Bà Vinh từ trong bếp vội vàng chạy ra, tay vẫn cầm đôi đũa. Từ ngày ông Hưởng nhận chức trưởng thôn đến giờ, không ngày nào bà được yên.
Ông Hưởng vứt toạch cái mũ bảo hiểm xuống bàn uống nước, gọi vợ:
- Mẹ nó đâu, ra tôi bảo cái này!
Bà Vinh từ trong bếp vội vàng chạy ra, tay vẫn cầm đôi đũa. Từ ngày ông Hưởng nhận chức trưởng thôn đến giờ, không ngày nào bà được yên. Ông cứ rong ruổi cái xe máy cà tàng khắp đường ngang ngõ tắt trong thôn từ sáng đến trưa, rồi lại từ trưa đến tối. Có hôm quá bữa cũng chưa thèm về. Mà cứ về đến nhà là lại có chuyện. Bà cứ giật mình thon thót khi nghe ông gọi câu đó. Dù đang bận mấy mà nghe chồng gọi bà cũng phải chạy ra. Nhìn sắc mặt ông không quá căng thẳng, bà mới nhẹ lòng.
- Ông làm tôi sốt cả ruột. Lại có chuyện gì à?
Ông Hưởng gật gù, vừa vuốt điện thoại vừa nói:
- Bà xem mấy cái ảnh này đi. Chọn lấy một loại hoa đẹp để trồng ven đường làng.
Ông lướt một loạt ảnh: cúc bướm, mười giờ, lưu ly, dừa cạn, ngũ sắc, hoa hồng… Bà nhìn loang loáng hoa cả mắt. Rồi ông dừng lại, phóng to một cái ảnh lên:
- Đây, tôi thì tôi chấm cây này!
Bà chau mày:
- Hoa tím, trông cũng bình thường.
Rồi bà bảo:
- Sao không trồng hoa hồng cho đẹp?
- Bà chả nghĩ sâu xa gì. Đường làng chứ có phải vườn nhà đâu! Hoa hồng khó chăm sóc, mà lại dễ bị nhổ trộm. Ai ra đấy mà canh được! - ông Hưởng gạt phắt đi - Mấy thứ hoa ấy nở có mùa, mà mong ma mong manh. Chứ cây chiều tím này - ông chỉ vào cái ảnh - hoa nở quanh năm, lại không cần chăm chút gì!
Rồi ông thao thao kể hoa tím ấy tên là chiều tím, còn gọi là dạ yến thảo Mexico, nó nguồn gốc ở Mexico nhưng đem về Việt Nam trồng rất hợp. Ông nghiên cứu kỹ trên mạng rồi. Trồng đường làng rất đẹp. Ông đi nhiều xã trong huyện, sang cả mấy huyện bên tham khảo. Họ trồng nhiều thứ lắm, nhưng chỉ có loại này ông thấy dễ trồng nhất, nó sống khỏe mà ra hoa không mệt mỏi.
*
Từ nhà văn hóa thôn về, dọc đường đến nhà lão Uông để vận động lão hiến đất mở đường, ông Hưởng cứ lầm bầm trong miệng. Bực với mấy bà Hội Phụ nữ quá! Ý ông là cả thôn chỉ trồng một loại cây chiều tím thôi thì mới đặc sắc, mà mấy bà ấy cứ nhao lên không chịu. Chín người mười ý không biết đâu mà chiều. Nhưng mà không nghe các bà ấy thì cũng không xong, thể nào cũng ca cẩm trưởng thôn bảo thủ, độc đoán này nọ. Ai không biết lại nghĩ xấu về mình! Thôi đành chọn phương án dĩ hòa vi qúy: đường chính vào thôn trồng cây chiều tím, các đường còn lại mỗi đường một loại như ý các bà ấy. Chốt như thế mà ông vẫn thấy ấm ách. Làm việc ở thôn khó hơn hồi ông ở huyện đội nhiều! Anh em lính tráng quyết cái gì đều nhanh gọn, đồng thuận cao, không có kiểu nhao nhao bàn ra bàn vào thế này.
Ra khỏi nhà lão Uông, ông Hưởng phóng xe ngay đến nhà văn hóa thôn. Thấy tiếng xe ông Hưởng, ông Vĩnh chạy ra cửa đón:
- Thế nào? Lão Uông có đồng ý không?
- Lão vẫn ngang như cua càng ngáng lỗ - ông Hưởng ngán ngẩm lắc đầu.
- Tôi nói có sai đâu - ông Thuấn ngó ra tiếp lời - đáng lẽ xóm dưới đồng ý cả rồi đấy. Chỉ tại cái lão Uông kéo rào ngược. Thế này thì nông thôn mới còn lâu mới tới đích!
Chuyện là cả làng Quan Trình đã hoàn thành hệ thống đường liên thôn, liên xóm theo chuẩn nông thôn mới. Ngày trước đường trong thôn toàn là đường đất với sỏi trồi sụt, nắng khổ kiểu nắng, mưa khổ kiểu mưa. Giờ đây bê tông hóa khắp cả, đường làng ngõ xóm khang trang, bộ mặt xóm thôn thay đổi hẳn. Xe máy, xe đạp đi cứ êm ru ru. Ông Hưởng còn vận động dân làng hiến đất để mở rộng đường, hầu hết đường trong thôn ô tô con đều vào được. Muốn thuận tiện thì phải đầu tư, phải xã hội hóa, chứ Nhà nước cũng chỉ hỗ trợ phần nào. Nghe chủ trương hợp lý mọi nhà đều thực hiện tăm tắp. Còn mỗi xóm dưới lý sự cùn mãi không nghe. Con đường nối từ đường trục của thôn, xuyên qua xóm dưới chỉ có hơn trăm mét. Đường ấy vốn nhỏ, lại có mương dẫn nước sát bên. Ông Hưởng đã đề xuất hai phương án mở rộng đường: một là các nhà trong xóm sát đường cùng hiến đất, mỗi nhà tầm 2 mét. Nhưng mấy nhà đang quay mặt ra đường không đồng ý. Họ bảo như thế đường vào tận cửa không thích. Chuyển sang phương án hai, các gia đình góp tiền làm cống dẫn nước thì sẽ mở rộng đường về phía mương. Dân xóm dưới vẫn không chịu. Họ bảo vừa làm cống vừa đổ bê tông tốn tiền, thế thì dân xóm dưới thiệt quá so với các xóm khác. Thôn họp đi họp lại mấy lần, chính quyền xã cũng tham gia vận động mà tình hình vẫn đóng băng. To mồm phản đối nhất là lão Uông, lão cũng là cán bộ về hưu, thế mà không chịu hưởng ứng chủ trương của chính quyền, lại hô hào dân đánh bài ỳ. Mà con đường nhỏ đó lại là con đường duy nhất để rẽ ra nghĩa trang thôn. Thành thử xóm dưới ỳ ra làm cả thôn chịu khổ.
- Các ông hiến kế xem thế nào. Tôi là tôi chịu rồi! - ông Hưởng chán nản - Giải thích với lão Uông chả khác nào nước đổ lá khoai!
Mấy ông già ngồi trầm ngâm, chén trà trên tay đã nguội ngắt chả ai buồn uống.
*
Ông Hưởng về đến nhà lúc cả xóm đã lên đèn. Nhà ông thì tối om chả đèn đóm gì. Ông bật đèn, gọi vợ không thấy bà thưa. Vào bếp thì bếp núc lạnh tanh. Ngạc nhiên, ông sục vào buồng, thấy bà nằm đó, quay mặt vào tường.
- Mẹ nó làm sao thế? Ốm à? - ông lo lắng hỏi.
Bà Vinh ngồi phắt dậy:
- Không ốm đau gì. Chỉ gần chết dở đây. Tôi tưởng ông làm việc làng thì không cần ăn cũng no - bà Vinh mát mẻ. Rồi bà nói một thôi một hồi, tuôn ra tất cả những nỗi ấm ức trong lòng.
Ông Hưởng lặng im nghe vợ kể khổ. Ba mươi năm nay, đúng là ông ít quan tâm đến gia đình, vợ con. Con cái ốm đau, học hành thi cử rồi trưởng thành, toàn là công vợ. Đến việc xây cái nhà đang ở, ông cũng chỉ có mặt lúc cuốc móng với hai lần đổ trần, còn chỉ có vợ lo toan. Lúc công tác thì bận nhiệm vụ đã đành, giờ về hưu cũng chẳng đỡ đần gì được cho vợ. Việc xã hội ông có lo hết được không? Tiền chả thấy đâu toàn ù đầu điếc tai, chỗ này trách, chỗ kia trách.
Bà Vinh nói một thôi một hồi đã hả bèn búi tóc, lật đật vào bếp nấu cơm.
Ông Hưởng nhìn theo vợ, thở dài. Ông nằm vắt tay lên trán, nghĩ ngợi. Bà tưởng ông sướng đấy hẳn? Chưa xong việc nọ đã lại việc kia. Mấy ông hưu trí vừa vận động con trai ông Trưởng, chủ một doanh nghiệp tư nhân nhận lời tài trợ xóm dưới làm cống. Chuyện làm nốt con đường qua xóm dưới coi như đã gọn thì lại sinh ra việc sáp nhập làng. Làng Quan Trình của ông theo kế hoạch sẽ sáp nhập với làng Hào Phú bên cạnh. Chủ trương cả nước người ta thực hiện được, thế nhưng dân làng Quan Trình cứ nhao lên phản đối. Rằng làng mình đất rộng, đông dân, bề thế, lịch sử vẻ vang mấy trăm năm nay, cần gì sáp nhập với làng nào. Kệ cho bên Hào Phú muốn nhập vào đâu thì nhập. Nói ngang phè thế mà nghe được. Nghĩ đi thì phải nghĩ lại. Dân Hào Phú chắc gì đã muốn sáp nhập với Quan Trình? Chủ trương hợp lý thì phải thực hiện thôi. Rồi lại căng thẳng về chuyện đặt lại tên thôn thì gọi thế nào? Thông lệ là mỗi thôn giữ lại một chữ trong tên cũ, ghép lại thành tên mới. Nhưng dân làng chê cái tên Hào Phú, họ bảo tên gì mà phô trương, giàu mà không có học thì chỉ là trọc phú. Vứt. Cái tên Quan Trình có ý nghĩa sâu xa về lịch sử làng này nhiều đời làm quan, cái sự học hành với con đường công danh xưa nay vẫn vẻ vang trong hàng huyện. Bỏ chữ nào đi cũng thấy tiếc. Bắt buộc phải ghép thì là Quan Hào hay Hào Quan? Hay Quan Phú? Hay Phú Quan?
*
Tan cuộc họp ngoài ủy ban xã, ông Hưởng không về ngay mà phóng xe ra ngoài đê, lâu lâu phải ghé kiểm tra cái cống xem thế nào, kẻo lúc cần vận hành lại sặc cát thì hỏng việc. Ông cũng muốn thư giãn đầu óc nghĩ cách xử lý việc làng. Trong cuộc họp chiều nay với đại diện hai chi bộ thôn Quan Trình và Hào Phú, ông đã trình bày rất rõ quan điểm: việc sáp nhập thôn theo chủ trương trước sau gì cũng phải thực hiện, trì hoãn làm gì cho tốn thời gian. Quan trọng là thôn mới sau sáp nhập phải ổn định về an ninh trật tự, đoàn kết để phát triển kinh tế, xây dựng văn hóa, chứ cứ tranh cãi về chọn tên cho thôn thì chỉ gây mất đoàn kết mà thôi. Ông cũng đề cử người thôn Hào Phú làm trưởng thôn mới sáp nhập, chứ ông tự thấy mình làm việc rất tận tâm nhưng chưa hiệu quả, chẳng tham quyền cố vị làm gì. Dốc hết những lời gan ruột, ông thấy nhẹ cả lòng. Còn làm trưởng thôn ngày nào, ông sẽ cố tròn vai ngày đó, để làng trên xóm dưới không ai chê trách được mình. Giá mà xử lý xong việc mở rộng đường cho xóm dưới nữa thì nhiệm kỳ trưởng thôn của ông chẳng có gì phải nuối tiếc nữa.
Gió từ ngoài sông thổi vào lồng lộng, ông Hưởng thấy khoan khoái hẳn. Ông chụp cái mũ bảo hiểm lên đầu, nổ máy đi về làng. Đi được một đoạn chợt ông thấy có cái xe máy đổ chổng kềnh trên đê, người thì chẳng thấy đâu. Tai nạn rồi! Ông Hưởng vội nhìn quanh định hô hoán, nhưng trên triền đê chạng vạng chẳng có bóng người nào. Ông vội dựng xe để tìm người bị nạn. Men theo vệ cỏ dò xuống triền đê, ông Hưởng chợt thấy hai cái chân đi dép tông xanh thò ra khỏi một bụi dứa dại. Vừa hay trên đê có cái xe máy đi đến, ông Hưởng vội gọi to, một cậu thanh niên to khỏe, nhanh nhẹn chạy lại giúp sức. Hai người vất vả mới lôi được người trong bụi dứa ra. Trời! Lão Uông. Mùi rượu từ người lão tỏa ra nồng nặc. Lão còn thở, ông Hưởng mừng quá. Trong lúc chờ xe cấp cứu đến, lão Uông oằn oại nhổ ra mấy cái răng, mà vẫn chưa tỉnh rượu. Lão đi ăn cỗ ở xã bên, say quá về đến đầu đê thì tự ngã...
*
Lão Uông ngã xe tưởng qua loa mà bị vỡ xương hàm, phải đi bệnh viện ở Trung ương mổ ngay đêm đó. Hôm lão xuất viện, ông Hưởng bận họp trên xã. Chiều về đã thấy lão Uông lò dò sang. Lão tần ngần đặt gói chè tàu lên bàn:
- Em sang cảm ơn bác! Không có bác chắc em xanh cỏ rồi!
- Ông buồn cười thật! - ông Hưởng đỡ lời - Còn mệt thế đi sang đây làm gì. Tôi còn chưa kịp đến thăm ông đấy!
- Em khỏe rồi. Phải cái răng lợi ăn uống như răng đi mượn! - lão há mồm khoe mấy cái răng giả mới trồng.
- Ông bỏ rượu đi chứ, cái món ấy nghiện vào nguy hại đủ đường.
- Em chừa rồi - lão Uông đánh trống lảng - Em nằm viện nhàn quá, lại hay xem điện thoại, mới biết cái đường hoa tím làng mình được lên mạng. Đẹp quá thể!
Ông Hưởng gật gù. Lão Uông tiếp lời:
- Em nghe nói bác được cử làm trưởng thôn mới. Em mừng cho bác! Chả bác thì còn ai làm được cái chân ấy!
- Chú cứ nói thế, còn khối người có năng lực hơn tôi...
- Em nói thật đấy! Nhiều người trong làng cũng bảo thế. Nhân thể em báo cáo với bác về cái việc mở đường cho xóm dưới...
Hóa ra lão Uông muốn hiến đất để mở đường. Lão kể lúc taxi đưa lão ở viện về, đường hẹp không vào được, lão phải đội nắng đi bộ một đoạn dài mới vào đến nhà. Bực cả mình, lại phải nghe mụ vợ cằn nhằn mãi.
Tiễn lão Uông ra cổng, ông Hưởng thấy lòng khấp khởi. Những việc mình làm vì làng, cuối cùng bà con đều ghi nhận cả. Làm trưởng thôn vất vả nhưng cũng có cái vui riêng, mỗi tội có lỗi bị vợ la. Dù sao cũng phải thừa nhận bà vợ ông có công vận động đám phụ nữ trong thôn trồng cây chiều tím khắp đường làng. Giờ thì ông phải vào mạng, xem bức ảnh đường hoa làng Quan Hào đẹp thế nào để còn đem khoe với vợ.
Truyện ngắn của NGUYỄN THỊ THANH TÂM