Có gần một triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã bán qua kênh ngân hàng năm ngoái với tổng phí khai thác mới lên gần 23.800 tỷ đồng.
Số liệu này được ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm (IAV) chia sẻ tại họp báo ngày 24.4. Con số này chiếm 46% doanh số khai thác mới của kênh bảo hiểm nhân thọ trong năm ngoái.
Theo Hiệp hội bảo hiểm, nếu tính luỹ kế đến hết năm 2022, có khoảng 2,9 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mua qua kênh ngân hàng (bancassurance) với doanh số khai thác là 45.000 tỷ đồng.
Còn tính toàn thị trường đến cuối tháng 3.2023, có khoảng 13,68 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, giảm gần 250.000 hợp đồng so với cuối 2022. Theo giải thích của ông Dũng, có nhiều nguyên nhân khiến số hợp đồng giảm vào cuối tháng 3, do một số lượng hợp đồng đáo hạn và thị trường bị ảnh hưởng bởi tâm lý tiêu cực giai đoạn vừa qua.
Trong 2-3 năm nay, nhiều người dân bức xúc với chất lượng tư vấn của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, đặc biệt đối với kênh phân phối qua ngân hàng. Hàng loạt người dân cho biết bị ngân hàng ép mua bảo hiểm kèm khoản vay. Nhiều khách hàng gần đây thậm chí phản ánh bị "lừa" từ gửi tiết kiệm sang mua bảo hiểm nhân thọ.
Kênh bancassurance hứng chịu nhiều phản hồi tiêu cực trong nhiều năm gần đây. Tuy nhiên cho tới nay, doanh nghiệp và ngân hàng đều không công khai tỷ lệ duy trì hợp đồng qua năm thứ hai và năm thứ ba. Về góc độ Hiệp hội bảo hiểm, ông Dũng nói ủng hộ việc công khai chỉ tiêu này để thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh. Trước mắt, doanh nghiệp và ngân hàng nên đưa chỉ tiêu này vào trong các hợp đồng hợp tác, qua đó cải thiện chất lượng tư vấn.
Ông Ngô Trung Dũng chia sẻ thêm: "Giai đoạn vừa qua có thể được xem là cuộc khủng hoảng lớn nhất với ngành bảo hiểm trong lịch sử phát triển". Thị trường cần có bước điều chỉnh để phát triển lành mạnh và bền vững hơn.
Hiệp hội bảo hiểm cũng cho biết đã làm việc với doanh nghiệp bảo hiểm và thống nhất nhiều giải pháp để lành mạnh thị trường. Theo đó, doanh nghiệp cam kết rà soát việc đào tạo, đảm bảo tuân thủ đúng chương trình đào tạo đại lý đã đăng lý với Bộ Tài chính. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ có hình thức đào tạo bổ sung để nâng cao chất lượng đội ngũ tư vấn.
Nếu tính chung toàn thị trường, theo Hiệp hội bảo hiểm, hiện có khoảng 730.000 đại lý chính thức, gồm cả tổ chức và cá nhân. Theo ông Dũng, hiện thị trường chuyển dịch theo xu hướng tuyển dụng đại lý có trình độ thay vì tuyển dụng bằng quan hệ như trước đây.
Theo VnExpress