Minh họa: VĂN HÀ
Đã mấy năm nay, cứ mỗi năm Hạ lại ngóng chờ một cuộc hẹn. Cuộc hẹn với một chàng sĩ quan hải quân khi nhà nhà đang rạo rực náo nức chuẩn bị đón Tết sum vầy trong không khí đoàn viên, khi hoa lá trong vườn hòa rộn sắc ca có nắng xuân chan hòa ấm áp. Ấy cũng là lúc Minh khoác ba lô trở về nhà trong đợt nghỉ phép dài cho cả năm. Thời gian xa cách đằng đẵng, những nhớ nhung như rộng dài hơn, đằm sâu hơn. Thế nhưng, Hạ luôn cảm thấy niềm hạnh phúc dâng tràn, lắng sâu và cháy bỏng. Tình yêu cứ thế ngọt ngào đi cùng tháng năm với những cuộc điện thoại, những dòng tin nhắn sẻ chia ân cần. Xa xôi là thế nhưng Hạ có thể cảm nhận rõ hơi thở mặn mòi từ biển cả, nghe thấy cả tiếng thầm thì của gió, tiếng lao xao của sóng vỗ giữa bao la trùng dương vọng về. Có thể mường tượng ra những cánh chim hải âu trắng muốt chao liệng rợp trời vào những ngày nắng đẹp. Đóng quân ở Cam Ranh, anh ra đảo đến nay cũng đã gần tròn năm. Dù là những buổi tuần tra canh gác hay những khi anh cùng đồng đội trong phút lao động, nghỉ thể thao, những đêm liên hoan văn nghệ rộn tiếng hát, tiếng đàn thì những câu chuyện của các anh, của những người chiến sĩ nơi đảo xa luôn phơi phới lạc quan, thiết tha niềm tự hào.
Tết này sẽ là một cái Tết thật vui, thật đặc biệt, Hạ và anh sẽ về chung một mái nhà. Ừ, mà còn chờ đợi điều gì nữa đâu. Đôi bên gia đình đều rất nóng lòng ngóng đợi. Mấy tối nay, bên nhà Hạ, các cô các bác đã kéo đến chật kín nhà, họp bàn rôm rả lắm làm cho lòng Hạ cứ xôn xao, hồi hộp thế nào ấy. Thế mà vài hôm trước, mẹ Hạ vẫn còn cảm thấy đắn đo, phân vân lắm nên cứ hỏi đi hỏi lại Hạ đến mấy bận chỉ có mỗi một câu: “Thế con đã suy nghĩ kỹ chưa? Sướng khổ thế nào cũng đừng có than trách ai đấy nhé!” dù Hạ đã bấy nhiêu lần vẫn chỉ chắc chắn mỗi một câu trả lời duy nhất: “Ai cũng lo xa, lo khổ thì bộ đội các anh ấy ế hết hả mẹ? Mẹ yên tâm thôi, tình yêu rồi sẽ giúp con vượt qua tất cả mẹ ạ”. Minh cao ráo, nói chuyện rất có duyên với mái tóc dày, đôi mắt sâu cùng ánh nhìn thăm thẳm. Anh vui tính, sống tình cảm chan hòa, luôn được đồng đội và bạn bè quý mến. Mẹ Hạ ban đầu phản đối dữ dội. Mẹ bảo làm vợ bộ đội thì chỉ có vò võ nuôi con một mình, rồi ra sẽ khổ cả đời ấy chứ. “Thế sao hồi xưa mẹ khen anh ấy thế cơ mà. Nào là trông rất khôi ngô, rất hiền, lại còn tốt tính nữa à mẹ”. Hạ nhìn mẹ trêu. Mẹ Hạ lườm: “Rõ cái nhà chị. Ừ thì nó đẹp, nó tốt thật đấy. Nhưng riêng cái khoản xa xôi, biền biệt quanh năm thế là một điểm lớn không hề tốt cho chị đâu nhé." Hạ biết mẹ thương con gái nên mới lo lắng vậy. Có buổi ngồi tâm sự với bác Châm hàng xóm, Hạ nghe mẹ thở dài:
- Chả biết cái duyên cái số nó thế nào mà có không ít người theo đuổi, cán bộ huyện có, giáo viên trong trường có, có cả anh cán bộ làm Cục Thuế mà nó có thèm để ý đến ai đâu. Lại cứ nhất quyết làm vợ bộ đội mới được - Quay sang Hạ bà gắt lên:
- Cái mô hình chồng bộ đội, vợ giáo viên giờ xưa lắm rồi. Phải thực tế đi thôi con ạ.
Nghe mẹ nói, Hạ đang mặt buồn thiu cũng phải phì cười:
- Ôi, mẹ con dạo này cũng thực tế thế cơ ạ. Mẹ thương con gái thế thì mẹ đồng ý cho chàng hải quân làm rể đi thôi chứ vợ bộ đội, vợ chiến sĩ đảo xa là được hưởng nhiều chế độ ưu tiên lắm đấy mẹ.
Không chỉ những cuộc nói chuyện tâm tình của bạn bè, Hạ còn nhờ đến cả bác Đàm, bác rể của Hạ. Bác là đại tá về hưu, suốt cả những năm tháng dài trong quân ngũ bác đóng quân xa nhà để bác gái phải một mình sắm cả ba vai, vừa là một người con hiếu thảo, vừa là người mẹ, người cha chu toàn. Chả rõ bác đã nói với mẹ những gì mà Hạ thấy từ hôm đó mẹ không còn than phiền về cái sự xa nhà, có chồng bộ đội là thiệt thòi, là khổ ải nữa. Mẹ nghe ậm ừ rồi cũng bảo Hạ: “Thế dạo này thằng Minh có hay gọi điện về không con? Cuối tuần rảnh nhớ đảo qua bên đó chốc lát xem ông bà bên ấy thế nào con nhé!” làm Hạ mừng cứ cuống quýt cả lên. Bên nhà Hạ cũng xuôi êm thì đến phiên nhà trai nghe vậy bỗng dưng đâm ra tự ái. Mẹ Minh dỗi dằn: “Ôi chao, đàn ông con trai lấy vợ thì khó gì. Hơn nữa, thằng Minh có khối cô mơ mà còn chưa được đấy”. Hai bên gia đình cứ ngúng nguẩy thế một thời gian dài khiến Minh và Hạ chóng cả mặt. Minh phải tốn bao nhiêu cuộc gọi điện về động viên thuyết phục khéo. Cho đến hôm Hạ đoạt được giải nhất Hội thi Giáo viên dạy giỏi, được Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh về phỏng vấn ghi hình thì chính bà lại gọi điện ngay cho Minh thẽ thọt:
- Con bé ấy tuy dáng ngoài hơi nhỏ nhắn tí thôi nhưng mẹ thấy nó cũng giỏi giang đó chứ con nhỉ. Mày xem…
Minh mừng phát reo lên:
- Mẹ ơi, con đã chọn cho mẹ được một nàng dâu vừa giỏi vừa ngoan, chỉ chờ mẹ gật đầu đồng ý thôi đấy ạ!
Mẹ im lặng cười trừ, thế là Minh biết cuối cùng mẹ đã thuận lòng.
*
Tết đã về chập chuội. Hạ đã sốt ruột rồi mà mẹ còn đứng ngồi không yên. Cứ đi ra đi vào lại giục Hạ: “Con gọi điện xem, sao đến hôm nay rồi mà còn chưa thấy nó về là sao nhỉ. Chả lẽ ngày dẫn lễ mà thiếu chú rể thì coi sao được chứ?”. Hạ dạy trên lớp mà lòng nóng như lửa đốt. Mấy ngày qua bỗng dưng Minh mất liên lạc. Không hiểu đã có chuyện gì xảy ra với anh. Cô bắt đầu rơm rớm nước mắt, giọt ngắn giọt dài, lo lắng và tủi hờn cứ gối chồng lên nhau. “Ngày dạm ngõ mà còn không thấy mặt mũi đâu thì còn mong gì ngày sinh nở, những lúc ốm đau nằm viện. Một mình biết xoay xở làm sao đây?”. Hai gia đình hỏi nhau ngơ ngác. Minh không về được thật. Bạn bè Hạ kháo nhau tin nóng về tình hình Biển Đông. Thì ra ở ngoài khơi, cả một đoàn tàu nước ngoài đang rập rình, lăm le tiến sâu vào lãnh hải nước ta trong lúc cán bộ chiến sĩ và ngư dân trên đảo đang rậm rạp chuẩn bị đón Tết cổ truyền. Mấy ngày nay, cảnh sát biển và lực lượng kiểm ngư đang tích cực đấu tranh ôn hòa bằng tuyên truyền pháp lý, tôn trọng hòa bình, hết sức kiềm chế, mềm mỏng. Không biết rồi sự thể sẽ tiếp diễn ra sao. Cả nhà hồi hộp theo dõi. Lo lắng pha lẫn tiếng muộn phiền. Đi ra ngoài ngõ lại thấy bà con xôn xao bàn luận chính sự. Cánh phụ nữ như mẹ Hạ thường ngày chỉ dán mắt vào cái ti vi để xem phim truyền hình dài tập chứ mấy khi ngồi xem thời sự như cánh đàn ông, thế mà đợt này có cơ hội gặp nhau ngoài đồng, ngoài chợ lại túm năm tụm ba cùng phân tích, bình luận và dự đoán.
Tối anh gọi điện về báo tin chiều nay tàu địch đã ngang nhiên đe dọa, thách thức liên tục dùng vòi rồng công phá vào hệ thống ăng ten và ca bin của tàu ta. Anh em chiến sĩ đang một lòng kiên trung bám tàu, bám đảo với thái độ vừa mềm dẻo lại vừa kiên quyết. Mới chỉ thông báo được đôi câu như thế thì bỗng dưng anh im bặt. “Có lẽ là do mất sóng thôi. Sẽ không có chuyện gì xảy ra đâu mà”, Hạ lầm bầm tự an ủi.
Ngày giờ đã ấn định, khách xa gần đã mời, không thể hoãn được. Đôi trẻ quen và yêu nhau đã 6 năm trời chứ còn ít ỏi gì nữa đâu. Họ hàng đôi bên lại họp bàn. Thôi thì không có chú rể vẫn phải tiến hành. Nghi lễ vẫn cứ phải đủ đầy tươm tất. Chỉ thiếu có mỗi chú rể thôi mà. Đám cưới vẫn phải rộn rã không thể thiếu những tiếng cười vui, cụng ly chúc mừng. Có lẽ rồi tình hình sẽ ổn. Ai cũng hy vọng và tin tưởng vậy. Ngày dạm ngõ, cô dâu mặc áo dài thướt tha. Hai họ đôi bên ban đầu còn bàn chuyện cưới xin, sau thì chuyển hẳn sang đề tài Biển Đông đang trùng trùng sóng dựng.
- Tình hình thế, nó xin ở lại. Cũng mong ông bà bên này chiếu cố, cho phép - Bố anh dè dặt.
Bố mẹ Hạ chưa kịp nói gì thì bác Đàm đã lên tiếng bảo:
- Sao ông bà lại nghĩ ngợi không đâu thế. Cả nước đang hướng về Biển Đông kia mà. Ông bà cứ yên tâm. Biển Đông có thái bình thì nhà nhà mới yên vui được. Ở nhà ta cứ tiến hành thế này để ngoài đảo xa thằng Minh nó mới ấm lòng, vững chắc tay súng. Nó không về được lúc này thì khi nào trời yên biển lặng rồi nó về cũng có sao. Nhà chúng tôi trước sau gì cũng vẫn chỉ có một chàng rể thôi mà.
Ngồi nghe các cụ nói, mặt Hạ buồn thiu: “Cả đời chỉ có một lần. Dạm ngõ không về được, thôi cũng không nghĩ nữa nhưng mà hôm cưới, đêm tân hôn một mình một bóng cô quạnh, chạnh lòng biết bao. Lại còn kế hoạch sẽ có một nhóc vào năm tới như anh và Hạ đã bàn thì sao nhỉ?”.
*
Ngày cưới, trong lúc cánh thanh niên đang tưng bừng dựng rạp, trang trí cổng ngõ thì bác Đàm từ trong nhà phấn khởi reo vọng ra làm mọi người đang bận bịu làm cỗ ngoài sân cũng ồ reo lên vui sướng. “Thế là cuối cùng địch cũng đã rút hết rồi bà con ạ. Biển Đông lặng sóng rồi. Cái Hạ bớt lo đi, cứ vui vẻ váy áo về nhà chồng thôi con. Cô dâu là cứ phải vui, phải thật xinh mới được con ạ”. Gương mặt Hạ ngay thoáng chốc bỗng tươi tỉnh hẳn ra. Mấy hôm trước cô lo lắng đến mất ăn mất ngủ, mắt quầng lên trông thấy. Bạn bè thấy thế cứ hỏi han động viên làm Hạ càng rối bời thêm. Nhưng tình hình này, Hạ phải đợi đến đợt giao quân về đất liền anh mới về được. Chưa bao giờ Hạ lại thấy nhớ anh như lúc này. Đang nghĩ quẩn quanh thế thì đám bạn hồi học cấp 3 cùng lúc lũ lượt kéo đến. Mọi người ríu rít nói cười như chẳng biết lòng Hạ đang nghĩ gì. Vừa ngồi yên chỗ, Hằng, cô bạn ở bên Tỉnh đoàn đã phấn khởi nắm tay Hạ vồ vập:
- Ngày kia mình sẽ cùng đoàn đại biểu của tỉnh nhà ra thăm và chúc Tết, tặng quà cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Hôm họp bàn về chuyến đi, mình có báo cáo lên lãnh đạo Tỉnh đoàn về trường hợp của cậu. Các anh ấy đã báo cáo với lãnh đạo tỉnh và các bác ấy đã nhất trí đặc cách cho cậu ra thăm anh ấy cùng đoàn chuyến này đấy.
Hạ mừng như không tin vào tai mình. Quả thật, đây là cơ hội hiếm hoi, từ ngày yêu nhau chưa một lần nào Hạ có dịp được vào đơn vị thăm anh. Mẹ Hạ bần thần nhìn con:
- Tin thì vui thật rồi con ạ. Nhưng mà chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa thôi, con đã trở thành con cái trong nhà người ta. Có gì con hãy xin ý kiến ông bà bên đó rồi hãy quyết định. Mà xa xôi thế, biết có đi nổi không? Sang bên đó rồi con nhớ...
Mẹ luôn thế, trong mắt mẹ, lúc nào Hạ cũng như còn bé lắm nên mỗi khi làm gì, đi đâu mẹ cũng lại căn dặn đủ điều. Hạ vào trước gương, soi chỉnh lại mái tóc, thoa thêm chút má phấn môi hồng, trong lòng thẹn thùng khi vừa vẳng nghe có tiếng đám bạn bấm nhau trêu đùa: “Ôi chao, cứ như là làm vợ lính thời chiến ấy nhỉ. Mà đợt này cái Hạ ra thăm chồng, thế nào rồi cũng sẽ mang về một thằng cu vạm vỡ, rắn rỏi như bố nó cho ông bà nội ngoại bế bồng cho mà xem”. Hạ nóng bừng hai má, bỗng dưng hồi hộp lạ.
*
Chẳng còn phải tưởng tượng ra khung cảnh nơi anh đang đóng quân nữa vì trước mắt Hạ đã là đảo. Giữa mênh mông biển trời, đảo hiện ra hiên ngang sừng sững. Nhìn lá cờ Tổ quốc đỏ thắm đang tung bay trước gió, mọi người không khỏi xúc động và tự hào. Hạ nhìn quanh, cả đoàn ai nấy như chưa từng qua, chưa từng phải vật lộn với những cơn say sóng bao giờ. Gương mặt ai nấy trông đều rất háo hức, phấn khởi. Những kiện quà nhanh chóng được vận chuyển lên đảo, toàn là những sản vật mang hương vị của đất liền. Nào là lá dong, gạo nếp, lạt buộc, nào là rau củ quả, gà vịt, miến măng, có mang theo cả những phong bánh đậu xanh, đặc sản của quê hương nữa. Chuyến đi mang theo bao hơi ấm, tấm lòng của đất liền, của những người hậu phương, mặn nồng tình nghĩa. Vừa đặt chân lên đảo, cán bộ, chiến sĩ đã ùa ra vây quanh đón đoàn trong nỗi mừng vui xúc động. Hạ cầm cành đào trên tay, dõi mắt kiếm tìm anh. Cành đào này Hạ cắt ở vườn nhà. Cây đào đã trở thành kỷ niệm của tình yêu. Mùa xuân năm đó, Hạ và anh tình cờ gặp nhau trong chợ hoa ngày Tết. Chính anh đã lựa giùm Hạ cây đào với những nụ mầm phơi phới sắc xuân tươi. Giờ đây nó lại theo Hạ ra thăm anh, thăm đảo. Anh kia rồi, từ xa Hạ đã thấy nụ cười rạng rỡ nở bừng trên khuôn mặt. Giống hệt như lần đầu tiên Hạ từng nhìn thấy anh. Chẳng hiểu do sắc hoa đào làm hồng môi má hay mùa xuân tình yêu đã tràn về trên đảo, đậu trên tay người. Chỉ biết rằng khi Minh và Hạ cùng tay trong tay tiến về hội trường thì lời ca quen thuộc của bài hát “Gần lắm Trường Sa” với giọng ca trong trẻo, ấm áp của người chiến sĩ hòa quyện theo tiếng sóng vỗ từ bờ xa vọng lại, cứ da diết âm vang ngân nga mãi trong lòng cô: “Anh vẫn đêm ngày giữ đảo khơi. Thương nhớ sao vơi người chiến sĩ, Trường Sa ơi…”. Giữa cơn gió lạnh thổi qua, Hạ chợt thấy bàn tay mình ấm áp.
Truyện ngắn của VŨ THỊ THANH HÒA