Bức "Xem bói" ra đời khoảng năm 1931-1932
Tác phấm "Xem bói" vẽ ba người đang ngồi quây lại bên chiếc bục gỗ, một chiếc dĩa trống và hương đang cháy nghi ngút. Người đàn ông cầm dĩa phỏng theo phong thái trông như đang hành nghề thầy bói. Phần chữ Hán góc trên cùng bên trái được dịch là: Phụ nữ lai bốc vấn; Cốc (khán?) tử bái càn khôn / 婦女來卜問 - 谷(看?)子拜乾坤, (Phụ nữ xem vận mệnh/ Thầy bói lạy càn khôn). Triện: Đạt Siêu, là "tự" của Thang Trần Phềnh.
Bức "Chơi bài" sáng tác khoảng năm 1931-1932
"Chơi bài" có phần chữ Nôm (góc trên cùng tay trái) đã được nhà nghiên cứu Châu Hải Đường cho biết từ hôm Lynda Trouvé vừa đăng bán, đọc là: "Ngày xuân thong thả đánh bài chơi / Ai được ai thua cũng chớ cười". Tổng thể bức tranh là nhóm 5 người trong trang phục truyền thống đang chơi bài.
Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi, ban đầu nhà đấu giá đề tên tác giả là Trần Bình Lộc dựa theo chữ ký Trần Bình ở góc trái. Trước phiên đấu giá diễn ra, Sébastien của nhà Lynda Trouvé đã cám ơn ông Ngô Kim Khôi về tài liệu liên quan đến hai tác phẩm kể trên được ông giới thiệu trong cuốn "Thang Trần Phềnh" (Nhà xuất bản Mỹ Thuật, 2018, trang 28, phần I) để kịp thời chỉnh sửa thông tin về tác giả. Trong phần giới thiệu tranh trên website, nhà đấu giá cũng đã đính chính về lỗi sai này.
Nhà đấu giá Lynda Trouvé giới thiệu về tác giả Thang Trần Phềnh
Họa sĩ Thang Trần Phềnh lúc trẻ (1895-1973) Thang Trần Phềnh (tức Trần Văn Bình, tự Đạt Siêu) có bố đẻ là ông Thang Thọ Ký người lai Trung Quốc, mẹ là Lê Thị Ngát người Việt Nam. Ông nổi danh từ khi chưa vào học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và được xem là một trong những viên gạch đầu tiên tạo nền móng mỹ thuật Việt Nam cận đại. Đồng thời, họa sĩ cũng đóng vai trò là “người khai mở” và có đóng góp lớn cho mỹ thuật sân khấu Việt Nam. Theo một số tài liệu đã được công bố, khá nhiều tác phẩm của Thang Trần Phềnh sau đó đã được gửi sang triển lãm và bán ở châu Âu. Hiện nay, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang trưng bày 2 tác phẩm nổi tiếng của ông là “Phạm Ngũ Lão” (sơn dầu, 1923) và “Chân dung phụ nữ Lào” (sơn dầu, 1927). Ngoài ra, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng là nơi lưu giữ khoảng 60 bức vẽ tĩnh vật, ký họa bằng mực nho, mực nước (phần lớn khổ 13x18 cm), chủ yếu được sáng tác trong giai đoạn từ năm 1947 đến 1955. |
Theo Người lao động