Gặp đồng hương ở Gia Lai

14/01/2014 07:37

Những người con quê hương Hải Dương bằng chính bàn tay, khối óc của mình đang góp phần làm cho vùng đất Tây Nguyên thêm giàu đẹp.



Anh Vũ Đình Bầm hướng dẫn bà con địa phương chăm sóc cây cà phê


Một ngày cuối năm 2013, tôi có chuyến công tác vào Gia Lai đầy nắng và gió. Vừa xuống sân bay Pleiku, Thiếu tá Lương Hải Nhuận, Trưởng đại diện cơ quan Thường trú Trung tâm truyền hình Quân đội khu vực Tây Nguyên đã chờ sẵn. Sau hồi trò chuyện, tôi mới biết anh là dân Cẩm Giàng, Hải Dương quê ta chính hiệu, đi bộ đội năm 1986 là lính của Binh đoàn Tây Nguyên. Trước khi về Truyền hình quân đội anh phụ trách mảng báo hình của Binh đoàn, lăn lộn khắp đất vùng Tây Nguyên hùng vĩ. Thực ra tôi mới về Truyền hình quân đội lại ở xa nên anh em chỉ biết nhau qua những cú điện thoại công việc chóng vánh chứ quê hương bản quán thì chưa có thời gian hỏi han tâm sự. Tuy nhiên, những cơn bão cuối năm 2013 đổ bộ vào miền Trung, Tây Nguyên gây thiệt hại lớn đã cho tôi và đồng nghiệp ở truyền hình quân đội thêm hiểu và nể phục sức làm việc cũng như tâm huyết với nghề của Thiếu tá Lương Hải Nhuận. Là trưởng đại diện nhưng anh vác ca-mê-ra bất chấp nguy hiểm, xông pha vào các điểm “nóng” gió bão, lũ lụt, bám theo bộ đội đi cứu dân. Những phóng sự do anh thực hiện luôn nóng hổi phản ánh kịp thời công các khắc phục hậu quả lũ lụt của các lực lượng vũ trang.

Trong lộ trình hướng về biên giới Cam-pu-chia, chúng tôi dừng xe trước ngôi nhà khang trang với khoảng sân rộng và vườn cà phê xanh tốt bên con đường liên xã Đắc Roong, huyện Đắc Đoa. Chủ trang trại là anh Vũ Đình Bầm, người cùng quê Cẩm Giàng với anh Nhuận đang hướng dẫn mấy bà con địa phương cách tỉa cành, chăm sóc cây cà phê.

Bên ly cà phê đậm đà, anh Bầm kể với chúng tôi những ngày đầu khởi nghiệp nơi miền đất lạ. “Hồi đó là năm 1979, chúng tôi là những thanh niên lên đường vào đây theo tiếng gọi của Tổ quốc đi xây dựng vùng kinh tế mới. Chân ướt chân ráo giữa rừng núi đầy muỗi, vắt, vợ chồng chỉ có đôi bàn tay trắng làm vốn lận lưng”- anh Bầm nhớ lại. “Những ngày đầu cơ hàn lắm chú ơi, nhiều khi phải lặn lội vào rừng để mót từng khúc sắn bỏ lại nơi nương rẫy sau thu hoạch đem về ăn thay cơm.Thế nhưng vợ chồng tôi vẫn động viên nhau quyết tâm bám trụ, chúng tôi vẫn tin mình sẽ vượt lên được trên vùng đất ba-dan rộng lớn màu mỡ này”- chị Bùi Thị Thắm, vợ anh Bầm rưng rưng chia sẻ.

Từ niềm tin vững chắc ấy đã đưa vợ chồng anh Bầm từng bước vượt qua mọi khó khăn. Hai vợ chồng vừa xoay xở ổn định cuộc sống vừa học hỏi kỹ thuật trồng cà phê, cao su, hồ tiêu, sau đó khai khẩn đất hoang quy hoạch thành trang trại diện tích 5ha trồng cà phê.Vận dụng kinh nghiệm “lấy ngắn nuôi dài” của quê hương, anh trồng thêm lúa, trỉa bắp, đậu, chăn nuôi lợn, gà, nhờ thế mà thu nhập của gia đình bắt đầu ổn định. Vài năm sau cà phê cho thu hoạch gia đình anh trở nên  khấm khá…Điều đáng quý là làm kinh tế giỏi thu bạc tỉ mỗi năm nhưng anh Bầm không giữ bí quyết cho riêng mình mà nhiều bà con trên vùng đất cao nguyên đầy nắng gió này được  anh giúp đỡ cái ăn, cái mặc lúc đói, cho vay vốn, phân bón, cây trồng và hướng dẫn kỹ thuật đã vươn lên có cuộc sống ổn định. Anh Bầm được chính quyền địa phương ghi nhận, biểu dương về tinh thần vượt khó, làm kinh tế giỏi để bà con học tập. 

Trước xe vào đến thị trấn Chư Ty, anh cán bộ huyện biên giới Đức Cơ bảo, ở thôn Đức Hưng, xã Ia Nan này có ông Phạm Văn Hảo từ Hải Dương vào làm ăn cũng ngang ngửa với ông Bầm đấy, thu bạc tỉ từ cây điều, cây cao su và cà phê.

 Chúng tôi mở đầu câu chuyện với ông Hảo bằng câu hỏi, làm thế nào mà người mãi tận Thanh Miện quê ta vào đây lại thành công với cây điều và cao su. “Kỹ thuật trồng, chăm sóc cây điều, cây cao su không khó khăn lắm bởi thổ nhưỡng ở đây rất hợp với loại cây này, chỉ cần chịu khó học hỏi kinh nghiệm của những người làm trước; vướng mắc chỗ nào đã có chuyên gia kỹ thuật tư vấn” - ông Hảo cho biết. Nói thì đơn giản vậy, nhưng để có một cơ ngơi khang trang với trên chục héc-ta điều, cà phê, cao su cho thu hoạch mỗi năm cả tỉ đồng mà khởi đầu chỉ từ 2 triệu đồng tiền vốn khi hai vợ chồng đặt chân vào huyện biên giới Đức Cơ xa xôi này 15 năm trước thì cũng là điều không đơn giản.
“Thực ra tôi trồng điều và cao su mới được chừng ngót chục năm nay”- ông Hảo tiếp tục câu chuyện. “Trước đó, tôi từng làm đủ nghề kiếm sống, từ công nhân cạo mủ cao su, nấu rượu, nuôi heo, mở quán cho vợ bán tạp hóa... Ban đầu nuôi vài con rồi tăng lên bốn năm chục con heo. Bán được lứa heo nào, tôi đem tiền mua bò hết. Cứ thế, đến năm 2003, gia đình có món tài sản khá lớn với trên năm chục con bò mộng. Rồi tôi quyết định bán hết đàn bò mua 8 ha đất chuyển sang trồng điều và cà phê. Năm 2009, tôi tiếp tục vay ngân hàng 300 triệu đồng mua thêm 4 ha điều kinh doanh nữa”.

Sau gần sáu năm dồn hết tiền bạc và mồ hôi công sức xuống vườn điều, bắt đầu từ năm 2009, ông Hảo được hưởng thành quả lao động của mình khi thu vụ đầu tiên được hơn 100 triệu đồng.Năm sau, số tiền thu về đã gần gấp đôi và đến năm 2011, là 600 triệu đồng. Chỉ riêng mùa thu hoạch ấy đã giúp ông trả hết số nợ ngân hàng. Năm nay, ngoài 11 ha điều đang thu hoạch thì vườn cao su 2,5 ha của ông cũng chuẩn bị được cạo mủ. Chỉ tính sơ sơ cũng thấy rằng, số tiền ông thu về cũng lên đến bạc tỷ… 

LÊ THÀNH VINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gặp đồng hương ở Gia Lai