Trong số các game show, chương trình truyền hình về cộng đồng LGBT được phát trên sóng truyền hình hay các nền tảng trực tuyến, không ít chương trình khai thác sâu câu chuyện đời tư của người tham gia.
Ảnh minh họa
Sự xuất hiện chuỗi chương trình về cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) đáp ứng được nhu cầu của một lượng đông đảo khán giả. Nhưng việc người tham gia các game show, chương trình chia sẻ thoải mái câu chuyện đời tư cũng đã ít nhiều làm dấy lên những lo ngại.
Cần để người xem đồng cảm, người chơi được chia sẻ
Chia sẻ góc nhìn về vấn đề này, ca sĩ Lâm Khánh Chi cho biết: "Thời đại ngày nay, chuyện các bạn trẻ ở tuổi dậy thì vô tình xem được những câu chuyện, những cảnh nhạy cảm trong các game show về cộng đồng LGBT là việc bình thường bởi được cha mẹ cho tiếp xúc với các thiết bị điện tử từ rất sớm. Vì thế, nhà sản xuất cần lựa chọn khách mời có thể đưa ra kiến thức, thông tin đúng để giúp người xem - nhất là các bạn trẻ - hiểu đúng về cộng đồng LGBT".
Nhà thiết kế nội thất Quách Thái Công - khách mời chương trình Người ấy là ai - cho rằng việc giáo dục giới tính là trách nhiệm của nhà trường, của gia đình. Trên thực tế, có những người tham gia chương trình chỉ với mục đích tìm cơ hội nổi tiếng, tạo hình ảnh không tốt về những người đồng tính, song tính và chuyển giới.
"Đó là những khách mời, người chơi là những bạn trẻ có ngoại hình, tài năng nhưng phần số nghệ thuật chưa nhìn ngó nên việc mong muốn "come out" (công khai xu hướng tính dục và/hoặc bản dạng giới - PV) trong một chương trình nào đó là không ít.
Bởi lẽ, đây là dịp để chính họ kể câu chuyện cuộc đời mình, hoặc khóc hết bi kịch cá nhân, đó là cách nhanh nhất nhận được sự quan tâm của khán giả. Tôi băn khoăn tại sao các bạn không thú nhận trực tiếp với cha mẹ mà phải xuất hiện trước công chúng để công bố.
Trong khi đó, việc thông tin qua màn ảnh truyền hình, mạng xã hội thì có khi tăng thêm áp lực cho gia đình, người thân" - MC Trác Thúy Miêu trăn trở.
Ở góc độ nhà sản xuất, Nguyễn Trung Thực - đại diện truyền thông MCV Group - cho biết các chương trình về cộng đồng LGBT luôn xác định rõ những người thuộc cộng đồng này không phải là "đua đòi" hay "giả vờ" để chứng minh sự sành điệu, mà là những câu chuyện thực tế để từ đó cổ vũ nhau sống tốt, sống hạnh phúc và sống có ích.
"Chúng tôi tin rằng những người trong cộng đồng LGBT khi được khán giả chia sẻ, đồng cảm sẽ có tinh thần cầu tiến, nỗ lực hơn trong cuộc sống, hơn hết là tự tin vào giới tính của mình, góp phần xóa bỏ kỳ thị từ xã hội".
Game show không chỉ là trò chơi
Nhiều người cho rằng game show là trò chơi nên chuẩn bị "bài" để diễn mà đó không phải là câu chuyện thật, chỉ để thỏa nhu cầu được kể, lấy nước mắt người xem. Vì vậy, theo MC Trác Thúy Miêu, những người ngồi ở tư cách đồng hành hay tư vấn cần tỉnh táo, làm chủ chương trình để giúp người chơi không đi quá đà.
Nhà thiết kế Quách Thái Công nêu ý kiến: "Bản thân tôi tham gia chương trình vì muốn đóng góp, giúp cho cộng đồng hiểu hơn, không kỳ thị người đồng tính, cũng như giúp cho những người làm cha mẹ hiểu con. Bởi người ta hạnh phúc chỉ khi mình là chính mình.
Sau khi tham gia chương trình Người ấy là ai, nhiều người gặp cảm ơn tôi, nhờ xem tôi mà ba mẹ bạn ấy chấp nhận bạn ấy. Nhiều người đã đủ dũng cảm "come out" cho cuộc sống khỏe hơn".
Nhưng một thực tế là, như ý kiến khán giả Trần Mạnh Hùng (TP Thủ Đức, TP.HCM), thời gian đầu một số chương trình đã mang đến những câu chuyện rất hay, cảm động, tạo cái nhìn thiện cảm với cộng đồng LGBT với những nhân vật văn minh, thân thiện và luôn biết vươn lên trong mọi hoàn cảnh.
Theo thời gian, việc khai thác nhân vật, đề tài dần đi vào lối mòn, các nhà sản xuất dần đi chệch ra khỏi mục đích ban đầu, sa đà vào việc khai thác các yếu tố câu view...
"Tôi nghĩ các nhà sản xuất cần nhìn nhận lại mục đích hướng đến của các chương trình, nâng cao chất lượng thay vì chỉ tập trung vào yếu tố câu view. Bởi lẽ không sớm thì muộn, nếu tiếp tục khai thác các yếu tố câu view, vô bổ, thậm chí mang đến cái nhìn xấu xí về cộng đồng LGBT, các chương trình sẽ vấp phải sự phản đối của chính những người trong cộng đồng, tiếp theo là những ai thực sự quan tâm đến hình ảnh cộng đồng..." - anh Mạnh Hùng nhận định.
Khai thác không khéo sẽ gây tác dụng ngược Có nhiều chương trình dành cho cộng đồng LGBT đã giúp công chúng có cái nhìn đa chiều, trong đó có cả sự thấu hiểu thông qua câu chuyện đời, chuyện nghề cảm động của họ. Dĩ nhiên đấy là với những chương trình, nội dung được biên tập kỹ lưỡng, chắt lọc chi tiết kỹ càng. Vẫn còn đó các chương trình muốn có view cao nên khai thác nội dung nhạy cảm, nhất là chuyện "giường chiếu" bị khai thác quá đà. Một khi vẫn còn những kỳ thị về cộng đồng LGBT, việc phơi bày những vấn đề nhạy cảm chắc chắn sẽ gây tác dụng trái chiều. Khán giả Bùi Ngọc Hùng (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) |
Theo Tuổi trẻ