Giá điện tăng 7,5% khiến không ít doanh nghiệp vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn vì chi phí tiền điện chiếm một phần không nhỏ trong cơ cấu giá thành sản phẩm...
Giá điện tăng khiến Công ty CP Thép Hòa Phát phải trả thêm khoảng 25 tỷ đồng tiền điện mỗi năm
Giá điện tăng thêm 7,5% kể từ ngày 16-3 đã khiến không ít doanh nghiệp vốn đã khó khăn lại càng thêm khó. Bởi với nhiều doanh nghiệp, chi phí từ mua điện chiếm một phần không nhỏ trong cấu thành giá sản phẩm sản xuất ra.
Khó chồng thêm khóSản xuất xi-măng là một trong những ngành tiêu thụ sản lượng điện lớn, nên giá điện tăng đã trực tiếp tác động mạnh đến giá bán xi-măng. Ông Lê Văn Định, Tổng giám đốc Công TNHH Sản xuất vật liệu Thành Công cho biết: “Việc tăng giá điện vào thời điểm này khiến chúng tôi rất lo. Bởi thời gian qua, các doanh nghiệp sản xuất xi-măng đã gặp rất nhiều khó khăn do thị trường bất động sản trầm lắng, thắt chặt đầu tư công. Thời gian gần đây mới phục hồi được một chút thì giá điện lại tăng. Có lẽ thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ phải tính toán lại để tăng giá bán xi-măng bù đắp chi phí vì giá điện tăng". Ông Định đề nghị, trong điều chỉnh tăng giá điện, Nhà nước nên có lộ trình cụ thể, tránh việc tăng một lúc 7,5% để doanh nghiệp bớt khó khăn hơn. Ai cũng nghĩ chi phí đầu vào tăng thì chỉ cần điều chỉnh giá bán sản phẩm, nhưng thực tế quyết định tăng giá bán xi-măng vào thời điểm này tương đối khó, bởi sức tiêu thụ vẫn còn yếu.
Là doanh nghiệp sản xuất xi-măng lớn, cánh chim đầu đàn của công nghiệp xi-măng cả nước nhưng việc tăng giá điện đột ngột như vừa qua và trong bối cảnh kinh tế vừa phục hồi cũng khiến Công ty Xi-măng Vicem Hoàng Thạch gặp không ít khó khăn. Ông Phạm Văn Mậu, Phó Tổng giám đốc Công ty Xi-măng Vicem Hoàng Thạch cho biết: "Trong nền kinh tế thị trường, giá cả nguyên, nhiên liệu có thể biến động, doanh nghiệp luôn phải chấp nhận. Chúng tôi chỉ mong không thay đổi quá đột ngột để doanh nghiệp tính toán, có biện pháp lập kế hoạch điều hành sản xuất, kinh doanh nhằm bảo đảm được mục tiêu đề ra". Năm nay, Vicem Hoàng Thạch phấn đấu sản xuất gần 4,5 triệu tấn. Sau khi giá điện tăng, mỗi tháng doanh nghiệp phải chi thêm khoảng 4 tỷ đồng tiền điện. Năm 2015, toàn tỉnh dự kiến sản xuất trên 9 triệu tấn clinker và xi-măng. Nếu bình quân mỗi tấn sản phẩm tiêu thụ khoảng 95 kWh điện thì với việc tăng giá điện 7,5%, các doanh nghiệp sản xuất xi-măng phải chi thêm khoảng 90 tỷ đồng.
Việc tăng giá điện cũng khiến các doanh nghiệp sản xuất thép phôi, thép cán đang đứng ngồi không yên. Bởi theo tính toán, bình quân mỗi tấn phôi thép tiêu hao khoảng 600 kWh điện. Ngay cả Thép Hòa Phát có dây chuyền khá hiện đại, có mức tiêu thụ điện năng chỉ 400 kWh/tấn thép thành phẩm thì việc tăng giá điện lần này cũng khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Ông Nguyễn Đức Duyến, Phó Giám đốc Công ty CP Thép Hòa Phát cho biết: Mỗi tháng, doanh nghiệp tiêu thụ từ 35 - 38 triệu kWh điện, trong đó 55% mua từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Giá điện tăng sẽ khiến chi phí sản xuất thép tăng thêm khoảng 80.000 đồng/tấn thép thành phẩm. Như vậy, mỗi năm doanh nghiệp phải trả thêm khoảng 25 tỷ đồng tiền điện. Đây không phải là con số quá lớn, nhưng trong bối cảnh ngành thép gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì doanh nghiệp cũng thêm “nặng gánh”.
Thực hiện tiết kiệm điệnTrong bối cảnh điện tăng giá, việc tiết kiệm điện trong sản xuất đã và đang tiếp tục được các doanh nghiệp quan tâm. Ông Phạm Văn Mậu cho biết thêm, công ty thường thực hiện 2 giải pháp là nâng cao hiệu quả quản lý để vận hành tối ưu các thiết bị, máy móc dây chuyền, tăng cường đầu tư các thiết bị hiện đại nâng hiệu suất tiết kiệm. Hiện nay, trung bình mỗi năm công ty tiết kiệm được 1-2% điện năng tiêu thụ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đang tiếp tục tính toán lại chi phí đầu vào, tìm giải pháp cắt giảm các chi phí không hợp lý, cân nhắc giá bán phù hợp để bảo đảm các mục tiêu sản xuất, kinh doanh và duy trì sức cạnh tranh trên thị trường.
Việc tăng giá điện khiến nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.
Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất mỳ gói và cháo ăn liền của Công ty TNHH Masan. (khu công nghiệp Đại An) Ảnh: TL
Là một trong những doanh nghiệp tiêu thụ điện lớn nhất tỉnh, đặc biệt sắp tới sẽ nâng công suất lên 1,6 triệu tấn thép/năm khiến Tập đoàn Hòa Phát phải đẩy nhanh đầu tư xây dựng tổ máy phát điện thứ 3 tận dụng thu hồi nhiệt dư từ luyện than cốc. Hiện nay, tổ máy 1 và 2 đang phát điện đều đặn, đạt công suất trên 30 MW, đáp ứng 45% sản lượng điện tiêu thụ của Công ty CP Thép Hòa Phát, cấp đủ điện tiêu thụ cho Công ty CP Năng lượng Hòa Phát và Công ty CP Khí công nghiệp Messer. Bên cạnh đó, Công ty CP Thép Hòa Phát còn sử dụng nhiều biện pháp như lắp 20 máy biến tần cho hệ thống máy bơm, tiết kiệm được 25 - 30% lượng điện cho hệ thống bơm nước làm mát. Hạn chế hoạt động trong giờ cao điểm đối với những thiết bị điện không trong dây chuyền sản xuất chính.
Theo Sở Công thương, giá "đầu vào" nhất là giá điện tăng thì các doanh nghiệp càng phải tăng cường thực hành tiết kiệm điện. Riêng các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cần tiết kiệm điện ở tất cả các khâu, các vị trí, từ khu vực sản xuất đến khối văn phòng, đồng thời tiếp tục nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp. Bên cạnh tạo lập ý thức tự giác của người lao động, một số doanh nghiệp đã chủ động kiểm soát sử dụng năng lượng chặt chẽ, ứng dụng công nghệ, sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện như biến tần, đèn compact, lắp công tơ điện tử, tận thu nhiệt dư lò nung xi-măng, lò cao luyện thép...
Trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng và còn tiếp tục có chiều hướng tăng thì hơn lúc nào hết, doanh nghiệp cần tiết kiệm tối đa chi phí, thậm chí chấp nhận giảm lợi nhuận để bù vào phần tăng giá điện. Bởi bình ổn giá và tăng sức mua trên thị trường chính là nguồn sống của doanh nghiệp.
VŨ TRẦN
Theo Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương, mỗi năm toàn tỉnh tiêu thụ khoảng 3,5 tỷ kWh điện, trong đó trên 70% trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Không ít doanh nghiệp tiêu thụ điện lớn, khoảng 1 triệu kWh mỗi ngày như Công ty Vicem Hoàng Thạch, Công ty CP Thép Hòa Phát, Xi-măng Phúc Sơn... Khi giá điện tăng thêm 7,5%, các doanh nghiệp này phải trả thêm hàng chục tỷ đồng tiền điện/năm.
|