Liên minh châu Âu đang tìm cách tịch thu hoàn toàn tài sản của Nga thay vì chỉ đóng băng chúng, và lấy đây làm nguồn tiền tái thiết Ukraine.
Theo đài RT, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 25.10 cho biết Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách tịch thu hoàn toàn tài sản của Nga thay vì chỉ đóng băng chúng. Tuy nhiên, liên minh này vẫn chưa thiết lập cơ sở pháp lý để hành động như vậy.
Bà Ursula von der Leyen đã thông báo về ý định nói trên trong một hội nghị về tái thiết Ukraine, với sự tham dự của một số nhà tài trợ quốc tế nổi tiếng của Kiev.
Bà nói: “Mục đích của chúng tôi không chỉ là đóng băng mà còn thu giữ tài sản, cho dù việc thiết lập cơ sở pháp lý cho một động thái như vậy là ‘không hề đơn giản'”.
Theo bà von der Leyen, EU đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm bao gồm nhiều chuyên gia quốc tế khác nhau “không chỉ để vạch ra những gì đã bị đóng băng” mà còn để xem sẽ cần các điều kiện pháp lý gì để thu giữ tài sản của Nga và sử dụng chúng để tái thiết Ukraine.
“Ý chí là có, nhưng về mặt pháp lý thì không hề đơn giản, vẫn còn rất nhiều việc phải là ]để đạt được mục tiêu đó”, bà Ursula von der Leyen nhắc lại, đồng thời lưu ý rằng EU tuân thủ pháp quyền và do đó quá trình này phải “hợp pháp" .
Đáp lại phát ngôn của bà Ursula von der Leyen, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng trên thực tế, Chủ tịch Ủy ban EU muốn Nga "kiệt sức khi bị lôi ra tòa án" trong nỗ lực lấy lại tiền của mình.
Tại hội nghị nói trên, bà Ursula von der Leyen tuyên bố rằng Ngân hàng Thế giới đã ước tính chi phí thiệt hại cho Ukraine là 350 tỷ euro (345 tỷ USD). Khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine vào cuối tháng 2, một lực lượng đặc nhiệm đa quốc gia đã đóng băng 30 tỷ USD tiền thuộc về các cá nhân Nga, cũng như 300 tỷ USD tài sản của ngân hàng trung ương Nga.
Moskva đã chỉ trích mạnh mẽ việc đóng băng các quỹ của nước này, thậm chí Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov nói rằng phương Tây về thực chất đã thực hiện “hành vi trộm cắp”.
Các quan chức phương Tây nhiều lần bày tỏ mong muốn tịch thu tài sản của Nga để phục vụ cho Ukraine. Tuy nhiên, vào tháng 7, trong một hội nghị khác về tái thiết Ukraine, Tổng thống Thụy Sĩ Ignazio Cassis đã phản đối một động thái như vậy, cho rằng nó sẽ thiết lập một tiền lệ nguy hiểm.
“Bạn phải bảo đảm các công dân được bảo vệ trước quyền lực của nhà nước. Đây là cái mà chúng tôi gọi là các nền dân chủ tự do”, ông Cassis nói vào thời điểm đó.
Hồi tháng 7, Cao ủy Tư pháp của EU, ông Didier Reynders cho biết EU đã đóng băng 13,8 tỷ USD tài sản của Nga kể từ khi Moskva phát động chiến dịch quân sự. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner nói nước này đã đóng băng 4,48 tỷ euro tài sản của Nga tính đến giữa tháng 6.
Tại Mỹ, nhóm thực thi lệnh tịch thu tài sản của Nga hồi tháng 9 đã kêu gọi quốc hội Mỹ thay đổi luật quản lý tài sản thu giữ nhằm cho phép Washington chuyển các tài sản đóng băng của Nga cho Ukraine nhằm khắc phục hậu quả chiến sự.
Lực lượng do ông Adams lãnh đạo được Bộ Tư pháp Mỹ lập ra chuyên để thu giữ tài sản của Nga nhằm đáp trả Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine từ ngày 24.2 tới nay.
Quan chức trên nhận xét, "phạm vi, tác động và liên kết quốc tế" của các lệnh trừng phạt chống lại Nga là "chưa có tiền lệ".
Một trong những đề xuất ông nêu ra trong bài phát biểu chính là các nhà làm luật Mỹ cần sửa đổi luật để Washington có thể chuyển tài sản của Nga cho Ukraine nhằm khắc phục hậu quả chiến sự.
Theo ông Adams, cả Bộ Tư pháp, Tài chính và Ngoại giao Mỹ đều muốn chuyển khoản tiền tịch thu từ Nga và giới tài phiệt Nga cho Kiev, nhưng điều này sẽ đòi hỏi "sự thay đổi trong hàng loạt các quy định".
Vào tháng 6, Bộ Tài chính Mỹ thông báo đã phong tỏa 30 tỷ USD tiền thuộc về các cá nhân Nga trong danh sách trừng phạt, trong khi 300 tỷ USD tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga cũng bị đóng băng.
Theo báo Tin tức