EVFTA là cú hích lớn cho xuất khẩu Việt Nam

26/06/2019 08:34

EU sẽ xoá bỏ hơn 99% dòng thuế với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang 28 nước thành viên sau 7 năm EVFTA có hiệu lực.


Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh

Ngày 25.6, Hội đồng châu Âu đã thông qua nội dung của Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA), mở đường cho việc ký kết các Hiệp định vào ngày 30.6 tới tại Hà Nội, sau quá trình khởi động đàm phán từ tháng 10.2010.

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã chia sẻ một số thông tin với báo giới xung quanh các Hiệp định này.

Phóng viên: Xin Bộ trưởng cho biết, quá trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) diễn ra như thế nào và Bộ Công thương đã có những nỗ lực ra sao để tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình đàm phán?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Hiệp định EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (IPA) đã được khởi động và kết thúc trong bối cảnh quan hệ song phương giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.

Với 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, các vấn đề pháp lý-thể chế, Hiệp định EVFTA được coi là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cũng như đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.

Ngày 25.6, Hội đồng châu Âu đã thông qua nội dung của Hiệp định EVFTA và IPA, mở đường cho việc ký kết các Hiệp định này vào ngày 30.6 tới, tại Hà Nội.

Hiệp định EVFTA và IPA được khởi động và kết thúc trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam-EU ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế-thương mại. 

Nếu được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. 

Những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong Hiệp định IPA cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, từ đó Việt Nam sẽ thu hút nhiều hơn nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác.

Về mặt chiến lược, việc đàm phán và thực thi các Hiệp định này cũng gửi đi một thông điệp tích cực về quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới trong bối cảnh tình hình kinh tế địa chính trị đang có nhiều diễn biến phức tạp và khó đoán định.

Phóng viên: Hiệp định EVFTA khác với các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã thực thi và đang đàm phán ở những điểm nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Thực tế, phải nhìn nhận EU chưa phải đối tác thương mại kinh tế lớn nhất của Việt Nam. Mặc dù xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đạt gần 42 tỷ USD. Nhưng mức độ tăng trưởng của Việt Nam sang EU trong xuất khẩu rất cao, đạt 17% và nhất là tính tương tác, bổ sung cho nhau của hai thị trường là rất lớn và rất rộng.

Chính vì vậy, dư địa cho tăng trưởng xuất khẩu, hợp tác kinh tế và các lĩnh vực khác là rất lớn, rất có ý nghĩa. Chẳng hạn ngay trong năm đầu, có hơn 85,6% dòng thuế sản phẩm Việt Nam sẽ được cắt giảm, thậm chí về 0% và trong 7 năm thì gần 100% dòng thuế này sẽ về 0%. 

Việt Nam là nước đang hưởng cơ chế hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EU nhưng cũng chỉ có 42% dòng thuế về 0%, nhưng chỉ trong giai đoạn tới, khi Việt Nam đạt mức phát triển kinh tế nhất định thì các quy chế của GSP sẽ không còn áp dụng cho Việt Nam.

Vì vậy, tôi cho rằng, việc có EVFTA rất quan trọng giúp cho các sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa Việt Nam có điều kiện cạnh tranh mạnh mẽ, phát triển ở thị trường châu Âu và sẽ có điều kiện hình thành các chuỗi giá trị.

Hơn nữa, toàn bộ hàng hóa xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU được hưởng ưu đãi thuế quan sắp tới và cả những điều kiện thuận lợi hóa thương mại đều là những ngành hàng quan trọng, kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.

Đơn cử các mặt hàng nông sản, gạo, cà phê, mật ong, sản phẩm chăn nuôi, cây trái... đều là những ngành hàng được hưởng ưu đãi rất cao ngay từ những năm đầu tiên. 

Những sản phẩm kỳ vọng có tăng trưởng mạnh ở EU như dệt may, da giày, chế biến đồ gỗ, tin học, các ngành công nghiệp như: hóa dầu, ô tô cơ khí cũng  được hưởng ưu đãi khi cắt giảm thuế quan trong những năm tới.

Do đó, nếu EVFTA đi vào thực thi từ năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng 20% và đến giai đoạn 2025-2030, tốc độ tăng sẽ lớn hơn từ 70-80%. Điều này thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam.

Phóng viên: Vậy theo Bộ trưởng, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ được hưởng lợi gì từ Hiệp định EVFTA?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Là Hiệp định chất lượng cao nên việc xóa bỏ hàng rào quan thuế ở mức cao nhất và lợi ích cao nhất cho doanh nghiệp Việt Nam, ngành hàng sản phẩm Việt Nam. Đơn cử như mặt hàng nông sản, thủy sản, gạo đường, mật ong, nông sản chế biến, mặt hàng đồ gỗ, dệt may, da giày, đồ gỗ, công nghiệp ô tô cũng được hưởng ưu đãi từ châu Âu. 

Theo tính toán, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ nhận được tác động lớn từ Hiệp định này. Dự kiến, tăng trưởng xuất khẩu sẽ tăng từ 4-6%, các ngành kinh tế tăng thêm 19 tỷ USD vào năm 2019 và đến năm 2025 sẽ tăng lên 70 tỷ USD. 

Không những thế, lợi ích lớn là cơ cấu mặt hàng xuất khẩu và cơ cấu kinh tế với EU có tính bổ trợ chứ không cạnh tranh trực tiếp nên thuận lợi từ Hiệp định này là rất lớn nếu như biết cách khai thác, tổ chức sản xuất, đảm bảo lợi ích hợp tác. 

Ngoài ra, khi cam kết mở cửa thị trường các ngành phải tính đến áp lực cạnh tranh như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ô tô, công nghệ thông tin, nông sản chăn nuôi, thực phẩm chế biến. Tuy nhiên, ở mức độ hội nhập sâu rộng thì Việt Nam phải xác định cạnh tranh mang ý nghĩa tích cực, đáp ứng sản phẩm chất lượng, tạo sức cạnh tranh để Việt Nam phải tái cơ cấu, nâng cao năng lực và hiệu quả đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Đây là cơ hội giúp Việt Nam có điểm mạnh để có định hướng và phát triển cao hơn, có chuỗi giá trị chung với các đối tác và từ đó mang lại hiệu quả đầu tư cao hơn với các ngành kinh tế.

Liên quan thu hút đầu tư, rõ ràng EU là đối tác kinh tế thương mại và đầu tư Top đầu với Việt Nam có quy mô gần 22 tỷ USD mỗi năm thể hiện tính toàn diện, chứa đựng cải cách lớn, chắc chắn môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam sẽ thu hút các nhà đầu tư và hình thành chuỗi giá trị mới. 

Vì vậy, với hàng loạt lĩnh vực mà EU có thế mạnh như dịch vụ, tài chính, ô tô, chế biến chế tạo, công nghệ thông tin, công nghệ cao, nông sản thực phẩm chế biến sẽ là lĩnh vực mà Việt Nam cần đầu tư và phát triển toàn diện. 

Phóng viên: Còn đối với doanh nghiệp cần chuẩn bị như thế nào để thực hiện hiệu quả và đón nhận lợi ích từ EVFTA, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Việc hoàn tất đàm phán là điều kiện tiên quyết nhưng với các Hiệp định như trên, cùng tác động cải cách cũng là chưa đủ nếu như Việt Nam chưa thực sự quan tâm đến cải cách và hội nhập, mà quan trọng là vai trò của nhà nước, tạo ra cải cách quản trị doanh nghiệp nhà nước, mua sắm Chính phủ... 

Do vậy, sự chủ động sẵn sàng của doanh nghiệp là quan trọng hơn cả vì họ là chủ thể để khai thác cơ hội và ưu đãi của các cam kết từ Hiệp định, nhưng cũng là chủ thể chịu tác động từ Hiệp định. 

Mặc dù các chương trình hành động của Chính phủ ban hành đầy đủ nhưng doanh nghiệp cần chủ động hơn trong tiếp cận nguồn lực để đưa Hiệp định này thực sự nằm trong quan điểm, tư tưởng và nhận thức của từng doanh nghiệp. 

Để làm được điều này không phải dễ dàng bởi doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nên hạn chế nguồn lực, khả năng tiếp cận thông tin là điểm nghẽn mấu chốt. Đây là vấn đề để Bộ Công Thương cùng các bộ ngành nghiên cứu kỹ nhằm đưa ra tương tác hai chiều với các bộ ngành. 

Tôi cũng cho rằng tới đây, Chính phủ cần xác định rõ vai trò, thời điểm và tổ chức lại hoạt động của các bộ ban ngành nhằm chủ động hơn trong các hoạt động. Trước bối cảnh tình hình thế giới phức tạp, xu thế bảo hộ mậu dịch đang hình thành rõ nét thì việc chủ động hội nhập, hình thành chính sách, vượt qua trở ngại, thậm chí liên quan đến hoạt động tranh chấp thương mại như bán phá giá... là bài học quý báu cần thiết. 

Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội về thương mại, đầu tư, hợp tác mới cho doanh nghiệp hai bên. Do đó, trong quá trình đàm phán, Đoàn đàm phán đã tích cực cung cấp đầy đủ thông tin cũng như tham vấn ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp với mong muốn kết quả đàm phán phải đáp ứng được tốt nhất lợi ích của doanh nghiệp. 

Đáng lưu ý, một số hiệp hội như dệt may, da giày, thủy sản và nhiều doanh nghiệp khác đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, qua đây cũng thể hiện sự khác biệt về sự chuẩn bị giữa các doanh nghiệp. Bởi các doanh nghiệp lớn dường như có sự chuẩn bị tốt hơn so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Cùng đó, các doanh nghiệp xuất khẩu dường như tích cực hơn so với các doanh nghiệp phải chịu cạnh tranh từ EU sau khi Hiệp định được ký kết.

Vì thế, để khai thác được tối đa lợi ích mà Hiệp định này mang lại, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực. Việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất…

Đặc biệt, để tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định này, các doanh nghiệp cần đảm bảo sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, về tiêu chuẩn kỹ thuật và về vệ sinh an toàn động thực vật của EU.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    EVFTA là cú hích lớn cho xuất khẩu Việt Nam