Tiếp tục đợt giám sát về công tác quản lý nhà nước về hoạt động của làng nghề trên địa bàn tỉnh, sáng 23.3, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh làm việc tại huyện Gia Lộc.
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh khảo sát tại làng nghề bún Đông Cận ở xã Tân Tiến (Gia Lộc)
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Trịnh Thúy Nga đề nghị UBND huyện Gia Lộc rà soát toàn bộ các làng nghề trên địa bàn để có định hướng phát triển phù hợp. Cần xác định tiếp tục phát triển, duy trì những làng nghề đạt tiêu chuẩn, những làng nghề mới có thể phát triển thành làng nghề truyền thống thì đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đến người dân và các hộ kinh doanh để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Quan tâm tuyên truyền việc xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề, đăng ký sở hữu trí tuệ, chứng nhận sản phẩm OCOP và gắn với phát triển du lịch. Lập hồ sơ công nhận nghệ nhân nghề truyền thống, có hình thức khen thưởng, động viên nghệ nhân làng nghề. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc bảo vệ môi trường để tránh xảy ra tình trạng khiếu kiện.
Tại buổi giám sát, huyện Gia Lộc đề xuất UBND tỉnh có chính sách củng cố các làng nghề thủ công nghiệp có điều kiện phát triển; có cơ chế ưu đãi hỗ trợ chuyển các hộ sản xuất trong làng nghề ra cụm công nghiệp; hỗ trợ tư vấn khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp mới hoạt động tại làng nghề; đẩy mạnh hoạt động khuyến công, tạo điều kiện cho các cơ sở, hộ kinh doanh làng nghề tiếp cận với chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất...
Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Trịnh Thúy Nga, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị UBND huyện rà soát toàn bộ các làng nghề
Huyện Gia Lộc hiện có 11 làng nghề được UBND tỉnh công nhận làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Các làng nghề giày da ở xã Hoàng Diệu và làng nghề mộc thôn Đức Đại (thị trấn Gia Lộc) đang phát triển tương đối ổn định, đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân. Tuy nhiên, nhiều làng nghề đang mai một dần như làng nghề mây tre đan ở thôn Chằm, làng nghề gò thôn Ngà (đều ở thị trấn Gia Lộc), làng nghề rèn, thêu ren thôn Đồng Tái (xã Thống Kênh). Huyện có duy nhất một nghệ nhân tiểu thủ công nghiệp và chưa có làng nghề nào có sản phẩm được công nhận OCOP.
Tổng doanh thu trung bình của các làng nghề ở huyện Gia Lộc đạt 211 tỷ đồng/năm, các hộ làng nghề nộp ngân sách nhà nước khoảng 780 triệu đồng/năm. Gần 2.600 lao động đang tham gia sản xuất tại các làng nghề, thu nhập bình quân khoảng 78,2 triệu đồng/người/năm.
PHẠM TUYẾT