Gà thải loại “ngậm” kháng sinh và H5N1

03/02/2013 15:20

95% số mẫu gà thải loại nhập lậu bị thu giữ đều phát hiện tồn dư kháng sinh, gây nguy hại cho sức khỏe con người.

Gà thải loại “ngậm” kháng sinh và H5N1: Ăn phải dễ biến đổi gen 1

Theo các chuyên gia, kháng sinh trong các sản phẩm gà thải loại rất nguy hại tới sức khỏe. Nếu tích tụ nhiều và lâu dài trong cơ thể có thể làm cho con người biến đổi gen. Ảnh minh họa


Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến về công tác ngăn chặn gà nhập lậu được tổ chức gần đây. 


Theo Bộ Công an hiện tình trạng kinh doanh, vận chuyển gia cầm nhập lậu nhỏ lẻ vẫn phức tạp, hất là thời gian gần Tết. Gà thải loại, gà giống nhập lậu được các lái buôn vận chuyển qua biên giới Lạng Sơn, sau đó tập kết tại các khu dân cư ven quốc lộ rồi chia nhỏ sang nhiều xe với khoảng 500 – 800kg gà mỗi xe, 3.000 – 5.000 con gà giống, tỏa đi nhiều nơi tại thị trấn Kép (Lạng Giang, Bắc Giang), từ đó chuyển  về Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hà Nam... tiêu thụ. Giá gà lậu ở biên giới Quảng Ninh chỉ bằng 1/8 giá gà nội. Tại Lào Cai, gà lậu giá 30.000 đồng/kg.

TS Trần Quang Trung - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) - cũng cho biết: Tại Hà Nội, lượng gà nhập lậu đã giảm đến 90% sau hơn một tháng triển khai Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép. Tuy nhiên, ngăn chặn dứt điểm tình trạng này là rất khó. Bằng chứng là liên tục những ngày vừa qua, nhiều tỉnh phía Bắc phát hiện nhiều vụ vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.

Qua nghiên cứu và tiến hành kiểm tra trên thị trường, cơ quan chức năng đã phát hiện 100 % gà thải loại có chất cấm. Trong đó, hàm lượng hai loại kháng sinh chloramphenicol và cycline phổ biến, cao hơn đáng kể so với các loại kháng sinh khác.

Theo các chuyên gia, việc sử dụng gà có dư lượng thuốc kháng sinh cao trong thời gian dài có thể làm đột biến gen ở người. Nếu cơ thể hấp thụ nhiều kháng sinh có thể tác động lên gen, gây tổn thương gen, thành đột biến gen. Kháng sinh chloramphenico đã bị Bộ Nông nghiệp&Phát triển nông thôn cấm trong thức ăn chăn nuôi. 


Nó gây ức chế hệ thống tủy xương, gây suy giảm bạch cầu, tiểu cầu và hồng cầu, làm thiếu máu, kích thích hệ thống tiêu hóa, gây kháng thuốc kháng sinh ở các loại vi khuẩn. Việc sử dụng nhiều kháng sinh cycline sẽ ảnh hưởng tới hệ thống gan, dẫn đến suy gan.

Bộ NN&PTNT cũng đã liên tục lấy mẫu xét nghiệm virus cúm gia cầm H5N1 và tồn dư hóa chất độc hại tại Hà Nội, Quảng Ninh và Lạng Sơn. Kết quả có tới 20% số mẫu gà giống và 58% số mẫu gà thải loại (35/60 mẫu) dương tính với virus H5N1. Nguy hại hơn, có 19/20 mẫu gà thải loại có tồn dư kháng sinh sulphadiazine, chiếm tỉ lệ 95%.

Ông Trung cho biết, khi ăn phải thịt gà có tồn dư kháng sinh chắc chắn sẽ có những tác hại đến người tiêu dùng. Nếu ăn nhiều loại thịt này, cơ thể con người sẽ tạo ra thể vi sinh vật kháng thuốc, nhờn thuốc kháng sinh nên khi chúng gây bệnh cho người thì rất khó điều trị. 


Đồng thời, việc ăn phải thịt gà có kháng sinh cũng làm giảm sự đáp ứng miễn dịch của cơ thể người, khiến cho cơ thể dần trở nên yếu ớt, giảm sức đề kháng. Đặc biệt với trẻ em, việc ăn phải những thực phẩm tồn dư kháng sinh độc hại này sẽ càng ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Các chuyên gia khuyến cáo, gà thải loại do được nuôi để đẻ trứng trong khoảng một năm nên da rất dày, lông ở cổ và đầu sụp, hậu môn to do đẻ trứng nhiều. Gà đã mổ sẵn có các biểu hiện như buồng trứng teo nhỏ, có nhiều nốt xuất huyết ở bụng gà. Khi mua gà còn sống về nhà làm thịt, nếu thấy thân gà có nhiều khối u xanh tím, dạ con và hậu môn to, buồng trứng teo lại thì không nên ăn.

Hà My (GD)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gà thải loại “ngậm” kháng sinh và H5N1