Gần 1 tháng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 3 tại Hải Dương, diễn biến phức tạp của đại dịch đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiệm vụ phát triển kinh tế.
Lưu thông trên quốc lộ 5 để ra vào Hải Phòng gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến vận chuyển hàng hoá của doanh nghiệp Hải Dương
Các nỗ lực tổng thể đều được rốt ráo thực hiện, song đường ra cảng Hải Phòng của các doanh nghiệp (DN) Hải Dương vẫn gặp nhiều trắc trở.
Ông Nguyễn Địch Dũng, Giám đốc Công ty CP Giao nhận và kho vận Hải Dương cho biết, trước thời điểm dịch bùng phát, trung bình mỗi ngày toàn tỉnh Hải Dương có khoảng 400-500 container được vận chuyển tới cảng Hải Phòng và ngược lại. “Đối với đơn vị, lượng container vận chuyển chiếm khoảng 10%. Chủ yếu là các sản phẩm may mặc, linh kiện ô tô, linh kiện điện tử… Từ khi xuất hiện dịch đến nay, lượng container vận chuyển ra vào cảng Hải Phòng giảm một nửa”, ông Dũng cho biết.
Theo quy luật cung cầu, các DN thường đẩy mạnh lượng hàng sản xuất thời điểm cuối năm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng thị trường dịp Tết. Do đó, lượng hàng xuất xưởng thời điểm đầu năm thường giảm nhẹ. “Tuy nhiên, số lượng container vận chuyển 2 chiều tới cảng Hải Phòng giảm mạnh như vừa nêu chủ yếu liên quan đến dịch bệnh, một phần do DN hạn chế sản xuất. Nhưng nguyên nhân chính là các xe không thể vận chuyển container ra cảng do vướng mắc ở các chốt kiểm soát dịch”, ông Dũng nói thêm.
Thời điểm Hải Phòng “chặn” quốc lộ 5 hay thậm chí cả trước đó, việc vận chuyển hàng trên quốc lộ này để ra cảng Hải Phòng hết sức khó khăn. Do đó, các xe của Công ty CP Giao nhận và kho vận Hải Dương phải đi trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. Cung đường xa hơn từ 25-30 km, cộng thêm nhiều khoản phí khác khiến chi phí vận chuyển mỗi container bị “đội lên” từ 1-1,2 triệu đồng.
Cũng hoạt động trong lĩnh vực logistisc tại Hải Dương, Công ty TNHH Vận tải Việt Nhật chi nhánh Hải Dương trong khu công nghiệp (KCN) Phúc Điền đang gặp rất nhiều khó khăn tương tự trong quá trình vận chuyển hàng hóa xuống cảng Hải Phòng. Trước đây, trung bình một ngày đơn vị này vận chuyển khoảng 20 container. Tuy nhiên, từ sau Tết đến nay, việc lưu thông gặp rất nhiều khó khăn do Hải Phòng đưa ra nhiều thủ tục kiểm soát chặt chẽ hàng hóa từ Hải Dương. Việc vận chuyển linh kiện hàng hóa cho các KCN của Hải Phòng theo đó cũng bị trì trệ.
Khó đưa hàng ra cảng Hải Phòng, nhiều doanh nghiệp Hải Dương điêu đứng (ảnh tư liệu)
Sáng 25.2, công ty này mới vận chuyển 3 container xuống cảng Hải Phòng. Để bảo đảm chuyến hàng được lưu thông đến cảng, công ty vẫn phải cho các lái xe vận chuyển qua lối cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, chấp nhận tăng chi phí mặc dù đã nhận được thông báo Hải Phòng cho lưu thông qua quốc lộ 5.
Thực tế, không kể đến khoảng 2 ngày “chặn” quốc lộ 5 vừa qua thì quá trình vận chuyển hàng hóa theo quốc lộ này những ngày qua vẫn hết sức khó khăn. Nhiều DN Hải Dương không dám “liều” đi quốc lộ 5 mà phải đưa hàng xuống cảng theo đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng.
Theo thông tin từ nhiều DN, lãnh đạo TP Hải Phòng đã thông báo tạo điều kiện cho vận chuyển hàng hóa từ Hải Dương vào thành phố này nhưng thực tế việc lưu thông vẫn rất khó khăn khiến hàng dài xe ách tắc. Có thời điểm, lái xe của Hải Dương không được vào Hải Phòng trong khi TP Hải Phòng không cho lái xe sang vận chuyển hàng hóa của Hải Dương. Thậm chí do điều kiện cách ly ngặt nghèo nên nhiều lái xe của thành phố cảng không dám qua Hải Dương vận chuyển hàng hóa. Tình cảnh này khiến nhiều DN lao đao, ngán ngẩm.
Khoảng 70% hàng nông sản của Công ty TNHH Hoa Mai ở xã Nam Trung (Nam Sách) được xuất khẩu đi Hàn Quốc. Hàng xuất khẩu được bảo quản đông lạnh ở nhiệt độ âm 45 đến âm 18 độ C. Bình thường, công ty phải thuê đơn vị vận tải của cảng Hải Phòng đưa xe chở container lạnh về bốc hàng để vận chuyển tới cảng. Tuy nhiên, sau Tết, đơn vị của Hải Phòng không cho xe về công ty chở hàng đi xuất khẩu.
Đặc thù là nông sản bảo quản đông lạnh nên việc không có container lạnh về bốc hàng đã đẩy công ty này vào tình cảnh khó khăn. Ngoài ra, chậm trễ xuất hàng khiến DN có nguy cơ bị đối tác Hàn Quốc cắt hợp đồng. Để khắc phục khó khăn, công ty buộc phải vận chuyển hàng xuất khẩu theo đường vòng, qua tỉnh Thái Bình vào Hải Phòng. “Tuy nhiên, việc đi lại như vậy rất nguy hiểm, tốn kém. Hàng đông lạnh phải sang tải nhiều lần và chia nhỏ thành nhiều chuyến khiến chất lượng hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng, chi phí đội lên rất nhiều. TP Hải Phòng liên tục thay đổi chính sách và biện pháp kiểm soát hàng hóa khiến chúng tôi rất bị động, không dám đưa hàng đi. Công ty bị ảnh hưởng rất nặng nề”, ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Hoa Mai chia sẻ.
Quá trình vận chuyển hàng hóa qua Hải Phòng ách tắc, thời gian thực hiện các thủ tục để vào cảng Hải Phòng kéo dài và phức tạp là những “gập ghềnh” cản trở đường ra cảng của hàng hóa Hải Dương. Không chỉ DN Hải Dương mệt mỏi mà các đối tác cũng điêu đứng.
KL