Gà tây đón Tết ta

31/01/2017 14:13

Nông dân nuôi gà tây hồ hởi đón Tết Đinh Dậu khi tổng kết một năm thành công với việc xuất chuồng được hàng nghìn chú gà giống, gà thịt.

Gà tây đón Tết ta

Gà tây nếu trước kia được coi là “đỏm dáng’’, để ngắm và chỉ được Tây ưa chuộng, thì nay đã bắt đầu được “lên ngôi’’ trên mâm cỗ Việt.

Tư vấn đấu thầu kiêm chủ trại gà tây

Cả một năm tất bật, với bèo, cám, ngô, đậu… và những chú gà to lộc ngộc, giờ các chủ trại nuôi gà tây lại bận rộn với việc khóa sổ, tổng kết, tính toán lời lãi, thắng thua. Đặng Đình Triển, ngoài công việc là một chuyên viên tư vấn đấu thầu, còn là chủ một trang trại gà tây nổi tiếng ở Hưng Yên.

Để gà tây đến được với nhiều gia đình, cũng là một quãng thời gian vất vả, mưa nắng của anh Triển. Gần 10 năm trước, trên hơn 3 sào đất tại xã Đa Lộc, huyện Ân Thi, gia đình anh Triển bắt đầu nghiên cứu, gây dựng trang trại với vỏn vẹn 50 con giống. Vốn cần cù, chịu khó cộng với sự hỗ trợ kỹ thuật từ phía ông chú họ, trang trại của gia đình anh Triển đã phát triển tới hơn 3.000 nghìn con giống và hàng nghìn con gà thịt. Trong năm qua, tổng doanh thu trại gà đạt gần 2 tỷ đồng, sau khi trừ các chi phí, anh thu về hơn một nửa số tiền trên. Không chỉ anh Triển, một số chủ trại khác cũng có thu nhập cả tỷ đồng từ nuôi gà tây.

Gà tây “nhập cảnh” và có “vị thế” ở ta thế này, quả cũng không ít nhiêu khê. Một số chủ trại gà tây cho biết, trước đây, người ta chủ yếu nuôi gà tây để làm cảnh, và nếu nuôi thịt thì chủ yếu để... Tây ăn.

Đó là những năm trước, còn độ 4 năm gần đây, gà tây cũng bắt đầu được ưa chuộng, dần dần nhiều người bắt đầu thích ăn gà tây. Không chỉ trong các nhà hàng, quán ăn, gà tây bỗng chốc trở thành món lạ miệng tại nhiều vùng trong các đám cưới, đám lễ.

Anh Triển cho biết, thời gian đầu, các thành viên của gia đình anh cũng phải cất công đi nhiều tỉnh, thành phía Bắc để giới thiệu, chào hàng. Vất vả, mưa nắng rồi cũng được đền đáp, nhiều khách ở Bắc Ninh, Hà Tây… đã đặt mua thường xuyên và trở thành những điểm tiêu thụ vệ tinh của anh Triển. 

Kỳ vọng ngành “công nghiệp” gà tây

Đánh giá về ưu điểm của gà tây, nhiều chủ trại cho biết, giống gà này dễ nuôi, có thể sử dụng nhiều loại thức ăn sẵn có trên ruộng đồng, thể trọng lớn. Thịt gà khá ngon, tỷ lệ đạm cao và mỡ thấp.

Theo anh Triển, gà tây dễ nuôi vì nó hiền lành, chăm kiếm mồi và ít bị bệnh. Thức ăn của chúng cũng gần giống như gà ta, chủ yếu là các loại ngũ cốc, như đậu, đỗ… Đặc biệt, gà này có thể nuôi như lợn với cây bèo băm nhỏ, trộn thêm cám bã. Ngoài ra, món khoái khẩu của chúng còn là một số loại rau. Để tăng chất lượng thịt, nhiều chủ nuôi thường chăn thả trên bãi cỏ. Gà tây sinh sản khỏe, bắt đầu sau Tết, chúng có thể đẻ liền trong 6 - 7 tháng.

Được đánh giá là ăn tốt, lớn nhanh. Tuy nhiên, giai đoạn 3 tháng tuổi đổ lại, khi đầu chưa rụng hết lông, nuôi gà tây lại rất khó. Chỗ chăn thả gà phải chọn nơi cao ráo, thoáng mát. Đặc biệt, gà rất sợ tiết trời âm u, ướt át, lạnh lẽo vì kiểu thời tiết này rất dễ khiến gà sinh bệnh. Sau giai đoạn 3 tháng tuổi, nuôi chúng dễ hơn. Gà nuôi đến tháng thứ 6 hoặc 7 thì có thể xuất chuồng.

Tùy theo từng loại, gà tây có lông màu đen, trắng hoặc lông màu đồng mà trọng lượng của chúng có thể đạt tối đa từ 10 - 20 kg/con. Trong đó, con trống bao giờ cũng lớn hơn con mái. Giá thịt gà tây được bán khá cao, một con gà tây nặng gần 10 kg có thể bán cả triệu bạc. Trừ chi phí, mỗi con cũng lãi 4 - 5 trăm nghìn đồng. Anh Triển cho biết, trang trại của anh không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu của thực khách, nhà hàng, mà còn cung cấp con giống đủ cho nhiều cơ sở vệ tinh ở Bắc Ninh, Hà Tây, Thái Bình…

BÍCH KHÁNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gà tây đón Tết ta