Trang trại lươn cho thu gần chục tỷ đồng/năm, trong đó 99% đơn hàng đều là khách mua online; chốt ngay hợp đồng 26 tấn chôm chôm nhờ đưa lên sàn online
Đó là câu chuyện của người nông dân khi thương mại điện tử không chỉ giúp họ quảng cáo sản phẩm nông sản một cách dễ dàng mà còn tiếp cận được với nguồn khách hàng khổng lồ. Họ không ngờ 1 ngày ngồi bờ ruộng, gẩy ngón tay up hàng lên mạng mà bán cho cả thế giới.
Khách online ồ ạt đặt mua, có lúc “cháy hàng”
Trưa thứ ba, một vị khách tới nhà hỏi mua hàng, anh Phạm Văn Khang ở Tuy Đức (Đắk Nông) trả lời: “Mắc ca hết hàng rồi, phải chờ tới mùa thu hoạch tới”. Sau đó, anh kể cho chúng tôi nghe chiến tích bán hàng online trên các trang mạng xã hội, trên các sàn giao dịch thương mại điện tử khi dịch Covid-19 xảy ra.
Anh Khang cho hay, vợ chồng anh trồng đủ loại cây, từ cây lương thực đến cây công nghiệp như mắc ca, chuối,... Năm nào vườn cây cũng cho thu nhập khoảng 2 tỷ đồng.
Năm nay, đúng thời điểm 10 ha mắc ca đến kỳ thu hoạch thì dịch Covid-19 xảy ra, cả xã hội thực hiện giãn cách khiến mắc ca rơi cảnh ế ẩm. Những năm trước mắc ca được giá, lên tới 100.000 đồng/kg, thì giữa năm nay giá giảm còn 60.000 đồng/kg mà vẫn ế. Lúc đó, hàng không bán được, anh đành mua máy về sấy, đóng túi tích trữ đợi cơ hội đẩy hàng.
Nông dân bắt đầu tham gia các sàn giao dịch điện tử để quảng bá và bán nông sản |
Rồi vợ chồng anh tự mày mò lên mạng xã hội facebook, zalo quảng cáo sản phẩm, bán online, thậm chí vào cả các sàn giao dịch thương mại điện tử đăng ký tài khoản để bán hàng. “Vợ chồng tôi có điện thoại thông minh nên tiện cho việc đăng bán hàng”, anh kể. Ban đầu, khách còn ít, sau đó tăng dần lên, cả khách lẻ và khách sỉ đua nhau đặt hàng.
Kết quả, toàn bộ số mắc ca đã thu hoạch cùng với số chuối xanh có trong vườn đều bán hết nhanh chóng, thậm chí có thời điểm “cháy hàng”. Đặc biệt, mắc ca còn bán được giá cao hơn so với thời điểm trước khi có dịch Covid-19.
Ngày trước khi bán trực tiếp, nguồn khách chủ yếu ở trong tỉnh. Song, khi bán hàng online phạm vi khách mở rộng hơn, không chỉ khách ở khu vực Tây Nguyên, miền Nam mà cả khách ở Tây Bắc cũng đặt mua. Anh chỉ việc ở nhà chốt đơn, đóng hàng sau đó đơn vị vận chuyển sẽ đến tận nhà lấy hàng đem giao cho khách.
Trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển và được ứng dụng phổ biến như hiện nay, ông Nguyễn Thanh Tân, chủ một trang trại lươn ở Vĩnh Long nhận định xu hướng kinh doanh qua thương mại điện tử sẽ là tất yếu.
Với quy mô hiện nay, trang trại lươn của ông Tân xuất ra thị trường khoảng 3 triệu con giống và 12 tấn lươn thương phẩm, tổng giá trị dự kiến 9 tỷ đồng, cho lợi nhuận khoảng 3 tỷ đồng. Ông Tân khẳng định, 99% khách hàng đặt mua lươn của ông đều là khách hàng online.
Đó là nhờ năm 2013-2014, ông đã xây dựng một website của riêng mình. Khi đó, ông chủ yếu giới thiệu mặt hàng, giá cả, kỹ thuật nuôi lươn,... Nguồn khách online cũng chỉ chiếm 20% bởi thương mại điện tử lúc đó chưa phát triển như bây giờ.
Song, những năm gần đây, ông bắt đầu quảng bá và bán sản phẩm nhiều hơn trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube, đặc biệt là trên website mình lập ra. Nhờ đó, lượng khách được mở rộng hơn trước. “Không chỉ có khách trong nước, tôi còn có nhiều khách là Việt kiều hỏi mua hàng”, ông khoe.
Sàn giao dịch điện tử - “sân chơi mới” của nông dân
Ông Tân thừa nhận, giờ lượng lươn giống và lương thương phẩm tại trang trại của ông chỉ đáp ứng 1% nhu cầu thị trường. Song, sang năm 2021, năng suất lươn giống dự kiến tăng lên 10 triệu con cùng 100 tấn lươn thương phẩm, tổng doanh thu ước đạt 35 tỷ đồng, lợi nhuận thu về trên 10 tỷ đồng.
Trên mạng xã hội, ông dự định sẽ mở rộng phạm vi bán hàng ra những sàn thương mại điện tử nhằm tìm kiếm nguồn khách hàng dồi dào hơn.
Nông dân nước ta sản xuất rất giỏi, nhưng đầu ra luôn bấp bênh, dễ bị ép giá. Do đó, ông Tân cho rằng, khi có sàn giao dịch thương mại điện tử nông sản, họ có thể chủ động quảng cáo, bán sản phẩm, tìm kiếm khách hàng.
Nếu có sàn giao dịch điện tử cho nông sản ở quy mô lớn thì người nông dân sẽ tiếp cận được hàng triệu khách hàng |
“Lập website riêng như tôi có lẽ không phải nông dân nào cũng làm được. Thực tế, để thuận lợi hơn cho việc quảng bá và bán sản phẩm, tôi cần có đội ngũ IT hỗ trợ về kỹ thuật. Trên các sàn giao dịch, nếu nông dân được hỗ trợ về kỹ thuật, về giao hàng thì mọi việc dễ dàng hơn nhiều”, ông nói.
Một số địa phương hiện đã có sàn giao dịch thương mại điện tử chuyên về nông sản. Ở đó, bà con nông dân được hướng dẫn đăng ký tham gia để tiếp cận với các kênh phân phối lớn.
Chị Phạm Thị Thủy, Chủ nhiệm HTX Chè Thủy Thuật (Phúc Trìu, Thái Nguyên), kể rằng, tháng 7.2019, sau khi Hội Nông dân tỉnh có chương trình quảng bá, giới thiệu và cung cấp nông sản trên sàn Voso, HTX đã đăng ký để đưa sản phẩm chè lên sàn.
Từ khi tham gia sàn giao dịch và được hỗ trợ truy xuất nguồn gốc điện tử, các sản phẩm chè của HTX được thị trường ngoài tỉnh biết đến nhiều hơn, đối tác cũng được mở rộng, do vậy lượng hàng hóa sản xuất, tiêu thụ tăng lên đáng kể.
Tham gia sàn giao dịch chuyên về nông sản của tỉnh Vĩnh Long - sân chơi còn khá mới với ông Võ Văn Bê - Giám đốc HTX Chôm chôm Java Tân Khánh, song ông thừa nhận sản phẩm của HTX được thị trường đón nhận tích cực, người mua cũng tin tưởng hơn, đối tác cũng được mở rộng, số lượng hàng hóa sản xuất, tiêu thụ cũng tăng đáng kể. Thông qua sàn, ông còn ký được hợp đồng bán 26 tấn chôm chôm.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Long, trong thời đại công nghiệp 4.0, việc đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử để hỗ trợ, mở rộng thị trường tiêu thụ đang thực sự trở thành một xu thế kinh doanh tất yếu, rất cần thiết.
Để kinh doanh nông sản đòi hỏi nhiều yếu tố, ngoài việc sản xuất theo hình thức tập trung, có truy xuất nguồn gốc, mã code, đạt quy chuẩn an toàn thì việc giới thiệu sản phẩm cho các đối tác để ký kết rất quan trọng. Do đó, thời gian tới, cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được từ sàn giao dịch, thực hiện ngày càng đa dạng, năng động hơn.
Một chuyên gia trong ngành nông nghiệp đánh giá, sàn giao thương mại dịch điện tử giờ rất phổ biến, sàn giao dịch điện tử chuyên về nông sản cũng đã có nhưng quy mô còn nhỏ, nông dân, HTX,... bắt đầu tiếp cận. Song, cần có một sàn giao dịch nông sản quy mô lớn, hoạt đông chuyên nghiệp, uy tín. Ở đó, ngoài quảng bá về sản phẩm, nông dân còn được hỗ về trợ tiếp thị, về logistics. Sân chơi mới này sẽ có trăm người bán triệu người mua, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Theo Vietnamnet