Trước kia, người làng gọi gã là thằng Chuối ngão, bởi mắt gã to như mắt cá ngão và mồm thì hay ngớp ngớp hóng chuyện người khác. Từ bé đến lớn, gã chưa làm được việc gì ra hồn, chỉ thích vào vườn chơi với mấy con gà, con chó.
Minh họa: PHÙNG BẢN
Trước kia, người làng gọi gã là thằng Chuối ngão, bởi mắt gã to như mắt cá ngão và mồm thì hay ngớp ngớp hóng chuyện người khác. Từ bé đến lớn, gã chưa làm được việc gì ra hồn, chỉ thích vào vườn chơi với mấy con gà, con chó. Vừa chơi vừa trèo cây hái quả, bẻ cành khô về cho mẹ làm củi đun, thấy tổ ong thì đi chọc cho rụng, lấy nhộng nướng ăn. Chẳng biết có phải ăn những thứ cây vườn, vật lành ấy mà hắn khá phổng phao, da dẻ hồng hào. Lớn lên, gã chơi gà chọi. Gã ôm gà đi chọi khắp làng trên xóm dưới để tìm đám bạn mê gà chọi chơi cá độ, chơi cho vui thú, chơi để khẳng định tên tuổi. Gã đi quanh năm suốt tháng. Từ ấy người trong vùng gọi gã là Chuối gà thay cho cái tên Chuối ngão.
Gã Chuối gà với tôi khác xóm cùng làng, học cùng với nhau từ thời lớp một tới lớp tám. Có lúc cùng nhau đi nhảy cầu, tắm sông, hái sen, có lúc cũng ném nhau tơi bời, nhưng rồi lại chơi với nhau. Hồi còn trẻ con gã bảo: “Chơi ngoài đồng thế này cứ chơi cả đời được nhỉ?”. Tôi gật đầu: “Chơi mãi chẳng hết trò”. Trẻ con vốn nhanh quên. Cứ tưởng chúng tôi sẽ chơi mãi bên nhau cho tới lúc lớn nhưng tới lớp 7 bố mẹ tôi chuyển công tác, tôi đi theo bố mẹ, rời xa mái trường làng và thằng bạn Chuối ngão. Rồi cứ thế, cuộc sống như dòng sông cuộn chảy, cuốn chúng tôi mỗi đứa một dòng, ngược nhau.
Gã ở lại trường làng, đồng làng, đi học tới lớp 9 thì nghỉ. Gã thích chơi hơn học. Cái chữ không nhét được vào đầu bởi trong ấy đã nhét đầy lông gà, cựa gà… Hôm ấy, thật tình cờ, tôi gặp lại gã ở quán rượu, cả hai nhận ra nhau sau gần chục năm xa cách, vui mừng, hồ hởi, tâm sự, đủ cả. Tôi hỏi gã hồi ấy học gì, gã bảo: “Học cũng chẳng làm gì. Mày đi hai năm thì tao nghỉ”. “Sao nghỉ sớm thế?”. “Làng mấy thằng đều nghỉ. Hồi ấy, có mấy đứa học cấp ba đâu. Nghỉ đi chơi, rồi lớn lên đi làm, sướng hơn học nhiều. Học nhiều đau đầu phát điên. Cứ phải ôm gà đi chọi mới đỡ được cái đau đầu”.
Tôi nhìn cổ gã, dây chuyền vàng to tướng như cái xích, ngón tay đeo mấy cái nhẫn vàng. Còn hẳn chiếc xe con đậu ngoài cửa quán hắn đưa mấy con gà mà gã gọi là quý kê đi thi chọi. Tôi chưa biết gã làm những gì mà có thể giàu thế, nhưng với một người chưa học xong lớp 9 nhưng nhanh nhạy mà tinh ranh như gã, thì việc vàng đầy người, ô tô cưỡi vẫn có thể. Gã như đọc được ý nghĩ của tôi, gã hỏi tôi trước: “Ông vẫn sáng cắp ô đi, tối cắp về à?”. Tôi cười: “Công việc của tôi thế”. Gã cười khạch khạch: “Việc thế thì chỉ thế là đúng rồi. Các ông sướng mà nhàn thân, không như bọn tôi, cổ cày vai bừa”. “Ông bừa đường nhựa nhỉ?”. Nghe tôi hỏi, gã lại cười: “Bừa cày các kiểu để kiếm ăn, nuôi gia đình”. Gã nhìn lại tôi vẻ săm soi: “Quần âu đen, áo sơ mi trắng đã bạc màu, xe máy cà tàng, một vợ hai con. Vợ cũng đúng giờ đi làm, đúng giờ tan về đón con, nấu cơm. Chiều lại điệp khúc như thế đúng không? Còn ông đi ăn cỗ, ăn tiệc rượu, bia chỉ nhấp môi và xin phép với lý do đau dạ dày”. Tôi trợn mắt ngạc nhiên: “Sao ông biết tôi đau dạ dày”. Ánh mắt gã tỏ vẻ thương hại tôi: “Nhìn da mặt tái xanh của ông thì biết. Không dạ dày cũng đường ruột, thoát sao được”. Tôi đành gật đầu: “Tôi bị đường ruột từ trẻ, tại mê món cháo lòng quá, ăn nhiều sau bị hỏng đường ruột, liên quan đến dạ dày”. “Thảo nào mặt ông lúc nào cũng có vẻ tư lự, không có sự thoát khí”. “Ông nói cứ như thầy bói nhỉ? Mà thôi, ông nói về ông đi, xem có bài gì hay bày tôi làm ăn với được không?”. “Hay thì có, nhưng tạng ông, có làm được không mới là vấn đề”.
Gã bắt đầu kể. Gã có tiếng trong làng gà chọi bởi nhiều lần thi thố gà đều thắng. Gà chọi trong chuồng nhà gã giờ có tới mười con luôn đi đấu được. Gã xây nhà, mua xe, cũng nhờ gà chọi. Anh em bạn bè chơi gà gã đều quen, ai cũng nể gã.
Lần ấy, sau một trận chọi, gã gặp một ông lão cũng máu mê chọi gà, biết ông lão có con gà quý, gã theo về nhà xem. Nhìn thấy con gà lông tía, cổ cao đỏ rảu gã mê mẩn tâm thần. Gã tính nếu mua được con gà này thì bách chiến bách thắng. Cái gì cũng có thể làm được. Rồi gã đi lại, chơi cờ, uống nước chè với ông lão nhiều lần. Ông lão quý gã lắm, coi như bạn tâm giao. Một hôm đẹp trời, gã tỉ tê thế nào mà ông lão xưa vốn giữ khư khư con gà chọi quý bỗng đồng ý bán cho gã, lại còn bán luôn cả dăm con gà chọi non. Ông lão bảo quý gã, gã bảo quý ông lão tiền bối, đây là cơ duyên, vật tìm quý nhân chứ quý nhân nào tìm được vật. Gã trả tiền cho ông lão rồi rước con "thần kê" về, tắm lá thơm, xức dầu cho gà đẹp mã hơn. Sau đó nửa tháng ông lão mất, gã đến thắp hương, gã cầu xin linh hồn ông phù hộ cho gã dẫn gà đi chọi trận nào thắng trận đấy. Không biết có phải nhờ linh hồn ông cụ linh thiêng phù hộ không mà kể từ đó gã cho gà đi chọi đâu thắng đó. Gã đổi xe máy liên tục trong năm năm. Trong vườn nhà gã, gà chọi giờ lên tới năm chục con. Khắp nơi anh em đi xe máy, ô tô đến giao dịch, gã ở nhà vẫn kiếm được tiền.
Nhờ gà mà hắn quen được cô Mùa mặn mà trong dịp hội đền. Mùa đứng xem chọi gà với đám bạn, thấy con "thần kê" của gã đá đẹp quá cứ vỗ tay và nhún nhảy như lên đồng. Một cậu trai trêu: “Mùa thích xem chọi gà có thích làm quen với chủ nhân của con gà này không?”. Mùa tợn bạo: “Thích hay không gặp mới biết chứ”. Một điệu huýt sáo dài, gã nghệnh ngạng đi tới, tóc vuốt dầu thơm bóng mượt như bộ lông chú chọi chuẩn bị xung trận: “Anh hân hạnh được làm quen với em Mùa xinh đẹp”. Mùa cười bẽn lẽn: “Anh nói hoa văn thế làm gì”. "Anh thực lòng là từ lâu anh đã có một mong muốn được kết bạn với em Mùa. Không ngờ nay đã ước gì được nấy”. Trận đó, con "thần kê" thắng đậm. Gã được ba triệu giắt túi. Gặp Mùa, gã rút một số tiền ra: “Nhờ vía của em Mùa xinh đẹp, anh được số tiền này. Cho phép anh mời em bữa trưa nay nhé”. Mùa lắc đầu: “Không, bố mẹ em không cho em đi ăn với người lạ”. “Anh với em đã là bạn sao gọi là người lạ hả em?”. Mùa vẫn kiêu hãnh trong sự nhút nhát: “Trưa rồi, em về nấu cơm cho bố mẹ đây”. “Để anh đưa em về, cậu anh ở cạnh nhà em. Để dịp khác anh mời em ăn nhé!”. Cơn mưa rửa đền bất ngờ ập xuống, đưa bước chân Mùa lên chiếc xe máy mới coong của gã để rồi từ bữa đó trở đi, Mùa sẵn sàng đi chơi với gã tới bất cứ xới gà nào. Ba tháng sau, gã cưới Mùa. Bây giờ vợ chồng gã đã ba đứa con.
Một trưa, có toán khách tóc cạo trọc, kính đen che mắt tới mua gã con chọi, rồi đặt luôn gã làm món. Sau nửa tiếng, mâm đã bê ra chiếc lều tre giữa ao sen. Khách cạch chén chan chát, trên đĩa bát, mấy món gà chọi sạch bách chỉ còn mấy lát lá chanh. Sau chén rượu chào chủ nhà, tay khách bụng phệ lên tiếng: “Chú mày có tiềm lực mà chưa biết tận dụng”. “Em ở quê, chỉ thế này đã mừng lắm rồi”. “Bằng lòng là thụt lùi. Chú mày nghe anh, kết hợp làm ăn chúng ta sẽ thắng”. Khách bụng phệ thì thầm, gã gật gật như gà bổ cám công nghiệp.
Vợ đi làm về, gã hỏi: “Mẹ mày có ít tiền tiết kiệm nào không cho vay ít đầu tư làm ăn”. Mùa giẫy lên: “Có tấn thóc với mấy con gà, luống rau, anh làm như em hớp được của giời”. Gã cười khì khì: “Còn cái dây chuyền năm chỉ, lắc tay, nhẫn, em vẫn cất trong tủ đấy, anh mượn, làm ăn được anh trả lãi gấp đôi. Thề đấy!”. Gã không chỉ thề, gã phải viết giấy vay nợ Mùa mới đưa vàng. Gã dốc hết vốn liếng, vay anh trên, em dưới, nói để mở rộng trang trại gà chọi. Gã cũng làm thêm nhiều chuồng, lán trại. Sau đó nửa tháng gã rước con xe ô tô con về. Cả làng nháo nhác cả lên như đàn gà bị đuổi bắt ban ngày. Người ta bàn tán: “Đấy, tay Chuối gà cần gì học hành, cũng chẳng cần phải ông nọ bà kia mà cũng sắm ô tô bốn bánh đầu tiên ở làng”. “Đừng khinh thường, phân gà của gã còn bán ra đống tiền nhá”. Chẳng ai dám khinh gã cả.
Tôi vẫn tin phân gà cũng ra tiền. Người làng tôi mua phân gà trộn đất trồng rau, trồng cây, nhưng cũng không thể ra bộn tiền. Gã châm điếu thuốc, hút một hơi, nhả khói. Gã nhỏ giọng: “Đá, chọi chỉ là trò vui, quan trọng là dẫn dắt được những tay mê cá cược vào cuộc chơi. Cá lần một sẽ muốn cá lần hai, lần ba. Rồi cứ nghe hơi có xới gà ở đâu thì tự họ kéo nhau đến thôi”.
Tôi đã nghe đến cờ bạc, cá độ bóng đá, giờ lại nghe có cá độ chọi gà. Gã cười khậc cái: “Càng ít người nghe, biết càng dễ hoạt động. Có cậu làm công nhân cả năm không bằng một lần đặt tiền vào cá gà ông ạ. Đổi xe, đổi điện thoại ngay”. Thấy tôi ngẩn người nghe, gã vỗ vai: “Muốn có vận may đến phải biết mở cửa đón vận may vào. Ông muốn thế không?”. “Thế là thế nào?”. “Là thế này. Sắp tới, có trận đá bên Đoài, cậu đặt cho con thần kê đi, con này bách chiến bách thắng”.
“Thế là cá độ rồi. Tôi thế này, sao làm thế được”. Gã cười: “Tôi không nghĩ ông nhát thế. Thế thì giàu làm sao được. Nếu ông không muốn trò này thì có thể làm kiểu khác”. “Kiểu gì?”. “Tôi đang cần hai trăm triệu để làm ăn. Ông có đưa tôi vay, tôi trả lãi gấp ba ngân hàng”. Tôi trợn mắt: “Tôi lương ba cọc ba đồng, chưa hết tháng đã hết tiền, móc đâu ra lắm tiền thế. Có nằm mơ tôi cũng chưa dám mơ có nửa số tiền đó”. Gã xụ mặt ngay: “Thôi, coi như tôi chưa nói gì với ông. Uống đi, bạn bè lâu lắm mới gặp nhau”. Gã rót bia vào cốc của tôi và tu ừng ực.
Bẵng đi hơn một năm sau. Tôi có việc xuống cơ sở, xuống đúng ngôi làng ngày xưa từng sống với cha mẹ, ngôi làng của gã. Đi qua đồng làng thấy nhiều người đang phun thuốc sâu. Tôi đi nhanh vào làng. Quán nước ngã ba đầu làng vắng khách, tôi rẽ vào. Hỏi chuyện bà bán nước về Chuối gà, bà lão thở dài: “Thằng Chuối gà bị bắt đi tù rồi hỏi gì nó? Hay anh cho nó vay tiền hả, thế thì có bắc thang lên hỏi ông giời nhé. Mấy người làng cho nó vay giờ đến mục thất chẳng đòi được”. Tôi sửng sốt: “Sao Chuối gà lại bị bắt ạ?”. “Nghe kể, nó đang tổ chức cuộc đá gà cá cược lớn lắm. Công an ập đến, tóm gọn”. “Ôi, thật đáng tiếc”. “Đáng tiếc gì, nhiều lần thế rồi, họ có tóm hay không thôi. Giờ đang ăn cơm chực Nhà nước, đợi xử rồi”.
Tôi theo chỉ dẫn của bà hàng nước, rẽ vào ngõ nhà gã. Từ xa đã thấy dãy chuồng trại gà lấp ló dưới những vòm nhãn. Những bao phân gà chất đống ở đầu cổng. Tiếng chó sủa ăng ẳng từ xa. Cổng nhà gã khoá. Có khi vợ gã vẫn đang ngoài đồng chăm lúa...
Truyện ngắn của CẨM DƯƠNG