Trước những khó khăn trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, ngoài chủ động đưa ra các biện pháp khắc phục, huyện Gia Lộc mong muốn sự vào cuộc nhanh chóng của cấp trên để địa phương hoàn thành kế hoạch đề ra.
Xã Thống Kênh tập trung xây dựng vùng rau ở thôn Kênh Triều thành vùng rau an toàn
Mới có 2 xã đạt nông thôn mới nâng cao
Dù được triển khai từ sớm nhưng đến nay huyện Gia Lộc mới có 2 xã là Gia Lương và Đoàn Thượng đạt chuẩn NTM nâng cao. Năm 2021, các xã Hồng Hưng và Thống Nhất đăng ký hoàn thành xây dựng NTM nâng cao nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận. Nguyên nhân do thời điểm 2 xã này hoàn thành các tiêu chí thì bộ tiêu chí NTM nâng cao của tỉnh hết hiệu lực, trong khi tiêu chí mới chưa ban hành nên không có căn cứ đối chiếu việc thực hiện.
Năm 2022, huyện Gia Lộc phấn đấu các xã Phạm Trấn, Nhật Tân, Gia Khánh, Thống Kênh đạt chuẩn NTM nâng cao. Ngoài ra còn xã Quang Minh dù không nằm trong mục tiêu phấn đấu nhưng huyện cũng vận động hoàn thành NTM nâng cao trong năm nay. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện, mỗi xã lại có những khó khăn riêng.
Theo ông Nguyễn Văn Chuyển, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Lộc, các xã Gia Khánh, Thống Kênh và Nhật Tân khó khăn khi thực hiện tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất. Đối với xã Quang Minh, nhà văn hóa thôn Đông Cầu chưa bảo đảm về diện tích. Xã Phạm Trấn còn 2 tiêu chí chưa hoàn thành là giao thông và trường học. Diện tích Trường Tiểu học Phạm Trấn nhỏ hẹp, một số công trình còn thiếu so với quy định. Một số tuyến đường trong xã cũng cần mở rộng.
Người dân thôn Nam Cầu, xã Phạm Trấn làm đường giao thông nông thôn
Chủ động khắc phục
Với quyết tâm thúc đẩy kinh tế, cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống người dân, các xã đăng ký xây dựng NTM nâng cao trong năm nay đều chủ động tìm các biện pháp khắc phục khó khăn. Ông Nguyễn Tiến Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Trấn cho biết: "Từ đầu năm, địa phương đã tập trung mọi nguồn lực để thực hiện 2 tiêu chí giao thông và trường học. Đến nay cũng đã đạt được một số kết quả nhất định".
Đối với các tuyến đường giao thông, sau khi rà soát lại, xã Phạm Trấn đã mở rộng 3 tuyến đường ở thôn Côi Thượng, Quang Bị và Nam Cầu từ 3,5 lên 5 m. 2 tuyến đường còn lại ở các thôn Côi Hạ và Cầu Lâm cũng đang được giải phóng mặt bằng và sẽ làm trong thời gian tới. Để khuôn viên Trường Tiểu học Phạm Trấn đủ diện tích, UBND huyện Gia Lộc đã thu hồi đất của 12 hộ dân trong diện quy hoạch mở rộng trường. UBND xã Phạm Trấn phối hợp với các đơn vị xây dựng chi tiết các hạng mục còn thiếu gồm 6 phòng học 2 tầng, khu nhà đa năng, nhà vệ sinh, tường bao xung quanh trường... Để có kinh phí xây dựng các hạng mục trên, UBND xã Phạm Trấn cũng đã quy hoạch một số địa điểm đấu giá quyền sử dụng đất. "Chúng tôi cần khoảng 50 tỷ đồng để hoàn thành các tiêu chí còn thiếu. Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã đưa một tổ chức phi chính phủ về khảo sát và có hướng hỗ trợ địa phương xây dựng công trình nhà đa năng, góp phần giảm bớt khó khăn cho địa phương", ông Thanh nói.
Dù là xã nông nghiệp nhưng đến nay Thống Kênh chưa có vùng sản xuất rau màu tập trung được công nhận là vùng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP và cũng chưa có sản phẩm OCOP. Để hoàn thành những chỉ tiêu này, xã đang tập trung xây dựng vùng rau màu rộng 12,5 ha tại thôn Kênh Triều thành vùng rau an toàn. UBND xã cũng đã lựa chọn sản phẩm tương ở thôn Đồng Tái để xây dựng thành sản phẩm OCOP.
Ngoài sự cố gắng, nỗ lực của mỗi xã, huyện Gia Lộc cũng có nhiều giải pháp hỗ trợ các địa phương trong quá trình phấn đấu hoàn thành NTM nâng cao. Huyện đang tập trung cải tạo một số tuyến đường giao thông ở Thống Kênh, Hồng Hưng, Phạm Trấn. Hỗ trợ các xã Đoàn Thượng, Phạm Trấn làm một số tuyến đường ra vùng sản xuất nông nghiệp. UBND huyện tạo điều kiện cho các địa phương trong quy hoạch các khu dân cư, điểm dân cư để đấu giá chuyển quyền sử dụng đất, lấy kinh phí xây dựng các công trình. Ngoài ra còn có kế hoạch hỗ trợ tiền mặt cho các xã đã hoàn thành NTM nâng cao và những xã đăng ký hoàn thành. "Mong muốn của chúng tôi hiện nay là tỉnh sớm ban hành bộ tiêu chí NTM nâng cao mới để áp dụng vào thực tiễn, tránh tình trạng cứ làm theo bộ tiêu chí cũ rồi đến cuối năm mới có bộ tiêu chí mới. Lúc đó, nhiều chỉ tiêu chưa phù hợp lại phải làm lại sẽ mất nhiều thời gian, công sức", ông Nguyễn Văn Chuyển đề nghị.
THANH HÀ