Gập ghềnh phủ sóng điện thoại ở châu Phi

27/03/2017 07:37

Dù phải đến tận châu Phi xa xôi, những cán bộ, nhân viên kỹ thuật người Hải Dương của Viettel luôn biết vượt qua mọi điều kiện khắc nghiệt để hoàn thành tốt nhiệm vụ.



Địa hình rừng núi là một trở ngại lớn trong việc xây dựng các trạm phát sóng ở một số nước châu Phi


Vươn tay qua ngàn khơi

Không chỉ dẫn đầu thị trường cung ứng mạng viễn thông di động trong nước, hiện nay Viettel là 1 trong 3 nhà mạng đã vươn "cánh tay” ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Một trong những thị trường mà Viettel hướng đến để xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông là vùng đất châu Phi xa xôi. Trước khi tới đây, mọi người đều xác định sẽ gặp phải những rào cản, khó khăn về văn hóa, ngôn ngữ và địa lý. Song những gian nan ở đây vẫn quá sức tưởng tượng của nhiều người.

Xuất thân từ miền quê xã Minh Đức (Tứ Kỳ), anh Nguyễn Hữu Biên (sinh năm 1985) đã có 8 năm công tác tại Viettel Chi nhánh Hải Dương. Từ năm 2013 - 2015, anh được cử sang một tỉnh ở phía Bắc của Cộng hòa Cameroon để công tác với vị trí Đội trưởng Kỹ thuật. Anh vẫn nhớ như in ngày đầu tiên đến với đất nước xa lạ này. Từ sân bay trung tâm, anh cùng mấy đồng nghiệp phải di chuyển gần 1.000 km bằng tàu hỏa để đến TP Nord. Con đường dài heo hút, hai bên chỉ toàn rừng và cây, thi thoảng mới thấy loáng thoáng bóng dáng một vài ngôi làng nhỏ với những ngôi nhà đơn sơ bằng đất. Khí hậu ở đây khá khắc nghiệt, ban ngày thì nắng nóng, ban đêm lại lạnh giá. Bởi vậy nên ai mới sang cũng cảm thấy mệt mỏi. Họ phải dùng khăn choàng để quấn trên đầu nhằm tránh nắng vào ban ngày còn ban đêm lại quấn chăn ấm vào để ngủ. Phải mất một tuần, họ mới thích nghi được với điều kiện thời tiết khắc nghiệt ấy.

"Trong thời khắc khó khăn nhất, các bạn đã không bỏ chúng tôi. Điều ấy khiến tôi và người dân đất nước này vô cùng xúc động. Từ đáy lòng, chúng tôi luôn cảm ơn các bạn rất nhiều."


Đất nước Cameroon chủ yếu là đồi núi, giao thông đi lại phần lớn là đường đất… Đó là những khó khăn đầu tiên mà anh em cán bộ, nhân viên kỹ thuật Viettel gặp phải. Anh Biên nhớ lại: “Nhiệm vụ của chúng tôi là xây dựng các trạm phát sóng trên địa bàn. Do địa hình hiểm trở, chúng tôi phải nhờ đến sự trợ giúp của các đồng nghiệp bản địa từ những việc đơn giản như phiên dịch, dẫn đường hay thuê nhân công… Phương tiện đi lại ở đây chủ yếu là xe máy và xe tải nhỏ. Có những chỗ chúng tôi phải lội xuống nước vác từng bao vật tư, khiêng từng chiếc xe máy để qua sông…”.

Địa hình càng rộng, hiểm trở thì cột phát sóng càng cao. Tùy theo địa hình, mỗi cột phát sóng ở đây có chiều cao từ 44-77 m, nhưng chủ yếu là cao 77 m. Trong khi ở trong nước, các cột chỉ cao từ 15-42 m, một số ít cao 60 m. Vì vậy, khối lượng vật tư lớn hơn và mất nhiều thời gian thi công hơn. Trung bình 1 tháng mới dựng được 1 cột phát sóng. Các cán bộ, nhân viên phải đổ biết bao mồ hôi, công sức mới hoàn thành được từng cột phát sóng. Khi công việc hoàn thành ai nấy đều vui mừng. Những người bạn khác màu da dường như không còn khoảng cách, ôm chầm lấy nhau trong niềm vui sướng.

Tôi tò mò hỏi: “Các anh có gặp nhiều trở ngại khác không?”. Anh Biên cười đáp: “Nhiều lắm. Không thể đếm xuể”. Qua câu chuyện, chúng tôi nhận thấy một trong những khó khăn mà anh em Viettel ở Cameroon gặp phải là dịch vụ y tế, bởi bệnh viện ở đây không có đầy đủ trang thiết bị, đội ngũ y bác sĩ còn thiếu. Vì vậy, mỗi người phải tự trang bị cho mình những kiến thức căn bản để có thể tự chăm sóc cho bản thân và đồng nghiệp khi bị sốt rét, dịch tả, thương hàn... Ngoài ra, bữa ăn của họ nhiều khi chỉ toàn thịt với ngô, rất thiếu rau xanh... Theo lời anh Biên, mỗi một cán bộ, nhân viên của Viettel công tác ở nước ngoài trong thời gian trong từ 3-5 năm. Ngoài những vất vả nơi đất khách, nỗi nhớ nhà luôn là thử thách lớn nhất mà họ phải vượt qua.

Kỳ tích giữa vùng chiến sự



Trạm phát sóng của Viettel tại tỉnh Nord thuộc Cộng hòa Cameroon


Là 1 trong hơn chục người của Viettel tham gia làm việc ở nước Cộng hòa Burundi từ năm 2010, đến nay anh Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1992) ở TP Hải Dương đã quá quen thuộc với người dân và cuộc sống của vùng đất nhỏ bé này. Trong bối cảnh nền chính trị bất ổn, nhưng anh em cán bộ Viettel ở đây luôn đoàn kết để vượt qua khó khăn, nguy hiểm. Và họ đã đưa thương hiệu Lumitel (thương hiệu của Viettel tại Burundi) vươn lên vị trí số 1, chiếm lĩnh gần 50% thị phần tại quốc gia này.

Trao đổi với chúng tôi qua mạng internet, anh Tuấn cho biết tháng 4.2014, khi Lumitel chính thức cung cấp dịch vụ cũng là thời điểm đất nước Burundi rơi vào tình trạng bất ổn chính trị. Các nhà mạng đang kinh doanh tại đây đồng loạt ngừng hoạt động và rời khỏi quốc gia châu Phi này để bảo đảm an toàn. Những người Việt Nam tại Lumitel cũng đứng trước lựa chọn phải dừng hoạt động một thời gian để chờ tình hình ổn định trở lại.

Nhưng sau khi xác định rõ tình hình và xin ý kiến từ ban lãnh đạo tập đoàn tại Việt Nam, các cán bộ, nhân viên tại Burundi đã thống nhất vẫn tiếp tục hoạt động với một kế hoạch đặc biệt nhằm bảo đảm an toàn cho toàn bộ nhân viên và duy trì được mạng lưới hoạt động thông suốt. Quyết định ở lại của những người Việt Nam đã tạo dấu ấn đặc biệt đến những đồng nghiệp ở bản địa. “Khi nhìn chúng tôi vẫn lăn xả, quyết liệt trong công việc, thậm chí ngay cả khi 4 nhân viên người bản xứ bị phiến quân chống đối bắt giữ, chúng tôi vẫn không hề nao núng, các đồng nghiệp nước bạn càng hiểu rõ hơn tình cảm, quyết tâm của người Việt Nam. Không ngại khó khăn, họ cũng nhiệt tình tham gia thực hiện công việc cùng anh em Viettel. Và, kỳ tích đã đến…”, anh Tuấn kể.

Trong giai đoạn bất ổn ấy, Lumitel là mạng duy nhất vẫn giữ được liên lạc thông suốt. Chỉ trong 1 tháng, Lumitel hoàn thành mốc 600.000 khách hàng, vốn là kế hoạch đề ra cho 6 tháng. Và cũng chỉ trong tháng đầu tiên, doanh thu của công ty đã vượt chi phí. Lumitel trở thành doanh nghiệp viễn thông duy nhất trên thế giới hoạt động ở thị trường đã có tới 5 mạng di động mà có lãi trong thời gian chỉ hơn 4 tuần. Gần 4 tháng tiếp theo, Lumitel thu hút thêm 10% số dân của quốc gia này tham gia, lập kỷ lục về tốc độ tăng trưởng khách hàng mà chưa thị trường nào từng làm được.

Cầu nối văn hóa



Vào dịp Tết Nguyên đán, cán bộ, nhân viên Viettel ở Cộng hòa Burundi thường gói bánh
 chưng, bánh dày cùng với đồng nghiệp nước bạn


Không chỉ mang đến cho một số nước ở châu Phi những dịch vụ viễn thông tốt nhất, cán bộ, nhân viên Viettel người Hải Dương còn trở thành cầu nối về văn hóa đến với người dân nước bạn.

Nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt được truyền tải đến người dân nước bạn trước tiên đó là tinh thần làm việc nghiêm túc, thái độ phục vụ nhiệt tình, niềm nở ngay cả trong những điều kiện khó khăn, thiếu thốn nhất. Điều này khiến người dân nước bạn càng hiểu và khâm phục nghị lực phi thường của người Việt Nam. Anh Uwimana Bienvenu (34 tuổi), nhân viên Viettel Burundi chia sẻ: “Tôi vô cùng ngưỡng mộ và thán phục ý chí của các bạn Việt Nam. Các bạn rất nghiêm khắc trong công việc nhưng chúng tôi hiểu việc đó giúp chúng tôi trưởng thành hơn. Trong thời khắc khó khăn nhất, các bạn đã không bỏ chúng tôi. Điều ấy khiến tôi và người dân đất nước này vô cùng xúc động. Từ đáy lòng, chúng tôi luôn cảm ơn các bạn rất nhiều”.

Trong lao động và sinh hoạt hằng ngày, những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của Việt Nam nói chung và của người Hải Dương nói riêng đã được giới thiệu đến người dân ở các nước bạn theo những cách rất riêng. Anh Biên chia sẻ: "Chúng tôi thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ, thể thao với đồng nghiệp và người dân nước bạn. Qua đó, chúng tôi giới thiệu với họ những hình ảnh đẹp về thiên nhiên, đất nước và con người Việt Nam. Họ rất hào hứng với những trò chơi dân gian hay những phong tục, tập quán của đất nước mình. Ngược lại, chúng tôi cũng hiểu thêm nhiều nét văn hóa của nước bạn".

Vào mỗi dịp lễ, Tết truyền thống của người Việt Nam, cán bộ, nhân viên Viettel ở một số nước châu Phi lại tổ chức nhiều chương trình giao lưu, tặng quà. Tại đây, những người bạn nước ngoài được hướng dẫn cách gói bánh chưng, bánh dày và thưởng thức những món ăn truyền thống đậm hương vị Việt… Anh Tuấn cho biết thêm đối với những người đồng nghiệp ở đây, họ đã coi Việt Nam như quê hương thứ 2. Nhiều người còn mong muốn sẽ một lần về thăm quê hương Hải Dương.

ĐỨC TÂM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gập ghềnh phủ sóng điện thoại ở châu Phi