Nhờ hướng dẫn người dân tận tình, gắn trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ phụ trách, Gia Lộc đã đạt kết quả tích cực trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4.
Cán bộ, công chức Bộ phận "một cửa" xã Yết Kiêu hướng dẫn người dân mở tài khoản công dân điện tử
Năm 2021, Gia Lộc đã tiếp nhận, giải quyết trên 7.000 hồ sơ trực tuyến, chiếm trên 20% tổng số hồ sơ tiếp nhận, là địa phương duy nhất trong tỉnh hoàn thành chỉ tiêu tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) thông qua dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 và 4.
Giới thiệu, hướng dẫn tận tình
Chị Lê Thị Hảo ở thôn Thượng Bì 2, xã Yết Kiêu cần làm thủ tục khai tử cho người thân. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra đầy đủ các thông tin, anh Trần Văn Đông, công chức tư pháp - hộ tịch, Văn phòng UBND xã Yết Kiêu đã hỗ trợ chị Hảo mở tài khoản công dân điện tử và hướng dẫn các bước thực hiện DVCTT. “Ban đầu chưa quen tôi thấy hơi rối nên sợ sai sót. Được công chức của xã hướng dẫn tận tình, tôi đã gửi thành công hồ sơ trực tuyến. Sau này có bất cứ thủ tục gì cần giải quyết tôi sẽ áp dụng gửi qua mạng, vừa đỡ mất thời gian vừa đỡ phải đi lại nhiều”, chị Hảo nói.
Cuối năm 2021, ông Nguyễn Hữu Sinh, ở khu 8, thị trấn Gia Lộc cần làm thủ tục cấp bản sao có chứng thực từ bản chính hợp đồng, giao dịch mua bán ô tô. Như mọi lần, ông Sinh phải trực tiếp đến Bộ phận "một cửa" UBND thị trấn để thực hiện, nhưng ông Sinh đã được hướng dẫn mở tài khoản áp dụng thực hiện giải quyết TTHC trực tuyến nên không mất nhiều thời gian đi lại, hồ sơ của ông vẫn được tiếp nhận và giải quyết nhanh chóng.
Chị Đàm Thị Yên, công chức thống kê, Văn phòng UBND thị trấn Gia Lộc cho biết tất cả các công dân khi đến giải quyết các TTHC đều được cán bộ tiếp nhận hồ sơ giới thiệu, hướng dẫn về giải quyết TTHC qua DVCTT. Công dân có điện thoại thông minh đều được cán bộ văn phòng trực tiếp lấy thông tin căn cước công dân, số điện thoại, địa chỉ để hỗ trợ mở tài khoản; hướng dẫn cách gửi hồ sơ trực tuyến; công khai số điện thoại để hỗ trợ khi gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện... Với cách làm “cầm tay chỉ việc”, nhiều người dân của thị trấn Gia Lộc đã mở tài khoản và áp dụng thực hiện DVCTT thành công.
Lãnh đạo UBND thị trấn Gia Lộc thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến tại bộ phận "một cửa" của địa phương
Gắn trách nhiệm, giao chỉ tiêu cụ thể
Năm 2021, xã Yết Kiêu tiếp nhận trên 2.500 hồ sơ giải quyết TTHC, trong đó có trên 900 hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, chiếm trên 36% tổng số hồ sơ. Ông Phạm Văn Du, Chủ tịch UBND xã Yết Kiêu cho biết hầu hết người dân khi cần giải quyết TTHC đều muốn làm trực tiếp vì vướng đâu, thiếu đâu sẽ hỏi được ngay. Nắm rõ điều này, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền cách thức và lợi ích của việc sử dụng DVCTT.
Ngoài tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, xã in tờ rơi hướng dẫn gửi đến từng gia đình, cập nhật số điện thoại, email của cán bộ tiếp nhận, giải quyết để hỗ trợ người dân khi cần thiết; lồng ghép thông qua các hội nghị, cuộc họp của thôn, các hội, đoàn thể. Khi người dân đến làm thủ tục, đội ngũ công chức làm việc tại Bộ phận "một cửa" hướng dẫn trực tiếp người dân sử dụng DVCTT.
Hằng tháng, xã đều tổ chức cuộc họp đánh giá kết quả, tiến độ triển khai thực hiện giải quyết TTHC thông qua DVCTT; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện DVCTT trên địa bàn; biểu dương những cán bộ làm tốt giải quyết TTHC qua DVCTT, đồng thời kiểm điểm, phê bình những người làm chưa tốt...
Khi tỉnh, huyện giao chỉ tiêu giải quyết TTHC qua DVCTT vào cuối năm, tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến của thị trấn Gia Lộc mới chỉ đạt trên 6%, trong khi lượng hồ sơ giải quyết TTHC của thị trấn rất lớn. Để đạt chỉ tiêu giao, ngoài việc công chức làm nhiệm vụ trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, hỗ trợ người dân giải quyết TTHC qua DVCTT, địa phương còn giao chỉ tiêu cụ thể cho từng cán bộ phụ trách các mảng, lĩnh vực khác nhau; đồng thời quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, chú trọng nâng cao trình độ, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức... Năm 2021, thị trấn đã có trên 800 hồ sơ được giải quyết qua DVCTT, chiếm khoảng 16% tổng số hồ sơ tiếp nhận.
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lộc cho biết cải cách hành chính là một trong 4 khâu đột phá được huyện Gia Lộc xác định nhằm đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI. Huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về cải cách hành chính cho cán bộ, công chức, những người theo dõi, làm nhiệm vụ cải cách hành chính cấp huyện, xã; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của bộ phận "một cửa", bảo đảm môi trường hành chính lịch sự, gần gũi, thân thiện, đường truyền kết nối ổn định. Mỗi cán bộ, công chức đều được gắn trách nhiệm, giao chỉ tiêu cụ thể với công việc được giao; chịu trách nhiệm trước lãnh đạo địa phương nếu để xảy ra chậm, muộn trong giải quyết hồ sơ thủ tục, nhất là với những hồ sơ giải quyết trực tuyến... Năm 2021, huyện Gia Lộc đã triển khai thực hiện đề án "Xây dựng chính quyền thân thiện trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025", từng bước góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, nhất là trong giải quyết các TTHC...
HÀ VY