Gia đình yêu thương

29/07/2012 10:55



Cứ mỗi khi đâu đó vang lên tiếng gọi “bố”, tôi lại không nén nổi xúc động trong lòng mình…

Tôi là đứa mồ côi bố. Từ khi mẹ mang bầu tôi 7 tháng, bố tôi đã bị tai nạn và qua đời. Vậy là ông bà đã mất đi người con trai duy nhất, mẹ mất đi người chồng yêu thương và đứa con trong bụng mẹ vĩnh viễn không bao giờ được nhìn mặt cha. Năm tôi 2 tuổi, mẹ tôi ra nước ngoài làm việc. Tôi lớn lên trong vòng tay yêu thương, che chở của ông bà. Cuộc sống vui vẻ, đầm ấm bên ông bà làm tôi quên đi mặc cảm của một đứa trẻ mồ côi bố. Có lúc tôi còn nghĩ, chỉ cần ông bà đã là quá đủ cho niềm hạnh phúc vô cùng của một đứa cháu. Cho đến một ngày tôi cùng bạn vào hiệu sách, nhìn thấy đứa hàng xóm được bố nó mua cho  tập truyện mà tôi hằng ao ước, tôi đã thèm cảm giác ấy biết mấy! Khi đi qua Cung thiếu nhi, tôi cũng ngậm ngùi thấy cảnh bạn tôi cưỡi ngựa trên cao và  được bố đứng dưới dõi theo mỉm cười. Tôi đã cất giấu những tâm sự ấy thật sâu trong đáy lòng.

Khi tôi vào lớp một, mẹ tôi đi bước nữa. Không lâu sau, tôi có một đứa em gái cùng mẹ khác cha. Tôi chỉ nhớ rằng hồi đó mẹ tôi gọi điện về nói chuyện với tôi, bảo tôi gọi một người đàn ông lạ hoắc là “bố”, và tôi nghe theo lời mẹ mặc dù không hiểu vì sao lại xuất hiện một người bố. Tôi thích gọi là “ba” hơn là “bố”, vì chữ “ba” nghe rất âu yếm mà lại thiêng liêng cho nên tôi “để dành” chữ “ba” cho người cha đáng kính trong bức ảnh trên bàn thờ và gọi cha dượng là “bố”. Tôi đã từng trách mẹ vì sao lại ở với bố và em chứ không phải là tôi? Tôi luôn hình dung trong đầu cảnh tượng bố, mẹ và em đứng chụp ảnh gia đình cùng nhau. Còn tôi là người chụp ảnh. Tôi từng mặc cảm vì mình là “người thừa” trong gia đình. Và tôi đã khóc nhiều vì điều đó. Mỗi khi đi ngủ, chỉ cần nhắm mắt lại là tôi lại sợ hãi nghĩ đến khi ông bà mất, tôi sẽ mất đi tất cả, mất đi tình yêu thương, sự động viên lớn lao nhất cuộc đời. Những gì còn lại là một gia đình được chắp vá. Những đêm ấy, tôi trằn trọc không sao ngủ được, nước mắt cứ trào ra vô thức vì nghĩ mình thật bất hạnh!

Thời gian trôi đi, sau 10 năm, khi đã trưởng thành hơn, tôi nhận ra mình quá vô tâm và ích kỷ. Mẹ khi ấy còn quá trẻ, cần có hạnh phúc cho riêng mình và vẫn sẽ yêu thương tôi như bố và em. Tôi hiểu ra mẹ mới là người bất hạnh. Khi đã trở thành một người con gái lớn, tôi hiểu hơn về cái cảm giác mang nặng đẻ đau khi không có người chồng ở bên. Tôi tưởng tượng ra những tháng ngày bố mẹ lao động vất vả, chắt chiu, dành dụm từng đồng để gửi về nuôi tôi- để một đứa con riêng như tôi không phải sống trong cảnh thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Tôi thương ông ngày đầu tôi học lớp một, sợ tôi không hiểu bài, ông đã đứng ngoài lớp học hai tiếng đồng hồ để nghe cô giáo giảng, về nhà giảng lại cho tôi hiểu kỹ hơn. Tôi thương bà cái ngày nắng gay gắt, bà đi chợ về nhưng chợt nhớ ra đứa cháu dặn mua táo mà quên mất, bà lại đi bộ từ nhà ra chợ chỉ để chiều lòng cháu, mặc cho cơn đau khớp đang tái phát. Tôi nhận ra mình rất hạnh phúc vì nhận được sự quan tâm, tình yêu thương từ mọi người, tất nhiên, không ngoại trừ người cha thân yêu của tôi!

Tôi nhận ra rằng: “Tình thương không cần phải dùng nhiều lời để thể hiện, mà phải dùng trái tim từ từ cảm nhận”.

Nguyễn Thị Hải Yến (Lớp 12 văn, Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gia đình yêu thương