Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 35/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh, trong đó quy định cụ thể về xác định thị trường liên quan và thị phần.
Nghị định quy định, thị trường liên quan được xác định trên cơ sở thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan. Trong quá trình xác định thị trường liên quan, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia có quyền tham vấn ý kiến của các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có chuyên môn.
Hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế cho nhau về đặc tính nếu hàng hóa, dịch vụ đó có sự giống nhau hoặc tương tự nhau về một hoặc một số yếu tố như: đặc điểm của hàng hóa, dịch vụ; thành phần của hàng hóa, dịch vụ; tính chất vật lý, hóa học của hàng hóa; tính năng kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ; tác dụng phụ của hàng hóa, dịch vụ đối với người sử dụng; khả năng hấp thu của người sử dụng; tính chất riêng biệt khác của hàng hóa, dịch vụ.
Hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế cho nhau về mục đích sử dụng nếu hàng hóa, dịch vụ đó có mục đích sử dụng chủ yếu giống nhau. Hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế cho nhau về giá cả khi giá của hàng hóa, dịch vụ chênh lệch nhau không quá 5% trong điều kiện giao dịch tương tự. Trường hợp có sự chênh lệch nhau trên 5%, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia xác định hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về giá cả căn cứ thêm vào một số yếu tố hoặc thực hiện theo phương pháp quy định.
Thị trường địa lý liên quan là khu vực địa lý cụ thể trong đó có những hàng hoá, dịch vụ được cung cấp có thể thay thế cho nhau với các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực địa lý lân cận.
Ranh giới của khu vực địa lý quy định trên được xác định căn cứ theo yếu tố: a) Khu vực địa lý có cơ sở kinh doanh của doanh nghiệp tham gia phân phối hàng hoá, dịch vụ liên quan; b) Cơ sở kinh doanh của doanh nghiệp khác đóng trên khu vực địa lý lân cận đủ gần với khu vực địa lý quy định tại điểm a để có thể tham gia cạnh tranh với các hàng hoá, dịch vụ liên quan trên khu vực địa lý đó; c) Chi phí vận chuyển hàng hóa, cung ứng dịch vụ; d) Thời gian vận chuyển hàng hóa, cung ứng dịch vụ; đ) Rào cản gia nhập, mở rộng thị trường; e) Tập quán tiêu dùng; g) Chi phí, thời gian để khách hàng mua hàng hóa, dịch vụ.
Khu vực địa lý được coi là có điều kiện cạnh tranh tương tự và khác biệt đáng kể với các khu vực địa lý lân cận nếu thỏa mãn một trong các tiêu chí sau đây: a) Chi phí vận chuyển và thời gian vận chuyển làm giá của hàng hóa, dịch vụ tăng không quá 10%; b) Có sự hiện diện của một trong các rào cản gia nhập, mở rộng thị trường.
Nghị định nêu rõ, thị phần của doanh nghiệp trên thị trường liên quan được xác định theo một trong các phương pháp quy định tại Điều 10 Luật Cạnh tranh.
Trong quá trình xác định thị phần, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia có quyền tham vấn ý kiến của các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có chuyên môn.
Nghị định cũng quy định cụ thể về xác định thị phần của nhóm doanh nghiệp liên kết. Theo đó, doanh thu bán ra, doanh số mua vào, số đơn vị bán ra, mua vào đối với một loại hàng hóa, dịch vụ của nhóm doanh nghiệp liên kết được xác định như sau: a- Doanh thu bán ra, doanh số mua vào, số đơn vị bán ra, mua vào đối với một loại hàng hóa, dịch vụ để xác định thị phần của nhóm doanh nghiệp liên kết được tính bằng tổng doanh thu bán ra, doanh số mua vào, số đơn vị bán ra, mua vào đối với loại hàng hóa, dịch vụ đó của tất cả doanh nghiệp trong nhóm doanh nghiệp liên kết; b - Doanh thu bán ra, doanh số mua vào, số đơn vị bán ra, mua vào đối với một loại hàng hóa, dịch vụ của nhóm doanh nghiệp liên kết không bao gồm doanh thu bán ra, doanh số mua vào, số đơn vị bán ra, mua vào từ việc bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa các doanh nghiệp trong nhóm doanh nghiệp liên kết.
Thị phần của doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp liên kết là thị phần của nhóm doanh nghiệp liên kết đó.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15.5.2020.