Sáng 26.3, gần 90.000 thí sinh từ nhiều địa phương đã bước vào kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đợt 1, năm 2023 để lấy kết quả xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.
Gần 40.000 thí sinh dự thi tại các điểm thi ở TP Hồ Chí Minh (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)
Đây là đợt thi có lượng thí sinh đông nhất trong các đợt thi từ trước đến nay, tăng khoảng 10.000 thí sinh so với đợt 1 năm trước.
Đợt 1 của kỳ thi được tổ chức ở 86 điểm thi (47 cụm thi) tại 21 tỉnh, thành phố gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Bến Tre, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang và Đồng Tháp. Năm nay kỳ thi mở rộng thêm 4 điểm thi ở khu vực Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long để tạo thuận lợi cho thí sinh dự thi.
Thông tin về kỳ thi, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết, đợt 1 này có sự tham dự của thí sinh ở 61 tỉnh, thành phố. Trong đó, khoảng 40.000 thí sinh dự thi tại các điểm thi ở TP Hồ Chí Minh.
Bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh. Đề thi cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản nhằm đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc lòng. Đề thi được xây dựng cùng cách tiếp cận như đề thi SAT (Scholastic Assessment Test) của Hoa kỳ và đề thi TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh.
Cụ thể, bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn với thời gian làm bài 150 phút. Cấu trúc bài thi gồm 3 phần: sử dụng ngôn ngữ (40 câu); toán học, tư duy logic và phân tích số liệu (30 câu); giải quyết vấn đề (50 câu).
Điểm của từng câu hỏi có trọng số khác nhau tùy thuộc vào độ khó và độ phân biệt của câu hỏi. Điểm số tối đa của bài thi là 1.200 điểm, trong đó điểm tối đa phần sử dụng ngôn ngữ là 400 điểm, phần toán học, tư duy logic và phân tích số liệu là 300 điểm, phần giải quyết vấn đề là 500 điểm.
Năm 2023, kỳ thi tiếp tục được tổ chức 2 đợt trước kỳ thi tốt nghiệp THPT và mở rộng thêm địa điểm thi để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh dự thi.
Thí sinh chuẩn bị vào phòng thi tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)
Trong đợt 1, kỳ thi diễn ra tại 21 tỉnh, thành phố, còn đợt 2 tại 4 tỉnh, thành. Sau khi thông báo kết quả thi đợt 1, ngày 5-28.4, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tiếp tục mở cổng đăng ký dự thi đợt 2. Mỗi thí sinh có thể dự thi cả 2 đợt và sử dụng kết quả của đợt thi có điểm cao hơn để đăng ký xét tuyển.
Đây là một trong những kỳ thi đánh giá năng lực có quy mô lớn hiện nay, thu hút nhiều thí sinh dự thi, nhiều trường sử dụng kết quả để tuyển sinh.
Năm 2022, gần 120.000 lượt thí sinh đã tham gia ở 2 đợt thi. 10 đơn vị thành viên Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh dành tối thiểu 40% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển này và 76 trường đại học, cao đẳng ngoài hệ thống đã sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh.
Năm nay, gần 90 trường đại học, cao đẳng đã thông báo dành một phần chỉ tiêu để xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực này; trong đó, riêng 10 trường thành viên của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh sẽ tăng chỉ tiêu cho phương thức xét kết quả kỳ thi, tối thiểu 45%.
Theo TTXVN