Có hệ thống Bắc Hưng Hải đi qua, Gia Lộc đang thực hiện nhiều giải pháp cải thiện tình trạng ô nhiễm nguồn nước đã diễn ra nhiều năm nay để phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Gia đình bà Vũ Thị Hương ở thôn Hạ Bì (Yết Kiêu) thường xuyên dọn dẹp, thu gom chất thải, nước thải vào hệ thống xử lý trước khi xả ra môi trường
Hệ thống Bắc Hưng Hải tại huyện Gia Lộc gồm sông Sặt (Kim Sơn) có chiều dài khoảng 6 km chạy qua các xã Thống Nhất, Yết Kiêu, Lê Lợi; sông Đò Đáy (Đĩnh Đào) dài khoảng 17 km qua các xã Lê Lợi, Đoàn Thượng, Đồng Quang, Đức Xương, Thống Kênh.
Địa phương không có cơ sở sản xuất, kinh doanh xả nước thải trực tiếp ra hệ thống Bắc Hưng Hải nhưng có 72 tổ chức, cá nhân có hoạt động xả nước thải vào công trình thuỷ lợi, trong đó 64 trường hợp chưa được phép. Việc xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu, chưa có giấy phép là nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước của hệ thống công trình thủy lợi. Nước từ kênh mương như Chùa So - Quảng Giang, Thạch Khôi - Đoàn Thượng... lại đổ trực tiếp vào hệ thống Bắc Hưng Hải.
Theo kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2016-2020 cho thấy, nước sông Sặt tại các điểm quan trắc có chỉ tiêu NH4+-N vượt quy chuẩn cho phép từ 1,02-19,72 lần, chỉ tiêu PO43--P vượt từ 1,07-5,83 lần, chỉ tiêu NO2--N vượt 1,04-24,1 lần; nước sông Đĩnh Đào các chỉ tiêu NO2--N, NH4+-N thường xuyên vượt quy chuẩn. Mức độ ô nhiễm các chỉ tiêu này cao nhất vào quý IV các năm 2016 - 2017 và có xu hướng giảm nhưng vẫn vượt quy chuẩn cho phép trong các năm tiếp theo. Trong năm 2021, nhiều chỉ tiêu đo được ở các kênh dẫn nước ra hệ thống Bắc Hưng Hải cũng vượt ngưỡng cho phép. Như vậy, chất lượng nước hệ thống Bắc Hưng Hải chảy qua huyện Gia Lộc nói riêng và tỉnh nói chung đang ô nhiễm.
Rác thải trên kênh Chùa So - Quảng Giang (ảnh do cơ sở cung cấp)
Nguồn nước hệ thống Bắc Hưng Hải ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất cũng như đời sống của người dân. Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung tìm giải pháp khắc phục, cải thiện chất lượng nguồn nước. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường... đã đề nghị sớm di rời bãi rác nằm gần hệ thống Bắc Hưng Hải ở các xã Yết Kiêu và Phạm Trấn. Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh phối hợp với Nghiệp đoàn Liên tỉnh về xử lý nước thải vùng Pa-ri (SIAAP) - Cộng hòa Pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống xử lý nước thải làng nghề bún Đông Cận (xã Tân Tiến). Ưu tiên vốn cho các dự án thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt của các khu dân cư, đô thị chưa có trạm xử lý nước thải tập trung, làng nghề xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi xả thải vào hệ thống thủy lợi...
Mỗi xã, thị trấn trong huyện lại có giải pháp khắc phục, hạn chế nước ô nhiễm trước khi đổ ra các kênh. Theo thống kê của Chi cục Thuỷ lợi, xã Hoàng Diệu có 6 tổ chức, cá nhân xả thải vào kênh Chùa So - Quảng Giang. Đây là kênh chính phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương. “Xã đã tuyên truyền để tổ chức, cá nhân xây dựng hệ thống xử lý nước sản xuất, sinh hoạt trước khi thải ra kênh. Người dân để vỏ bao bì thuốc trừ sâu đúng nơi quy định, tránh vứt ra kênh mương, ảnh hưởng đến nguồn nước. Bên cạnh đó, hằng tháng đều tổ chức dọn vệ sinh, vớt rác trên kênh Chùa So - Quảng Giang”, ông Phạm Năng Ngà, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Diệu cho biết.
Mỗi người dân ở Gia Lộc cũng có ý thức trong việc giữ gìn, tránh ô nhiễm nguồn nước kênh mương. Gia đình bà Vũ Thị Hương ở thôn Hạ Bì (xã Yết Kiêu) nuôi từ 1000- 2000 con gà đẻ. Để chuồng trại sạch sẽ, 2 ngày bà quét dọn, rửa chuồng một lần. Nước thải được chảy vào cống, sau đó lắng đọng trong ao trước khi xả ra môi trường. Để giảm thiểu ô nhiễm, bà trồng rau muống, thả bèo trên ao. “Nhà tôi chỉ cách sông Sặt 50 m nhưng tôi không xả trực tiếp ra sông", bà Hương nói.
Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, ý thức của người dân, hy vọng thời gian tới hệ thống Bắc Hưng Hải sẽ giảm được ô nhiễm.
Bắc Hưng Hải là hệ thống thủy nông nhân tạo có chiều dài chính 232 km và trên 2.000 km kênh nhánh, được xây dựng từ năm 1959, cung cấp nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, bắt nguồn từ TP Hà Nội, đi qua các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương được coi là hạ nguồn. Trên địa bàn Hải Dương, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đi qua 6 huyện gồm: Cẩm Giàng, Bình Giang, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Ninh Giang, Thanh Miện và TP Hải Dương với chiều dài 291,91 km bờ kênh. |
THANH HÀ