Vụ đông năm nay, nông dân huyện Gia Lộc đã điều chỉnh cơ cấu cây trồng để thích ứng với tình hình dịch Covid-19.
Nông dân xã Đoàn Thượng tăng diện tích bầu, bí, mướp, ngô... giảm diện tích cải bắp, su hào trong vụ đông này
Chuyển hướng
Ông Lê Thạc Giàng ở thôn Lúa, xã Đoàn Thượng có hơn 1 mẫu đất canh tác. Năm 2020, ông Giàng trồng toàn bộ cải bắp và su hào. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá nông sản giảm, chỉ tiêu thụ được khoảng 60%, còn lại phải bỏ đi.
Nắm bắt thị trường và được Hội Nông dân xã định hướng, năm nay, gia đình ông Giàng chuyển sang trồng 7 sào bầu, bí, mướp. Diện tích còn lại ông vẫn trồng cải bắp và su hào. "Cả năm trông chờ vào vụ đông, chúng tôi phải thay đổi loại cây trồng để thích ứng chứ như năm ngoái thì thiệt hại lắm", ông Giàng nói.
Năm nay, xã Đoàn Thượng có kế hoạch trồng khoảng 200ha cây vụ đông, tương đương năm ngoái. Đến nay, nông dân đã trồng được hơn 50ha, diện tích còn lại đang tập trung làm đất, gieo cây giống... Chủ tịch Hội Nông dân xã Đoàn Thượng Lê Thạc Bình cho biết năm trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nông sản của bà con tiêu thụ khó khăn. Toàn xã thu hoạch được khoảng 2.400 tấn su hào, cải bắp thì khoảng 400 tấn không bán được.
Mọi năm, nông sản tiêu thụ thuận lợi do doanh nghiệp thu mua cải bắp để xuất khẩu. Ngoài ra, nhiều tiểu thương thu mua cải bắp, su hào chuyển vào một số tỉnh miền Trung và TP Hồ Chí Minh. Năm nay, dự đoán tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp, lưu thông hàng hóa sẽ khó khăn. Do đó, nhiều hộ bỏ bớt diện tích trồng cải bắp, su hào, su lơ, chuyển sang trồng các cây dễ tiêu thụ như bầu, bí, mướp, ngô...
Ông Bình cho biết thêm năm trước toàn xã trồng khoảng 105ha cải bắp, su hào và su lơ nhưng năm nay giảm còn khoảng 75 ha. Từ 50 ha bầu, bí, mướp, ngô, cần, tỏi tây, cà, dưa, khoai... thì năm nay tăng thêm hơn 30 ha.
Chủ động việc bao tiêu sản phẩm
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Lộc, vụ đông năm nay, toàn huyện có kế hoạch gieo trồng khoảng 2.700 ha, tương đương năm ngoái. Đến nay, nông dân trong huyện đã trồng được hơn 600 ha, chủ yếu là cải bắp, su hào, bầu, bí, mướp, ngô. Các xã Phạm Trấn, Toàn Thắng, Đoàn Thượng... có nhiều diện tích trồng cây vụ đông.
Vụ đông năm trước, toàn huyện có khoảng 800 ha cải bắp, su hào, 170 ha bầu, bí, mướp. Vụ đông năm nay, địa phương giảm 20% diện tích trồng cải bắp, su hào, tăng diện tích bầu, bí, mướp, ngô lên khoảng 18% bởi những loại cây này dễ tiêu thụ hơn.
Theo ông Nguyễn Văn Chuyển, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Lộc, vụ đông năm nay có khả năng cao sẽ được mùa, được giá nếu lưu thông hàng hóa thuận lợi. Nguyên nhân do các tỉnh, thành phố phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài nên ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông sản, cầu sẽ cao hơn cung.
Ngoài các doanh nghiệp lớn chuyên thu mua nông sản, huyện còn khoảng 200 hộ cũng làm nghề này. Các hộ đã có thị trường truyền thống tại các tỉnh, thành phố phía Nam và một số tỉnh miền Trung. Đây là lực lượng chủ lực giúp nông sản của huyện tiêu thụ thuận lợi.
Huyện đã đề nghị các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thu mua nông sản trên địa bàn tích cực kết nối sớm, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án sản xuất vụ đông gắn với tình hình thực tiễn dịch bệnh, bảo đảm hoàn thành hoặc vượt chỉ tiêu kế hoạch giao. Các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân coi trọng thị trường nội địa và liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản. Tích cực mở rộng diện tích sản xuất có hợp đồng bao tiêu sản phẩm; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân thuê, mượn ruộng trồng các loại cây có hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Các HTX Dịch vụ nông nghiệp cần cung ứng đầy đủ vật tư nông nghiệp, điều tiết nước hợp lý phục vụ sản xuất; đồng thời phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức tập huấn kỹ thuật cho nông dân...
THẾ ANH