Chỉ còn gần nửa tháng nữa là kết thúc năm tài chính 2023, toàn ngành tài chính đang gấp rút phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước được giao.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành, ngành thuế tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp phấn đấu thu đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, đồng thời tập trung thu hồi nợ đọng, chống thất thu ngân sách nhà nước.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, trong tháng còn lại của năm, ngành hải quan phấn đấu thu từ 32 - 35 nghìn tỷ đồng, vượt dự toán được giao khi hết tháng 11 ngành hải quan đã "cán đích" thu ngân sách nhà nước.
Đối với Kho bạc Nhà nước, đơn vị tiếp tục bám sát tiến độ thu chi ngân sách nhà nước, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và kế hoạch trả nợ của ngân sách trung ương, để huy động trái phiếu chính phủ với số lượng phù hợp, trong phạm vi Thủ tướng Chính phủ giao.
"Liên quan đến quyết toán cuối năm, Kho bạc Nhà nước sẵn sàng các phương án cho kỳ quyết toán, khóa sổ cuối năm được thuận lợi, thành công và sẵn sàng cung cấp các số liệu phục vụ điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính tại mọi thời điểm", Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước Trần Quân khẳng định.
Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách Nhà nước 11 tháng ước đạt 1.537,6 nghìn tỷ đồng, bằng 94,9% dự toán, giảm 7,1% so cùng kỳ năm 2022; trong đó, thu ngân sách trung ương ước đạt khoảng 96,3% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt khoảng 93,2% dự toán.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng nhấn mạnh, để thu đạt và vượt dự toán ngân sách nhà nước được giao, các cơ quan thuế, hải quan phải nỗ lực vào cuộc triển khai các giải pháp nhằm tăng thu ngân sách nhà nước. Đặc biệt, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thu ngân sách nhà nước, như triển khai hóa đơn điện tử đối với lĩnh vực kinh doanh bán lẻ xăng dầu; tăng cường quản lý thu thuế dịch vụ ăn uống...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng vừa có Công điện số 1372/CĐ-TTg về việc tăng cường công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, tiết kiệm chi, chủ động điều hành ngân sách nhà nước trong tháng 12 năm 2023 và những tháng đầu năm 2024.
Công điện nêu rõ, những tháng qua thu ngân sách nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhiều ngành, địa phương có tiến độ thu đạt thấp, nhất là các khoản thu tiền sử dụng đất, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách địa phương. Trong thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố tác động không thuận lợi đến nền kinh tế nước ta. Để nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành thu, chi ngân sách nhà nước trong tháng 12 năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước, phấn đấu tăng thu hơn nữa ngân sách nhà nước, chỉ đạo rà soát toàn bộ nguồn phát sinh thu, số thuế còn được gia hạn, nắm chắc đối tượng nộp ngân sách trên địa bàn, lĩnh vực để có giải pháp quản lý thu phù hợp, hiệu quả, khai thác các nguồn thu còn dư địa, tiềm năng như kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, dịch vụ giải trí, ăn uống, xăng dầu...
Bên cạnh đó, tập trung xử lý, tháo gỡ khó khăn trong việc đấu giá, giao đất, triển khai thực hiện dự án, để đẩy mạnh thu tiền sử dụng đất đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển.
Ngoài ra, kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế, quyết toán thuế của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân để đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác vào ngân sách nhà nước. Cùng với đó, đôn đốc thu đối với số thuế được gia hạn đến hạn phải nộp vào ngân sách nhà nước; đẩy nhanh hoàn thuế, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng và theo đúng quy định.