Giá gạo, lương thực chính ở châu Á, đang ở mức cao nhất trong vòng 7 năm qua do dịch COVID-19. Trong khi các nước nhập khẩu đang tăng dự trữ gạo, các nước xuất khẩu lại hạn chế bán ra.
Một tình nguyện viên vác gạo phát từ thiện cho người dân trong một tòa nhà bị phong tỏa ở Farwaniya, Kuwait - Ảnh: REUTERS
Theo Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan, giá gạo trắng 5% tấm đã tăng 12% từ ngày 25.3 đến 1.4. Hiện giá gạo này đang ở mức cao nhất kể từ tháng 4.2013.
Giá gạo tăng do dự báo nhu cầu mua gạo từ Thái Lan tăng lên sau khi các nhà xuất khẩu hàng đầu là Ấn Độ và Việt Nam đều cân nhắc xuất khẩu có kiểm soát lương thực này do sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19.
Theo CNBC, châu Á sản xuất 90% gạo cho thế giới và cũng tiêu thụ hết số lượng này.
Theo Reuters, các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ đã ngừng ký hợp đồng mới do thiếu lao động và những gián đoạn về hậu cần đang cản trở việc hoàn thành các hợp đồng đã ký. Việt Nam vẫn cho phép xuất khẩu gạo, nhưng hạn chế.
Giá gạo đã tăng từ cuối năm 2019 do hạn hán nghiêm trọng ở Thái Lan và nhu cầu tăng của các nước châu Á và châu Phi.
Ngày 6.4, Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan bảo đảm rằng trữ lượng gạo của nước này rất dồi dào, nhưng thừa nhận có khó khăn trong việc tuyển lao động trong bối cảnh dịch bệnh và người lao động Campuchia ở Thái Lan về nước. Hiệp hội cho biết tình hình này có thể gây khó khăn cho việc sản xuất và thu hoạch trong tương lai.
Các nước Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Quốc cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động và chuỗi cung ứng cho vụ xuân đang bị gián đoạn. Nếu lỡ thời điểm gieo trồng, các nước này có thể bỏ lỡ vụ mùa của cả năm nay.
Ở một số nơi khác như Ấn Độ và Nam Á, hiện nay là thời điểm thu hoạch nông sản vụ đông, như lúa mì, khoai tây, bông vải, một số loại trái cây và rau. Các nông trại cần lao động để vận hành máy móc, khiêng vác, vận chuyển nông sản, nhưng thiếu người.
Hội đồng Ngũ cốc quốc tế cảnh báo mặc dù nhập khẩu một số hàng hóa có tăng lên nhưng những thách thức về hậu cần đã xảy ra do các biện pháp hạn chế về đi lại và kiểm dịch đang áp dụng hiện nay.
Theo CNBC, không chỉ giá gạo mà giá lúa mì, một loại lương thực cơ bản để làm mì ống, bánh mì cũng tăng lên gần đây.
Giá lúa mì đã tăng khoảng 15% trong nửa cuối tháng 3 do tâm lý mua sắm hoảng loạn của khách hàng và lo ngại về vụ mùa tại các nước đang có lệnh phong tỏa như Bắc Mỹ và châu Âu.
Hiệp hội Công nghiệp thực phẩm và các tổ chức đang kêu gọi các nước tiếp tục xuất khẩu lương thực.
Theo Tuổi trẻ