EURO 2016: Khi những nghịch lý trở thành điều phổ biến

11/07/2016 09:33

Người Pháp đã chuẩn bị sẵn chiếc xe buýtở một nơi bí mật với dự định chở đội quân chiến thắng của họ đi vòng quanh Paris, nhưng chiếc xe đó không có cơ hội lăn bánh.

​Euro 2016: Khi những nghịch lý trở thành điều phổ biến 

Ronaldo rời sân dường như lại là điều tốt cho Bồ Đào Nha - Ảnh: REUTERS


Nếu như các nỗ lực của Antoine Griezmann, Moussa Sissoko trúng đích và đặc biệt nhất là cú sút của Andre-Pierre Gignac  ở phút bù giờ hai hiệp chính đi vào khung thành thay vì chạm cột dọc thì người Pháp đã được giải khuây sau những tháng đau buồn vừa qua.

HLV Didier Deschamps đã chỉ đạo tuyển Pháp gây sức ép mạnh từ đầu trận để sớm giải quyết trận đấu song các nỗ lực của họ không vượt qua được bức tường thành của Bồ Đào Nha được dựng lên bởi cặp trung vệ Pepe, Jose Fonte và tiền vệ phòng thủ William Carvalho, phía sau họ còn có thủ môn Rui Patricio đặc biệt xuất sắc.

Chơi đến hơn 70 trận trong mùa bóng, Griezmann đã thấm mệt nên các cú đánh đầu của anh không sắc bén như ở các trận trước. Olivier Giroud gần cuối trận, trước khi bị thay ra mới có cú dứt điểm đầu tiên. Sự tự tin dâng lên rất cao sau khi hạ Đức ở bán kết của tuyển Pháp dần bị mài mòn bởi sự kiên cường của người Bồ Đào Nha. Càng về phía sau trận đấu, Pháp càng rút vào cái vỏ thận trọng của họ, thay vì tiến lên để giành chiến thắng.

Stade de France không phải là sân bóng ưu ái với những người mang tên Ronaldo. Cách đây 18 năm, Ronaldo của Brazil lên cơn động kinh một cách đáng ngờ trước trận chung kết World Cup 1998. Còn Cristiano Ronaldo của Bồ Đào Nha chỉ đứng trên sân 24 phút trước khi rời sân trên cáng trong nước mắt tuyệt vọng bởi chấn thương đầu gối.

Nhưng Ronaldo của Bồ cuối cùng may mắn hơn khi trở lại sân, đeo lại chiếc băng thủ quân để lên nhận cúp vô địch EURO 2016, danh hiệu lớn đầu tiên (và có thể là cuối cùng) của Ronaldo ở cấp độ đội tuyển quốc gia, cũng là danh hiệu lớn đầu tiên của đội tuyển Bồ Đào Nha, điều mà các thế hệ trước đó như của Eusebio thập niên 1960 hay của Luis Figo, Joao Pinto, Rui Costa, Paulo Sousa… thập niên 2000 không làm được.

Có lẽ chính việc Ronaldo rời sân sớm khiến tuyển Bồ Đào Nha đá tốt hơn, HLV Fernando Santos dễ điều binh hơn. Thay vì cả đội phải phục vụ Ronaldo thì các cầu thủ Bồ Đào Nha được chơi theo cách của mình, Joao Mario và Renato Sanches được tự do thể hiện hơn, họ cũng có những cơ hội nguy hiểm tương đương của tuyển Pháp chủ nhà thông qua các pha dứt điểm của Ricardo Quaresma, Ricardo Quaresma, Luis Nani.

Thế hệ vàng không giành chức vô địch được cho Bồ Đào Nha tại EURO 2004 khi họ là chủ nhà. Đội tuyển không được kỳ vọng hiện tại lại làm được điều đó sau khi lê lết qua vòng bảng, và phải trải qua 3/4 trận kéo dài 120 phút ở vòng knock-out. Ngôi sao sáng nhất không phải là cầu thủ 3 lần giành Quả bóng vàng FIFA Ronaldo, mà là Eder, cầu thủ bị Swansea loại bỏ sau nửa đầu mùa giải 2015-16 vì vào sân 15 trận mà không ghi được bàn nào.

Ở một giải đấu ít chịu tuân theo lô-gic như EURO với Đan Mạch, Hy Lạp từng đăng quang thì một Eder như chui từ dưới đất lên ghi bàn thắng quyết định trong trận chung kết, thì một Bồ Đào Nha khá tầm thường vô địch lại trở thành điều bình thường.

Ở một năm bóng đá ít chịu tuân theo lô-gic như 2016 với việc Leicester vô địch English Premier League, Iceland vào tứ kết và Wales vào bán kết EURO 2016 thì những nghịch lý xem ra lại trở thành phổ biến.

Ở một giải đấu như EURO 2016 mà Ý phá huông trước Tây Ban Nha, Đức dỡ bỏ "bùa ngải" trước Ý rồi tiếp sau đó Pháp đạp đổ những vận rủi trước Đức thì Bồ Đào Nha thắng lại Pháp sau 10 trận thua liên tiếp tính từ năm 1978 đến trước trận chung kết qua lại trở thành điều tự nhiên.

Hãy chuẩn bị để chờ đón những bất ngờ mới.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    EURO 2016: Khi những nghịch lý trở thành điều phổ biến