Trong thư gửi anh em văn hóa và trí thức Nam Bộ năm 1947, Bác viết: "Ngòi bút của các bạn là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà". Báo chí cần phê phán mọi tiêu cực xã hội, thói hư tật xấu...
|
Bác Hồ đọc báo Nhân Dân
|
Năm nay, chúng ta long trọng kỷ niệm lần thứ 85 Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Ngày kỷ niệm này lại gắn liền với kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc Việt Nam, người viết báo số 1 của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Người đã có tròn nửa thế kỷ cầm bút, để lại cho chúng ta một di sản quý báu về sự nghiệp báo chí cách mạng mà không một dân tộc nào trên thế giới có được. Đó là niềm tự hào chính đáng của đội ngũ cán bộ báo chí, suy rộng ra là của cán bộ và nhân dân ta trong suốt 80 năm đi theo Đảng, làm cách mạng, ngày nay đang hướng tới mục tiêu "nước mạnh, dân giàu, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".
Kể từ khi có Đảng cho đến Cách mạng Tháng Tám 1945, tiếp đến là hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ngày nay là sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế, cuộc chiến đấu cách mạng của chúng ta là một cuộc chiến đấu toàn diện, trên tất cả các lĩnh vực, các mặt trận (chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, ngoại giao...), bằng mọi loại vũ khí, vũ khí theo nghĩa thông thường và các loại vũ khí khác, mà mục đích cuối cùng là giành chiến thắng. Tất cả mọi người tham gia các mặt trận ấy đều là chiến sĩ, trong đó có cán bộ báo chí. Đây có thể xem là ý kiến đặc sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì, chỉ có Người mới đưa ra một định nghĩa chí lý về nghề báo và người làm báo. Tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam (8-9-1962), Người chỉ rõ: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ". Ba năm sau, trong điện mừng Hội Nhà báo Á Phi (ngày 24-4-1965), Người lại khẳng định: "Đối với những người viết báo chúng ta, cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chống chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ, vì độc lập, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới". Rõ ràng, làm báo không chỉ là "hành nghề", mà là chấp nhận vị trí chiến đấu trên một mặt trận chung, thời chiến cũng như thời bình.
Tháng 4-1959, nói chuyện tại Đại hội II Hội Nhà báo Việt Nam, sau khi vạch trần tính giả dối của cái gọi là "tự do báo chí" ở các nước tư bản, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn các nhà báo chúng ta: "Báo chí chúng ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới. Chính vì thế cho nên tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành...) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của chúng ta đều phải có đường lối chính trị đúng". Bác căn dặn báo chí phải có tính quần chúng và tinh thần chiến đấu.
Theo Bác, tính chiến đấu của báo chí là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, từ việc chiến đấu để phục vụ đánh đổ kẻ thù xâm lược, chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, vì lý tưởng và mục tiêu cao cả của cách mạng, chiến đấu để xây dựng chế độ mới, cuộc sống mới. Chiến đấu còn có ý nghĩa đánh bại những đòn tiến công và phản kích của các thế lực thù địch, đề cao cái đúng, cái tốt, cái đẹp (chân, thiện, mỹ), đẩy lùi và khắc phục các thói hư tật xấu trong xã hội và trong mỗi con người. Chính vì thế, với mọi cơ quan báo chí và người làm báo, tính chiến đấu phải được thể hiện trước hết trong việc làm sáng tỏ đường lối, chủ trương và các chính sách của Đảng và Nhà nước ta, động viên và cổ vũ lòng hăng hái và tinh thần phấn đấu của nhân dân ta vì sự nghiệp đổi mới. Đi kèm đó, tính chiến đấu phải được thể hiện trong việc bác bỏ quan điểm sai trái, phê phán các luận điệu xuyên tạc và các hành vi chống phá của các thế lực thù địch. Bọn chúng nêu chiêu bài "tự do". Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ: "Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, tức là phục tùng chân lý” (Bài nói ngày 21-7-1956 tại lớp nghiên cứu chính trị khóa I Trường Đại học Nhân dân Việt Nam).
Trong thư gửi anh em văn hóa và trí thức Nam Bộ năm 1947, Bác viết: "Ngòi bút của các bạn là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà". Báo chí phải cổ vũ hành động cách mạng của quần chúng, nêu các gương sáng trong thi đua yêu nước, đề cao đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư... Báo chí cần phê phán mọi tiêu cực xã hội, thói hư tật xấu.
Tháng 6-2010, kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, mỗi người làm báo chúng ta luôn luôn ghi nhớ về lời dạy của Bác, không ngừng nâng cao tính chiến đấu của báo chí cách mạng. Tháng 6 ghi lại nhiều dấu ấn lịch sử về Bác và về báo chí. Ngày 21-6-1925, báo Thanh Niên do Bác sáng lập, đã trở thành mốc son chói lọi của báo chí cách mạng Việt Nam. Cuộc đời vĩ đại và trong sáng của Người, riêng trên lĩnh vực báo chí cách mạng, luôn luôn là niềm tự hào, là bài học lớn của mỗi người làm báo chúng ta.
NGUYỄN HỮU