Lãnh đạo G7 thông báo kế hoạch huy động khoảng 600 tỷ USD xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu nhằm cạnh tranh sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc.
Các lãnh đạo G7 tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Bavaria, Đức, ngày 26.6
Hiệp định Đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu được Tổng thống Mỹ Joe Biden và các đồng minh G7 từ Canada, Đức, Italy, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) công bố ngày 26/6 với mục tiêu đối trọng với Trung Quốc.
Ông Biden cho biết Mỹ muốn huy động được 200 tỷ USD vào năm 2027 và các nước còn lại trong nhóm G7 là 400 tỷ USD.
Kế hoạch nhằm tài trợ cho các dự án mà Trung Quốc đang thống trị, từ đường sá đến bến cảng ở những nơi xa xôi nhất thế giới, và đây không phải "viện trợ hay từ thiện", Tổng thống Mỹ nói.
Nhấn mạnh ý nghĩa địa chiến lược của kế hoạch, Tổng thống Biden cho hay các dự án như vậy "mang lợi ích đến với tất cả mọi người, trong đó cả người dân Mỹ và người dân của tất cả các nước chúng ta".
Khác với các dự án trong sáng kiến Vành đai, Con đường chủ yếu lấy nguồn vốn từ ngân sách, những khoản tài trợ trong kế hoạch của G7 được đề xuất sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc các công ty tư nhân sẵn sàng cam kết đầu tư hay không và do đó không được đảm bảo.
Dù vậy, theo giới chức Mỹ, đây vẫn là một tín hiệu tốt khi các nước tiếp nhận hỗ trợ có thể tránh được bẫy nợ và các chiến thuật gây ảnh hưởng mạnh mẽ khác mà Trung Quốc được cho là đã sử dụng.
Nhà Trắng cho biết từ nay đến năm 2027, chính phủ Mỹ và các đồng minh sẽ nỗ lực huy động 600 tỷ USD "thông qua các khoản trợ cấp, tài trợ liên bang và tận dụng những khoản đầu tư ở khu vực tư nhân".
"Đây chỉ là bước khởi đầu: Mỹ cùng các đối tác G7 cũng sẽ tìm cách huy động thêm hàng trăm tỷ USD vốn từ các đối tác cùng chí hướng khác, các ngân hàng phát triển đa phương, các tổ chức tài chính phát triển, quỹ tài sản có chủ quyền và hơn thế nữa".
Với kế hoạch đầu tư chủ yếu vẫn nằm trên giấy, một quan chức cấp cao Mỹ thừa nhận phương Tây đang đi sau Trung Quốc.
"Không nghi ngờ gì về việc sáng kiến Vành đai, Con đường đã ra đời được vài năm và đã thực hiện nhiều khoản giải ngân cũng như đầu tư bằng tiền mặt. Chúng ta sẽ chỉ đạt được điều này sau nhiều năm đầu tư của họ", quan chức Mỹ nói. "nhưng tôi tin rằng mọi thứ vẫn chưa muộn".
Dù các mục tiêu rõ ràng của sáng kiến do Mỹ dẫn đầu là ở châu Phi, Nam Mỹ và phần lớn châu Á cũng nằm trong tầm ngắm. Quan chức Mỹ giấu tên lưu ý hệ quả từ cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể đưa "ngay cả những nước ở Đông Âu" vào danh sách.
Theo VnExpress