Đến nay, gia đình ông Trần Danh Luân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì lý do chưa được Hội đồng đăng ký sử dụng đất đai xã Thái Tân (Nam Sách) xác định, xét duyệt nguồn gốc đất.
Phần ao gia đình cụ Trần Danh Đỉnh được giao quản lý, sử dụng từ năm 1955 đến nay
Báo Hải Dương nhận được đơn kiến nghị của ông Trần Danh Luân ở thôn Thượng, xã Thái Tân (Nam Sách) phản ánh việc Hội đồng đăng ký sử dụng đất đai xã Thái Tân không nhất trí xác định, xét duyệt nguồn gốc đất của gia đình ông để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) theo quy định.
Ông Luân cho biết năm 1955, bố ông là cụ Trần Danh Đỉnh (đã mất năm 2003) sau khi đi bộ đội về đã được chính quyền địa phương cấp cho 1 mảnh vườn, một cái ao giáp đường xóm và đường trục xã. Từ năm 1959, chính quyền địa phương xin nhờ phần ao của gia đình làm dòng chảy thoát úng mỗi khi mưa lớn gây ngập lụt cho khu vực đồng bãi phía tây xã Thái Tân.
Từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, mặc dù chính quyền địa phương không sử dụng làm dòng chảy nữa vì 2 đầu ao đã bị lấp và bán cho một số hộ dân làm nhà ở nhưng gia đình ông Luân vẫn tiếp tục quản lý, sử dụng. Theo ông Luân, do không còn tờ bản đồ 299 nên thông tin về diện tích ao này chỉ được thể hiện tại sổ mục kê 299 của UBND xã Thái Tân. Theo sổ mục kê này, các thửa đất số 20, 21 và 22 thuộc gia đình ông Trần Danh Đỉnh. Các thửa số 20 và 22 trong sổ mục kê ghi là “ao” có diện tích lần lượt là 752 m2 và 432 m2. Nhưng không hiểu vì lý do gì trong sổ mục kê và tờ bản đồ năm 1993, phần ao này lại thuộc về UBND xã Thái Tân. "Mãi tới năm 2013, khi địa phương đo lại diện tích vườn, ao để phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới và cấp giấy chứng nhận QSDĐ, tôi mới biết diện tích ao này không được đưa vào cùng đất ở và đất vườn của gia đình", ông Luân cho biết.
Theo ông Luân, suốt từ năm 1955 đến nay, gia đình ông quản lý, sử dụng liên tục diện tích ao này. Việc cho UBND xã mượn ao một phần làm dòng chảy chống úng lụt là tự nguyện, không thể hiện bằng văn bản. Hiện tại, một góc vườn của gia đình bị rãnh thoát nước cắt qua thành gò vẫn còn dấu vết. Phiếu lấy ý kiến của khu dân cư về nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất do lãnh đạo thôn Thượng tổ chức năm 2016 (có xác nhận của UBND xã Thái Tân) cũng xác nhận diện tích ao nuôi thủy sản thuộc thửa đất số 163, tờ bản đồ số 22, diện tích 527,8 m2 là do UBND xã Thái Tân cấp cho gia đình cụ Trần Danh Đỉnh từ năm 1955. Hiện nay, do cụ Đỉnh đã mất nên con trai cụ Đỉnh là ông Trần Danh Luân đang quản lý, sử dụng. Khu ao này liền với thửa đất của gia đình, được cụ Đỉnh và các con sử dụng ổn định từ đó đến nay, không có tranh chấp.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quang Thái, cán bộ địa chính xã Thái Tân cho biết do tờ bản đồ số 299 đã mất nên phần đất của cụ Đỉnh chỉ còn thể hiện trên sổ mục kê 299. Theo sổ mục kê này, cụ Đỉnh có 3 mục kê gồm: 1 mục đất thổ cư và 2 mục đất ao. Đến năm 1993, khi chia lại ruộng đất theo Nghị định số 64-CP ngày 27.9.1993 của Chính phủ, do gia đình cụ Đỉnh đã đổi ao để lấy ruộng canh tác nên phần ao này không thể hiện trên bản đồ và sổ mục kê 1993. Suốt từ năm 1993 - 2002 (thời điểm cấp đồng loạt giấy chứng nhận QSDĐ cho các hộ dân), gia đình cụ Đỉnh không có ý kiến gì về diện tích ao này nên đến nay UBND xã không có căn cứ làm hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận QSDĐ theo nguyện vọng của gia đình.
Ông Luân không đồng ý với cách giải thích của cán bộ địa chính xã. Theo hồ sơ, tài liệu chúng tôi có được, từ năm 1955 đến nay, gia đình cụ Đỉnh quản lý, sử dụng diện tích ao này. Điều này thể hiện rõ trong sổ mục kê 299. Theo các nhân chứng, từ thời điểm chia lại ruộng đất năm 1993, ao của gia đình cụ Đỉnh vẫn cho địa phương mượn làm dòng chảy thoát úng cho khu vực hoa màu phía tây xã Thái Tân. Theo quy định tại Nghị định số 64-CP ngày 27.9.1993, ao này không thuộc diện tích đất nông nghiệp để đổi ruộng ngoài đồng do ao chỉ sử dụng tiêu thoát nước, nhiều năm không nuôi thủy sản. Việc diện tích ao này không có trong bản đồ và sổ mục kê 1993 như cách giải thích của UBND xã Thái Tân không hợp lý vì gia đình cụ Đỉnh chưa bao giờ đổi ao để lấy ruộng canh tác. Khi làm việc với phóng viên, cán bộ địa chính xã Thái Tân cũng không đưa ra được giấy tờ để chứng minh gia đình cụ Đỉnh đã đổi ao lấy ruộng canh tác hoặc trả lại cho UBND xã. Do cụ Đỉnh là người có công với cách mạng nên khi nhận ao, gia đình cụ không phải nộp sản lượng. Việc sử dụng liên tục cũng đã được nhiều cán bộ cũ, người cao tuổi trong xã xác nhận. Gia đình cũng chưa từng cho, tặng hoặc bán lại cho ai. Việc UBND xã cho rằng thời điểm năm 2002, khi cấp giấy chứng nhận QSDĐ đồng loạt cho người dân, gia đình cụ Đỉnh không có ý kiến gì về diện tích ao này không có nghĩa gia đình từ bỏ quyền lợi liên quan bởi việc cấp thiếu, sót thường xuyên xảy ra. Thời điểm đó, cụ Đỉnh cũng đã già yếu, ông Luân đang công tác ở TP Hồ Chí Minh nên không thể để tâm đến việc ao của gia đình có được xét cấp giấy chứng nhận QSDĐ hay không.
Đề nghị UBND xã Thái Tân nhanh chóng giải quyết những kiến nghị chính đáng của gia đình ông Trần Danh Luân để bảo đảm quyền lợi của công dân theo quy định của pháp luật.
VỊ THỦY