Gặp những già làng tiêu biểu ở Phú Yên

10/05/2010 16:31

Nếu như toàn quốc, ở đâu cũng có Hội Người cao tuổi thì riêng ở PhúYên còn thêm Hội già làng, Trưởng thôn - buôn, baogồm các già làng, người lớn tuổi có uy tín, được bà con từng dòng tộctrong buôn làng suy tôn.

Già làng Ma Nghĩa đưa cơ giới
vào đồng ruộng.

Hiện trên địa bàn toàn tỉnh đãbầu chọn được 204 trưởng, phó thôn là người dân tộc thiểu số, 405 giàlàng và cá nhân có uy tín. 


Các già làng là  những "cây cổ thụ trên đại ngàn” luôn là nguồn sáng để giữ lấy mạch rừng, giữ lấy phong trào cách mạng, vận động con cháu đoàn kết, xây dựng buôn làng đổi mới theo Đảng, theo Bác Hồ.

No cái bụng nhờ ơn Ma nghĩa


Những ngày này người dân xã Phú Mỡ tập trung thu hoạch lúa nước. Chủ tịch xã Kso Bếp bảo: “ Do lụt hồi năm trước, là mùa chậm lại hơn một tháng, nhưng lúa thu hoạch vẫn đạt 50 tạ/ha, cái đói giáp hạt ddwwocj giải quyết rồi, bà con mừng lắm.”. Bà con có được cuộc sống no đủ như hôm nay phải nhắc đến công ơn già làng Ma Nghĩa.


Năm 2003 từ chương trình 135 huyện Đồng Xuân ưu tiên đầu tư 250 triệu đồng xây dựng một trạm bơm điện đặt tại bôn Phú Lợi. Có trạm bơm, nhưng nhiều người chưa có đất sản xuất. Già làng Ma Nghĩa báo với cán  bộ xã, tổ chức họp dân bàn chuyện tìm đất. Trong lúc các cán bộ xã đang lúng túng  thì Ma Nghĩa đã trình bày cách làm chưa ai nghĩ đến. Tất cả ruộng đất từ trước đến nay ở cái buôn Phú Lợi này nhà nào làm bao nhiêu không biết, ai nhiều ít không bàn, tất cả đều là của chung, đem chia đều cho bà con làm lúa nước.

Một cuộc cách mạng về việc chia đều ruộng đất cho dân làng làm lúa nước thực sự diễn ra . “Muốn dân tin, làm theo thì mình làm trước rồi mới nói, làm có hiệu quả rồi nói dân mới tin”. Đã từng tham gia nhiều chức vụ qua các thời kỳ kháng chiến nên Ma Nghĩa học và làm được điều đó từ trong thực tiễn. Gia đình ông có tất cả 2,5 ha ruộng lúa nước, 3,5 ha đất thổ, cộng lại tất cả là 6 ha. Ông đã đem chia tất cả cho bà con trong buôn. Phần gia đình cũng chỉ nhận đúng số diện tích được chia đều như bà con.


Theo gương ông Ma Nghĩa, những người khác trong buôn có nhiều đất như Oi Ruồi, Oi Quí, Ma Vân, Ma Phọm và nhiều người khác nữa cũng đem ruộng đất nhà mình ra chia đều cho cả buôn. Ruộng được chia theo nhân khẩu, nhà nhiều thì được nhiều, nhà ít được nhận ít, không có sự ưu tiên hay gì cả. Từ đó cả buôn Phú Lợi có 82 hộ dân, thì 100% hộ đều có diện tích lúa nước. Gia đình ít thì một sào, nhiều thì được vài ba sào lúa. Phong trào làm lúa nước của xã Phú Mỡ nhanh chóng nhân rộng ra từ cách làm này.


Ma Minh – Phó bí thư xã Phú Mỡ cho chúng tôi biết: “Ban đầu làm lúa nước bà con không quen đâu, nhờ có Chú Ma Nghĩa đây đứng ra vận động, ổng làm trước rồi bà con bắt chước. Phải nói Chú Ma Nghĩa ổng có kinh nghiệm nên nói ai cũng nghe theo.” Có cơm ăn no bụng, cả làng trên xóm dưới ai cũng biết ơn ông Ma Nghĩa. Năm nay ông đã bước sang tuổi 77, đối với dân làng Ma Nghĩa trở thành người cha, người chú đáng quí trọng. Còn đối với Đảng, chính quyền xã cũng rút ra được bài học về cuộc vận động có tính đột phá cách nghĩ cách làm của già làng Ma Nghĩa. Xã vùng cao Phú Mỡ xã anh hùng với những địa danh lịch sử qua 2 thời kỳ kháng chiến như Thồ Lồ, Ma Dú, hôm nay đang vươn lên từng ngày. Chiến công lớn từ cuộc chiến chống đói nghèo nơi đây phải kể đến vai trò của già làng Ma Nghĩa với những cánh đồng lúa nước hứa hựn những mùa vàng no ấm.                                                                                           


“Đài truyền thanh A Ma Liên”



Già làng A Ma Liên đang dịch ra tiếng Ê Đê.


Đài Truyền thanh xã Cà Lúi huyện Sơn Hòa (Phú Yên) ngày càng có nhiều chương trình hay. Ngoài việc tiếp âm chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam, của tỉnh và huyện, còn có chương trình địa phương phát sóng 15 phút vào buổi sáng và buổi chiều, bằng tiếng Ê Đê và Chăm H’Roi. Người phụ trách chương trình này là già làng A Ma Liên, hiện là chủ tịch Hội người cao tuổi của xã.


Từ những năm 1960 đến năm 1968, già làng A Ma Liên là nhạc công chơi đàn T’rưng và T’ní của đội văn công miền Tây, tỉnh Phú Yên. Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, ông là cán bộ văn hóa - thông tin xã. Từ năm 1988 - 2000, A Ma Liên làm Chủ tịch UBND xã Cà Lúi. Hiện nay, ông là Chủ tịch Hội Người cao tuổi của địa phương, làm biên tập viên kiêm phát thanh viên Đài truyền thanh xã. A Ma Liên tâm sự: “Mình còn tham gia được thì cứ tham gia. Có vậy mới vui, mới khỏe!”.

Từ những chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước, già làng A Ma Liên đã đọc,  nghiên cứu và biên dịch lại thành tiếng Ê-Đê để đọc lại trên đài cho bà con nghe và làm theo. “ Cái tiếng của A Ma Liên trên đài hay lắm, ổng nói cách trồng lúa sao cho tốt, chăn nuôi con bò sao cho to con, bảo bà con không chặt phá rừng, phải bảo vệ nguồn sống của rừng, dễ hiểu lắm nên bà con mình biết, làm theo hết... Già làng A Ma Then đã nhận xét như vậy.


A Ma Liên thì bộc bạch : “ Năm 1947, tôi xuống Củng Sơn học cái chữ quốc ngữ, gần 5 năm sau, tôi về xã Cà Lúi học tiếp chữ Ê Đê, sau đó nhờ Đảng, Bác Hồ giáo dục cái đường lối mà biết được nhiều điều. Muốn làm được việc này phải biết về tập quán người Ê Đê, Chăm H’Roi, để dịch các tin, bài dễ hiểu, gần gũi với bà con mình để họ tiếp thu nhanh hơn!”...


Giữ lửa cho làng


Già làng Ma Thơm ở buôn Dành A, xã Ea Bia, huyện Sông Hinh là nghệ nhân Ê Đê thuộc và hát sử thi hay nhất vùng. Ma Thơm bị mù bẩm sinh, song hình như Giàng đã bù lại cho ông đôi tai, cái đầu để nghe và nhớ nhiều sử thi. Đêm đêm lũ làng lại tụ họp trong nhà rông văn hoá nghe ông hát Khan kể về cuộc chiến đấu của chàng Đam San trước thiên nhiên hoang dã, chuyện chàng Xinh Nhã bắt con heo rừng to, con cọp rừng, sự hùng vĩ của những cánh rừng dài tít tắp nối đến tận phía các hồ lớn (biển), nơi đó có người anh em sinh sống... 


Ma Thơm  trầm ngâm: "Hồi mẹ chưa về với ông bà, mẹ hát khan hay lắm! Những bài Xinh Nhã, Đam San, Khinh Zú, Vahblim, Xinh Cníp... mẹ kể ngày này qua ngày khác, ta nhớ hết mới kể lại cho lũ làng nghe!".


Trong sử thi Êđê thường xuất hiện hình tượng chim Chơ rao, tương truyền đó là con chim mạnh mẽ, thông tuệ nhất của đại ngàn. Con chim biết tiếng người, thường bay khắp nơi kể cho buôn làng nghe những câu chuyện của núi rừng. Người dân Êđê bảo: Ma Thơm cũng như chim Chơ rao, vẫn mải miết kể khan bên bếp lửa bập bùng và mỗi khi giọng kể của Ma Thơm vang lên cũng là dịp nhắc nhở con cháu hãy giữ lấy ngọn lửa rừng, ngọn lửa đoàn kết, xây dựng, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc.


Muốn lũ làng nghe phải làm trước đã



Những ngày giáp tết già làng Oi Nhin cho biết trước đây người Ê Đê không ăn  tết cổ truyền như người Kinh, mà ăn tết sớm hơn bằng lễ tục cũng mùa lúa mới, lễ đổ đầu. Các lễ này được tổ chức từ đầu tháng chạp khi bà con thu hoạch xong mùa lúa mới. Nay thì khác rồi, đoàn kết dân tộc tết cổ truyền là ăn chung. Già làng vận động bà con ai có gà làm gà, người đỡ hơn có heo thì làm heo, ché rượu cần tự ủ từ bắp sắn với men lá rừng truyền thống. Đúng đêm 30 tết cả buôn  tập trung bên bếp lửa nhà rông để cùng vui. Nghe già làng chúc tết, bày chuyện làm ăn…


Già làng Oi Nhin ở buôn Chung xã Ea Bar huyện Sông Hinh luôn bận rộn, khi đi xử giải hòa, lúc lên nương rẫy, khi đến họp thôn. Cái chân ông như con sóc chạy khắp buôn làng, lo công việc cho làng. “Muốn nói cho dân làng nghe theo, mình phải làm trước đã rồi mới nói”. Cách làm của ông là trồng lúa, nuôi bò và trồng các loại cây màu phụ. Hiện nay Oi Nhin có gần 100 con bò, 5 sào lúa nước và vài ha cây trồng cạn. Không nhớ cụ thể thu nhập của gia đình một năm là bao nhiêu, nhưng Oi Nhin bảo là “ Trước thì nghèo lắm, còn bây giờ đã có của ăn của để.”


Học theo cách làm của Oi Nhin buôn Chung có 76 hộ đồng bào dân tộc Ê Đê thì đến nay 2/3 hộ thoát nghèo. Với vai trò của già làng lúc nào Oi Nhin cũng bận rộn với nhiều công việc chung. Điều ông lo lắng nhất hiện nay là phải vận động bà con đoàn kết, nhiều hộ còn nghèo phải biết làm ăn để khá lên, đừng để tình trạng người xấu lợi dụng, chia rẽ tình đoàn kết anh em.


(Theo Nhân dân)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gặp những già làng tiêu biểu ở Phú Yên