Gặp người anh hùng trên sông nước

05/08/2014 08:08

Xuất thân từ miền sông nước, anh hùng Lê Xuân Sênh được biết đến với những câu chuyện đánh tàu như huyền thoại.



Nay tuổi xế chiều, anh hùng Lê Xuân Sênh vẫn lấy nghề chài lưới làm vui


Lấy nghề chài lưới làm vui

Chuyện ngày ngày ông Sênh đi đánh cá thì cả người dân thôn Trại Xanh, xã Duy Tân (Kinh Môn) đều biết. Bởi vậy khi chúng tôi hỏi thăm, họ bảo, làm gì phải tìm đâu xa, cứ ra sông đào sẽ gặp ông ấy đánh cá ở đấy. Theo lời của người dân, chúng tôi gặp ông Sênh đang thả lưới ở đây. Ngoài 70 tuổi, dáng người mảnh khảnh, nhưng ngồi trên chiếc thuyền tự tạo bằng chiếc săm ô-tô cũ và mấy miếng xốp, lão ngư vừa khua mái chèo vừa thoăn thoắt buông lưới. Thả lưới xong, ông lướt thuyền trên mặt nước tạo sóng lùa cá. Trong chiếc vợt ở mũi thuyền, nhung nhúc cá chép, rô phi...

Ông Sênh ở Hải quân đến năm 1989 thì về nghỉ hưu. Từ ngày rời quân ngũ, việc gì ông cũng làm, nhưng gắn bó đến giờ vẫn là đánh cá. Mỗi sáng, ông Sênh lại vác chiếc thuyền tự tạo ra sông thả lưới. Những hôm đánh được nhiều thì ông bán lại cho bà con lối xóm. Từ nghề đánh cá, mỗi tháng ông thu được 2-3 triệu đồng.

Qua câu chuyện, cuộc đời ông tái hiện như cuốn phim quay chậm. Sinh năm 1941, từ nhỏ, ông Sênh đã biết lặn sông Kinh Thầy bắt cá. Mỗi lần đi chăn trâu về, trên tay ông luôn xách theo xâu cá chiến lợi phẩm. Ông được đám trẻ trong làng đặt cho biệt danh “rái cá”.

Nhập ngũ năm 1965, ông được điều về bộ đội công binh, đi thuyền mang vật liệu xây dựng công trình trên các đảo Quan Lạn, Cô Tô, Cát Bà… Không ít lần thuyền của ông cùng đồng đội bị bom của địch đánh chìm trên biển. Sau này ông được đưa lên bờ phá bom từ trường tại khu vực bến Triều (Kinh Môn). Rồi ông được cử đi học người nhái, thành người chiến sĩ đặc công nước. Cả ngày ông phải ngâm mình dưới nước hoặc bơi trên biển, mỗi tuần tập ngồi trong máy nén áp lực đến độ mắt như muốn nhảy ra khỏi tròng, mũi, tai muốn xì máu. Trong quá trình tập luyện nguy hiểm luôn rình rập.

Anh hùng diệt tàu giặc

Sự rèn luyện gian khổ đã hun đúc phẩm chất gan góc, kiên cường của người anh hùng. Vào nhà ông Sênh, nhìn đâu chúng tôi cũng thấy những huân chương. Mỗi tấm huân chương gắn liền với một câu chuyện đánh tàu như huyền thoại của người anh hùng. Ông Sênh nhớ nhất là trận đánh tàu 5.000 tấn của Mỹ ở sông Cửa Việt vào năm 1969, cũng là trận đánh đầu tiên của ông. Ông Sênh kể: “Hồi đó, phía bắc cảng Cửa Việt là hàng rào điện tử Mắc Na-ma-ra. Trong hàng rào là đồn bốt giặc được trang bị đủ loại vũ khí. Ngoài biển, tàu chiến tuần tiễu suốt ngày đêm. Trên trời, các loại máy bay trinh sát quần đảo. Buổi tối, đèn pha chiếu sáng mấy cây số. Quân ta nhiều lần lên kế hoạch đánh cảng nhưng thất bại. Trước tình hình trên, anh Tập và tôi được giao nhiệm vụ bằng mọi cách đánh tàu để giáng đòn phủ đầu vào kẻ địch”. Để chuẩn bị cho trận đánh, hai người ra hố bom tập dượt cả tuần. Ngày 13 - 11 - 1969, nhận được tin báo có chiếc tàu 5.000 tấn của Mỹ đậu ở cồn Tòng (sông Cửa Việt), cấp trên chỉ đạo ông Tập và ông Sênh đánh trận này. Tối hôm đó, ông Sênh và ông Tập cùng một tổ trinh sát 5 người lên đường. Bò men theo bờ sông từ chập tối, đến 11 giờ đêm mới vào đến cồn Tòng. Nhưng chiếc tàu đã chạy vào cảng cách đó hơn 1 cây số. Nhìn đồng hồ thấy đã muộn, đồng chí Xuân, tổ trưởng trinh sát bàn với anh em nên rút ra chờ dịp khác. Biết không dễ có cơ hội này, ông Sênh và ông Tập đề nghị xin được vào đánh. Theo kế hoạch, nếu sau 2 giờ hai người không ra thì anh em trinh sát cứ rút trước.

Lợi dụng nước chảy, hai người ngậm ống thở rồi lừ lừ thả trôi trên mặt nước. Đến cách tàu khoảng 50m thì phát hiện giặc bố trí lính gác đi xung quanh tàu thả lựu đạn xuống nước để chống người nhái ta xâm nhập. “Sau khi bàn bạc, chúng tôi bơi đến gần tàu chờ khi nó vừa ném lựu đạn xong ở khoang giữa sẽ nhào vào tiếp cận. Do nước chảy xiết nên khi đến gần tàu thì lựu đạn mới nổ, tôi bị sức ép, choáng mất một lúc. Theo phản xạ tự nhiên, tôi nhoài người nhao lên mặt nước và tay cũng chạm vào đáy tàu. Quá mừng, ngay lập tức tôi tháo mìn ốp vào tàu rồi kéo dây báo cho anh Tập đã gài được mìn. Lát sau thấy anh Tập cũng giật dây báo lại đã gài được mìn vào tàu. Chúng tôi kiểm tra lại lần cuối rồi rút chốt an toàn nhoài người bơi ngược ra”, ông Sênh kể. Do nước chảy xiết nên hai người không thể bơi được. Trước tình huống đó, ông Sênh và ông Tập thống nhất bơi về phía bờ bắc rồi ngược lên vị trí anh em đang chờ. Dọc bờ, thuyền của giặc đậu san sát. Để di chuyển được, từng người phải bám vào thuyền kéo người kia lên. Được nửa cây số, đồng chí Tập yếu sức nhô đầu lên khỏi mặt nước. “Ở cách đó một đoạn tôi thấy tên bảo an đứng mũi thuyền nhao vào trong. Biết bị lộ, tôi dùng hết sức kéo anh Tập về phía mình rồi dìu anh ấy nhoài về trước. Được hai, ba thuyền thì thấy súng, lựu đạn nổ chát chúa phía sau”, ông Sênh kể tiếp. Đi ngược bờ sông, đến hơn 2 giờ sáng, ông Sênh và ông Tập cũng đến được chỗ hẹn. Anh em trinh sát thấy súng nổ, biết hai người đã bị lộ nên cố nán lại chờ. Thấy ông Tập và ông Sênh kiệt sức nằm xoài trên bờ cát, tổ trinh sát vội nhào xuống kéo lên bờ, xốc nách dìu hai người rút lui. Được vài cây số thì nghe phía sau vang lên tiếng nổ. Rồi đạn pháo của địch gầm rú. Sau này nghe trinh sát ta báo lại, chiếc tàu giặc bị đánh chìm chở đầy quân trang quân dụng. Sau trận đánh đó, ông Sênh và ông Tập được tặng thưởng huân chương.

Ông Sênh bảo, chuyện đánh tàu của ông và đơn vị thì dài lắm, nhiều lắm, kể cả ngày không hết. Riêng ông trực tiếp đánh mìn hai lần, phá 3 tàu giặc, chỉ huy anh em đánh chìm 13 tàu khác. Phân đội ông được phong danh hiệu "Mũi nhọn thọc sâu, đánh đâu thắng đó". Với những chiến công lẫy lừng đó, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1972.

Trở về đời thường, người anh hùng năm xưa vẫn giữ vững phẩm chất bình dị của anh bộ đội Cụ Hồ. Ngoài đánh cá, thi thoảng ông vẫn đến các trường học ở trong và ngoài huyện nói chuyện truyền thống.

NGUYÊN DÃ

(0) Bình luận
Gặp người anh hùng trên sông nước