G7 đồng thuận nhưng chưa đồng lòng

28/08/2019 06:08

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), diễn ra từ ngày 24 - 26.8 tại TP Biarritz của Pháp không đưa ra được tuyên bố chung.

Các nhà lãnh đạo G7 còn tồn tại nhiều bất đồng trong một số vấn đề

Chỉ dừng ở mức “đồng thuận”

Trong vấn đề hạt nhân Iran, các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí về hai vấn đề quan trọng là Iran không được sở hữu vũ khí hạt nhân và tình hình hiện nay không bao giờ được phép đe dọa đến ổn định khu vực. Tại cuộc họp báo chung ngày 26/8 bên lề hội nghị, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Nhóm G7 đã đạt sự thống nhất về quan điểm trong vấn đề Iran với mục tiêu chung là đảm bảo quốc gia Hồi giáo này không sở hữu vũ khí hạt nhân. Ông nhấn mạnh có sự đồng thuận cao giữa các nhà lãnh đạo và ít nhiều, các nước Nhóm G7 đã đi tới kết luận trong vấn đề này, đó là "quy chế không vũ khí hạt nhân" đối với Tehran. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, mặc dù bà và Tổng thống Trump đã có một cuộc hội đàm có tính xây dựng về Iran, nhưng các cuộc thảo luận về cách thức đạt được mục tiêu trên tiến triển chậm.

Về vấn đề kinh tế và thương mại, hội nghị thượng đỉnh G7 nhất trí thực hiện “tất cả biện pháp có thể” nhằm ứng phó với những rủi ro suy giảm kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh tranh cãi thương mại Mỹ - Trung Quốc đang làm chao đảo các thị trường tài chính. 7 nước thành viên cam kết thúc đẩy thương mại quốc tế công bằng và mở cửa, và vì sự ổn định kinh tế toàn cầu. Các nước G7 muốn Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) có sự thay đổi đáng kể nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả trong việc bảo vệ sở hữu trí tuệ, giải quyết các tranh chấp nhanh chóng hơn và loại trừ các hoạt động thương mại không công bằng. 

Những người đứng đầu G7 cũng nhất trí chi 20 triệu euro (tương đương 22 triệu USD) cho rừng Amazon, trong đó chủ yếu là để điều các máy bay cứu hỏa tới khống chế đám cháy đang bao trùm khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới này. Các nước G7 cũng nhất trí ủng hộ kế hoạch tái trồng rừng trong trung hạn. Dự kiến, kế hoạch này sẽ được công bố tại hội nghị của Liên hợp quốc vào tháng 9/2019 tới. Được xem là "lá phổi" của hành tinh, Amazon cung cấp khoảng 20% lượng khí oxy trên Trái Đất. Các nhà khoa học cũng như các tổ chức bảo vệ môi trường lo ngại rằng, các vụ cháy rừng Amazon sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng về biến đổi khí hậu hiện nay và đe dọa đến đa dạng sinh học. 

Ngày 26/8, sau khi hội nghị thượng đỉnh G7 kết thúc, nước chủ nhà Pháp đã ban hành một tuyên bố ngắn gọn về nhiều vấn đề, song đây không phải là một thông cáo báo chí như thường thấy tại một hội nghị thượng đỉnh thường niên. Theo đánh giá của giới phân tích, điều này phản ánh sự chia rẽ giữa các nước thành viên.

Chặng đường dài để tới “đồng lòng” 

Hội nghị thượng đỉnh thường niên G7 vẫn được xem là cơ hội để các nhà lãnh đạo và các nhà hoạch định chính sách của các quốc gia thành viên (Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Canada) và khách mời cùng nhau tìm kiếm đồng thuận nhằm ứng phó với những thách thức chung toàn cầu, đưa ra các cam kết cho những mục tiêu cụ thể. Song từ hai năm nay, thế giới đã chứng kiến những kỳ hội nghị G7 căng thẳng và bất hòa. Hội nghị thượng đỉnh năm 2017 tại Italy bị đánh giá là "u ám" bởi những tranh cãi liên quan tới việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Hội nghị năm 2018 tại Canada cũng bị giới phân tích coi như "thất bại" khi Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối ký tuyên bố chung do những bất đồng liên quan đến việc Washington áp thuế cao đối với các sản phẩm thép và nhôm của EU và Canada xuất khẩu sang thị trường Mỹ. "Có những khác biệt về quan điểm không thể hòa giải" là những gì được nhắc tới về quan hệ giữa Mỹ và các thành viên G7 còn lại thời gian gần đây.

Tại kỳ thượng đỉnh năm 2019, các nhà lãnh đạo G7 cũng không nhất trí được một kế hoạch hành động chung liên quan đến vấn đề hạt nhân của Iran - một trong những chủ đề chính của hội nghị. Cùng với Anh và Đức, Pháp đang nỗ lực giải cứu thỏa thuận hạt nhân Iran, mang  tên gọi Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA), mà Mỹ đã tuyên bố rút lui hồi tháng 5/2018. Theo một nguồn  tin ngoại giao châu Âu, không nhất trí được về hành động chung, G7 cũng không đạt được tiến bộ trong việc thuyết phục Tổng thống Trump gia hạn quy chế miễn trừ trừng phạt dầu mỏ đối với hoạt động mua bán sản phẩm này từ Iran.

Bên cạnh hạt nhân Iran, các nhà lãnh đạo G7 tỏ ý lo ngại tình trạng căng thẳng thương mại trên thế giới gia tăng trong thời gian gần đây. Việc Mỹ và Trung Quốc liên tục áp thuế đối với hàng hóa của nhau, những bất ổn liên quan tới việc Vương quốc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, là một phần nguyên nhân khiến các nền kinh tế phát triển (trong đó có Đức và Nhật Bản) đang có những dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, lo ngại vẫn chỉ là lo ngại. Giới chuyên gia nhận định, nếu G7 không thể xây dựng được một mặt trận thống nhất trong các nỗ lực giải quyết những bất trắc kinh tế, sự bấp bênh của các thị trường tài chính sẽ càng tồi tệ hơn, bóp nghẹt đầu tư tư nhân và chi tiêu trên toàn cầu. Hậu quả là nền kinh tế thế giới sẽ phải đối mặt với các thách thức lớn hơn.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    G7 đồng thuận nhưng chưa đồng lòng