Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, xanh, sạch phù hợp với điều kiện kinh tế ven đô là hướng đi mới của huyện Gia Lộc...
Nông dân thôn Phú Triều, xã Liên Hồng (Gia Lộc) trồng rau gia vị cung cấp cho người dân TP Hải Dương
Đảng bộ huyện Gia Lộc đã xác định sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, xanh, sạch phù hợp với điều kiện kinh tế ven đô là hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của huyện trong thời gian tới.
Sản xuất sạchDẫn tôi ra thăm cánh đồng bạt ngàn màu xanh của dưa lê, dưa hấu, anh Phùng Danh Mừng, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Minh Đức bảo: "Mấy năm trước người dân quê tôi còn lạ lẫm với VietGAP nhưng từ khi xã Phạm Trấn được tỉnh quan tâm đầu tư hơn 13 tỷ đồng để xây dựng vùng sản xuất rau an toàn thì sản xuất sạch đang dần trở thành thói quen của nhiều nông dân".
Thấy chủ nhiệm đi thăm đồng, chị Phùng Thị Hoa, xã viên đang tỉa lá trên ruộng dưa lê nhanh nhảu: "Lại có người đến học cách trồng dưa sạch hả chú? Mấy hôm trước cũng có mấy bác ở thôn Cầu Lâm xuống đây tìm hiểu cách trồng dưa VietGAP của HTX mình. Nghe nói họ cũng muốn trồng dưa sạch để bán cho siêu thị".
Phạm Trấn hiện có khoảng 20 ha dưa lê. Trong đó có khoảng 2 ha dưa lê được trồng theo hướng VietGAP, chủ yếu của các thành viên HTX Tân Minh Đức. Theo ông Phạm Bá Đang, Bí thư Đảng ủy xã Phạm Trấn, thời gian tới mô hình sản xuất nông sản theo hướng an toàn, nhất là mô hình trồng dưa lê theo hướng VietGAP sẽ không chỉ dừng lại ở vài ha của HTX Tân Minh Đức mà sẽ được nhân rộng ra nhiều cánh đồng của xã.
Trong suy nghĩ của anh Lê Văn Việt ở xã Hồng Hưng, sản xuất sạch mới là hướng đi đúng của nông nghiệp thời điểm này. Anh Việt cho biết: "Trong khi người tiêu dùng đang lo lắng vì nông sản bẩn thì sản xuất sạch sẽ đem lại cơ hội lớn cho nông dân. Vì thế, tôi đã đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng khu nuôi cá theo hướng VietGAP để cung cấp cho thị trường TP Hải Dương và Hà Nội. Tôi tin nhu cầu mua cá sạch rất lớn".
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Lộc, vụ xuân hè năm nay, toàn huyện trồng được hơn 1.500 ha rau màu. Nông dân ở một số địa phương như Phạm Trấn, Lê Lợi, Đoàn Thượng, Liên Hồng đã liên kết với một số doanh nghiệp như Công ty CP Giống cây trồng Kiên Giang, Công ty TNHH một thành viên Hưng Việt để sản xuất rau an toàn. Ông Nguyễn Văn Trung, đại diện Hội Nông dân huyện cho biết: "Sản xuất sạch không còn là chuyện tương lai mà đã là việc cần làm ngay để nông nghiệp huyện nhà phát triển bền vững. Chúng tôi đang cùng với các ngành chuyên môn của huyện phối hợp với các địa phương xây dựng và mở rộng các vùng sản xuất nông sản an toàn".
Phát triển mô hình nông nghiệp ven đôXã Liên Hồng phải dành khoảng 80 ha để xây dựng khu đô thị mới phía nam TP Hải Dương nên diện tích đất sản xuất nông nghiệp không còn nhiều. Do đó, chính quyền địa phương đã quyết tâm chuyển từ sản xuất lúa sang chuyên canh rau màu để phục vụ nhu cầu của người dân thành phố. Chủ tịch UBND xã Liên Hồng Vũ Vinh Tuấn cho biết diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp của xã không còn nhiều, chỉ khoảng 200 ha. Hiện nay, nhiều nông dân trong xã đã chuyển từ cấy lúa sang trồng rau, nuôi gà phục vụ thành phố. Nhờ đó, dù diện tích đất nông nghiệp không còn nhiều nhưng nhà nông vẫn có thu nhập ổn định, thậm chí có thu nhập cao.
Làm thế nào để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân tăng thu nhập trong khi quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp luôn là trăn trở của lãnh đạo huyện Gia Lộc. Bí thư Huyện ủy Gia Lộc Phạm Quang Hưởng cho biết: "Nhiệm kỳ qua, Gia Lộc đã xây dựng và thực hiện thành công đề án Mở rộng và nâng hiệu quả vùng chuyên canh rau quả tập trung, vùng lúa chất lượng giai đoạn 2011-2015. Xác định nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn của Gia Lộc nên nhiệm kỳ này Đảng bộ huyện tiếp tục xây dựng chương trình hành động và các đề án tập trung phát triển nông nghiệp của huyện theo hướng hàng hóa. Chúng tôi đặc biệt chú trọng phát triển các mô hình sản xuất hiện đại, phù hợp với điều kiện kinh tế ven đô".
Gia Lộc là cửa ngõ phía nam của TP Hải Dương. Nhiều địa phương trong huyện có kinh nghiệm sản xuất rau màu. Huyện có các tuyến đường lớn nối thành phố với các vùng sản xuất rau màu trọng điểm. Dọc theo tuyến đường 38B là các vùng chuyên canh rau màu Toàn Thắng, Đoàn Thượng. Trên tuyến đường tỉnh 393 có các vùng chuyên canh rau màu của các xã Lê Lợi, Phạm Trấn. Trên tuyến đường 37 có vùng nuôi thủy sản tập trung chất lượng cao của xã Hoàng Diệu. Đây là lợi thế để Gia Lộc trở thành vùng cung cấp nông sản cho thị trường thành phố. Không chỉ TP Hải Dương, tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng mở ra cơ hội lớn để Gia Lộc đưa nông sản đến với người dân ở các TP Hà Nội, Hải Phòng. Do đó, xây dựng nông nghiệp hàng hóa gắn với đô thị là hướng đi mới được nhiều địa phương của Gia Lộc xây dựng thành các chương trình, đề án với những lộ trình thực hiện cụ thể.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Lộc, đến nay toàn huyện đã có 12 xã quy hoạch được 26 vùng chuyên canh rau màu tập trung với tổng diện tích 511,35 ha. Hằng năm, các địa phương trong huyện có thể cung cấp cho thị trường khoảng 100.000 tấn nông sản. Với khối lượng lớn như vậy Gia Lộc hoàn toàn có thể đảm đương được vai trò là đầu mối cung cấp nông sản cho các vùng đô thị lớn.
PV