Nợ công chính thức lan tới hai nền kinh tế đầu tàu Đức, Pháp, khiến nhiều chuyên gia lo ngại rằng Eurozone đang đối mặt với “tình trạng nguy kịch”.
“Vi-rút” nợ công đã “gõ cửa” Pháp, Đức
Tiếng chuông báo động nợ công đã vang đến tận cửa Pháp và Đức - hai nền kinh tế đầu tàu trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), làm dấy lên mối lo ngại rằng Eurozone đang đối mặt với “tình trạng nguy kịch”.
Các chuyên gia cho rằng, Pháp đang nằm trong “vòng nguy hiểm” khi lãi suất vay mượn của nước này đã tăng lên mức bị coi là không bền vững. Lãi suất trái phiếu chính phủ Pháp kỳ hạn 10 năm đã tăng khoảng 50 điểm phần trăm, lên 3,64%. Trước đó, ngày 21-11, cơ quan xếp hạng tín nhiệm tín dụng Moody's và Standard and Poor's đều cảnh báo về khả năng hạ bậc tín nhiệm tín dụng của Pháp khi lãi suất trái phiếu chính phủ Pháp tăng và triển vọng tăng trưởng kinh tế Pháp không sáng sủa. Với những dấu hiệu đó, ông Remy le Bailly (Rê-mi Lơ Bây-li), một nhà phân tích tài chính thuộc Tập đoàn Investir, nhận định rằng “rõ ràng là cuộc khủng hoảng nợ công đang gõ cửa nước Pháp”.
Nợ công của Pháp đã chạm ngưỡng 1.700 tỷ euro (ơ-rô), chỉ thấp hơn một chút so với mức 1.900 tỷ euro của Italia (I-ta-li-a). Theo giới phân tích, tình hình nợ công của Pháp có phần còn rủi ro hơn cả Italia do chủ các khoản nợ Chính phủ Italia là những nhà đầu tư trong nước, trong khi đó Pháp lại chủ yếu vay nợ nước ngoài. Hồi đầu tháng 11, Pháp đã công bố gói các biện pháp thắt lưng buộc bụng lần thứ hai nhằm tiết kiệm thêm 7 tỷ euro trong năm 2012, từ đó giảm thâm hụt ngân sách xuống 4,5%, từ mức dự kiến 5,7% trong năm nay. Theo ông Bailly, Chính phủ Pháp đã mắc sai lầm khi chỉ đặt mục tiêu tiết kiệm có 7 tỷ euro. Ông cho rằng, con số này phải cao hơn để cho thấy Chính phủ Pháp thực sự muốn kiềm chế thâm hụt ngân sách.
Cùng với Pháp, Đức cũng đang trong “hỏa tuyến” khi trong phiên bán đấu giá lượng trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm trị giá 6 tỷ euro ngày 23-11 vừa qua, Đức chỉ bán được 60% lượng trái phiếu, tức là chỉ huy động được 3,6 tỷ euro. Dấu hiệu này cho thấy các nhà đầu tư đã thoái lui và e dè với trái phiếu của hầu hết các quốc gia khu vực Eurozone, cho dù đó là trái phiếu chính phủ Đức - loại được coi là an toàn nhất. Và như vậy, cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu đã chạm đến một mức nguy hiểm mới khi Đức không còn được coi là nơi trú ẩn an toàn, hấp dẫn nữa. Sau ngày 23-11, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức đã tăng từ 1,92% lên 2,15% - mức cao nhất trong vòng gần 4 tuần qua.
Ông Marc Ostwald (Mắc Ốt-oan), một chiến lược gia thuộc Công ty Chứng khoán Monument ở Luân-đôn (Anh) cho rằng, đây là phiên đấu giá tồi tệ nhất của Đức từ trước đến nay mặc dù nền tài chính của Đức vẫn vững vàng, đặc biệt là so với các quốc gia láng giềng phía nam. Ông Louis Gagnon (Lu-ít Ga-nông), Phó Giáo sư tài chính thuộc Khoa Thương mại Trường Đại học Queen nhận định: “Cuộc khủng hoảng bắt đầu ở những nền kinh tế bên lề nhưng giờ vi-rút nợ công đang nhiễm vào mọi nền kinh tế. Thị trường ngày càng lo lắng về số phận của khu vực Eurozone”.
Trong khi đó, Bồ Đào Nha và Hy Lạp vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ “rút được chân” ra khỏi vũng lầy nợ công. Ngày 25-11, mức tín nhiệm tín dụng của Bồ Đào Nha đã bị cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch hạ xuống mức BB+ do “mất cân đối tài chính nghiêm trọng, mức độ nợ cao ở mọi lĩnh vực và triển vọng kinh tế vĩ mô u ám”. Fitch cho rằng kinh tế của Bồ Đào Nha có thể giảm 3% trong năm tới, khiến cho các nỗ lực của Chính phủ nhằm ổn định ngành tài chính công thêm khó khăn.
Tình hình của Hy Lạp cũng không sáng sủa hơn khi cơ quan xếp hạng tín nhiệm của Trung Quốc, Dagong, ngày 22-11 thông báo đã cắt mức xếp hạng tín nhiệm của nước này từ mức CCC xuống mức C và còn cảnh báo sẽ hạ tiếp. Lý do là Hy Lạp không còn khả năng thanh toán nợ và cần phải tái cơ cấu hàng loạt.
Thùy Dương(TTXVN)