công nghiệp. Sản phẩm chủ yếu của công ty là bàn, ghế, tủ học sinh dành cho các trường tiểu học, mầm non. Xưởng đang thu hút 60 lao động lành nghề với thu nhập 4 triệu đồng/người/ tháng. Trong thời buổi kinh tế khó khăn, nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong những ngành nghề khác khó đứng vững được trên thị trường thì sản phẩm của công ty vẫn được tiêu thụ tốt. Năm 2012, doanh thu của công ty đạt hơn 19 tỷ đồng, tương đương so với năm 2011. Ông Nguyễn Hải Bằng, Giám đốc công ty cho biết: “Để ổn định sản xuất, công ty đã tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng cường ma-két-tinh để mở rộng thị phần ở địa phương và nhiều đơn vị ngoài tỉnh, tiếp tục nhận các dự án của các trường học thông qua Sở Giáo dục và Đào tạo, các Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố, các huyện, thị xã. Năm 2013, công ty chúng tôi tiếp tục mở rộng sản xuất, thu hút lao động nhiều hơn nữa vào lĩnh vực chế biến gỗ, quan tâm đầu tư chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường. Công ty khuyến khích công nhân tìm mối hàng. Công nhân sẽ được trích phần trăm, tùy theo doanh số sản phẩm. Từ đầu năm đến nay, công ty tiêu thụ gần 2.000 sản phẩm các loại gồm tủ gỗ, bàn, ghế học sinh...".

Cùng với các doanh nghiệp chế biến gỗ công nghiệp, các làng mộc cũng đẩy mạnh sản xuất sản phẩm truyền thống. Xã Gia Hòa hiện có khoảng 110 xưởng chế biến gỗ lớn, nhỏ. Riêng làng Gạch có 27 xưởng với hơn 200 lao động. Mặc dù nguyên liệu gỗ phải lấy từ nhiều nơi, nhưng làng nghề vẫn duy trì sản xuất ổn định. Người làm nghề của làng rất năng động, nhiều người đã đi tận Quảng Ninh, Hà Nội, Hưng Yên để tìm mối hàng. Ông Phạm Văn Vinh ở thôn Gạch đã làm nghề mộc được khoảng 30 năm nay. Hiện tại, xưởng mộc của gia đình ông Vinh tạo việc làm cho 10 lao động với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm chủ yếu của xưởng là giường, tủ, bàn, ghế và đồ nội thất. Mỗi năm trừ chi phí, ông Vinh thu lãi từ 0,8 - 1 tỷ đồng. Năm 2012, doanh thu xưởng mộc của ông Vinh tăng 30% so với năm 2011. Ông Vinh cho biết: “Tôi thường nhập gỗ lim, sến… qua cảng Hải Phòng, một tuần nhập 2 lần. Nhu cầu của người dân dùng nguyên liệu gỗ để trang trí nhà, cửa ngày một nhiều nên vào các tháng cao điểm như cuối năm, xưởng của tôi làm không hết việc. Sản phẩm được tiêu thụ nhiều trên địa bàn huyện, TP Hải Dương và một số tỉnh ngoài như Quảng Ninh và Hải Phòng”.

Ông Vũ Văn Mong, Chủ tịch UBND xã Gia Hòa cho biết, nghề mộc, chế biến gỗ đang là nghề mũi nhọn, là thế mạnh của địa phương. Các hộ làm nghề mộc đều được tạo điều kiện cho vay vốn để mua sắm thiết bị chế biến gỗ. Ngoài ra, Trung tâm Khuyến công tỉnh (Sở Công thương) cũng phối hợp với các tổ chức, đoàn thể xã tổ chức lớp học nghề nhằm nâng cao tay nghề cho lao động, mỗi năm 2 đợt. Bình quân, giá trị sản xuất đạt hơn 10 tỷ đồng/năm, đời sống của nhân dân trong thôn ngày được nâng cao.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang gặp một số khó khăn. Hiện nay, xe vận chuyển gỗ thô không thể vào được đường làng nghề do đường nhỏ hẹp, các hộ sản xuất phải vận chuyển từ đầu đường lớn vào bằng xe thô sơ. Nhiều hộ muốn mở rộng sản xuất nhưng không có đất. Việc sản xuất, chế biến gỗ ở làng nghề đã gây ô nhiễm môi trường về không khí và tiếng ồn nhiều năm nay nhưng chưa được khắc phục khiến đời sống của người dân xung quanh bị ảnh hưởng. Đặc biệt là việc thiếu đầu ra cho sản phẩm cũng làm cho chủ các cơ sở chế biến gỗ nhiều khi phải sản xuất cầm chừng.

Ông Vũ Quý Thắng, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Gia Lộc cho biết: Chế biến gỗ đang là tiềm năng công nghiệp của huyện. Năm 2013, huyện phấn đấu đạt 82 tỷ đồng từ nghề chế biến gỗ, tăng 18% so với năm 2012. Để nghề chế biến gỗ của huyện phát triển, huyện đang đề nghị tỉnh có biện pháp hỗ trợ, quy hoạch đất để tạo điều kiện sản xuất tập trung cho làng nghề và các hộ chế biến gỗ quy mô lớn. Tiếp tục tạo điều kiện cho các chủ dự án, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển nghề chế biến gỗ, tích cực phát huy tiềm lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, cải tạo đường đi lối lại cho các làng nghề...

MINH NGUYÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gia Lộc phát triển nghề chế biến gỗ