Khi Mỹ cùng lúc "tuyên chiến" với cả EU lẫn Trung Quốc, khả năng EU và Trung Quốc liên kết là điều có thể nghĩ tới.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: REUTERS
Đó là câu hỏi được quan tâm tuần qua, trong bối cảnh EU đã chính thức đáp trả bằng việc áp thuế nhắm vào 3,4 tỉ USD mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ. Viễn cảnh một cuộc chiến thương mại giữa những đồng minh EU và Mỹ đang dần hiện rõ.
Chọn Trung Quốc?
Nói về chiến tranh thương mại, khán giả toàn cầu đang tập trung nhiều hơn vào Mỹ và Trung Quốc, những nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nguy cơ về một cuộc chiến thương mại đang gia tăng với hàng loạt động thái áp thuế nhập khẩu đang được hai nước này triển khai để nhắm vào nhau.
Và khi Mỹ cùng lúc "tuyên chiến" với cả EU lẫn Trung Quốc, khả năng EU và Trung Quốc liên kết là điều có thể nghĩ tới.
Điều này được nhắc tới trong bài viết trên báo China Daily ngày 18-6, trong đó tờ báo Trung Quốc khẳng định Mỹ đã tuyên bố chiến tranh thương mại và kêu gọi EU hợp sức.
Theo lập luận ấy, các nền kinh tế lớn trên thế giới đang "đối mặt với sự tàn phá dài hạn" từ chủ nghĩa đơn phương của Mỹ, và Trung Quốc - EU nên "chung tay đấu tranh nhằm dạy Mỹ một bài học rằng họ phải trả một cái giá xứng đáng".
Trên tờ Telegraph, chuyên gia nghiên cứu Dan Jehn cũng đặt Mỹ - Trung lên bàn cân cho EU, nói rằng châu Âu nên chọn Trung Quốc căn cứ theo sự phát triển ổn định lẫn khả năng tiết kiệm của người tiêu dùng tại thị trường đông dân nhất thế giới.
Nhưng quan điểm của EU có lẽ khác. Trở lại một cuộc họp vào tháng 4, ủy viên phụ trách kinh tế và tài chính của EU Pierre Moscovici khẳng định châu Âu sẽ không "chọn phe" trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Theo Moscovici, Trung Quốc cần thực hiện cải cách và cho thấy thái độ mở cửa trong thương mại cũng như giải quyết vấn đề sản xuất dư thừa sản phẩm thép.
"Đây (lựa chọn Mỹ hay Trung Quốc) không phải cách thức cần thiết để đề cập tới tình hình. Chọn một bên có nghĩa là chúng tôi lao vào một cuộc đấu đá, và đó không phải cách xử lý vấn đề. Dĩ nhiên cần chỉ ra sự thiếu cân bằng, chắc chắn có vấn đề cần giải quyết, nhưng không phải bằng cách đối đầu", ông Moscovici nói.
"Nội thương"
EU cũng cần giải quyết các vấn đề nội bộ trước khi nghĩ tới đấu tranh với ai đó. Khối này đã mất dần tiếng nói trong các vấn đề quốc tế là lo ngại đã xuất hiện vài năm nay, trong bối cảnh các đảng cực hữu bài EU lớn mạnh.
Trong lúc này, EU vẫn chật vật giải quyết vấn đề nhập cư, vốn dĩ là nguồn cơn tạo ra khủng hoảng từ vài năm nay.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây khẳng định vấn đề nhập cư đã thuyên giảm, và ủng hộ biện pháp trừng phạt tài chính với những thành viên EU từ chối tiếp nhận người nhập cư.
Lập luận này chịu sự phản bác gay gắt của Luigi Di Maio, phó thủ tướng và lãnh đạo Đảng dân túy MS5 ở Ý.
Ông Di Maio khẳng định tổng thống Pháp chẳng hiểu gì về quy mô vấn đề, và rằng việc Ý đang vật vã với vấn đề nhập cư có phần nguyên nhân không nhỏ xuất phát từ việc Pháp từ chối nhận nhập cư ở biên giới. Điều này khiến Pháp đang trở thành "kẻ thù số 1 của nước Ý".
Thế khó của EU nằm ở chỗ, như thống kê của Eurostat đăng trên báo Đức DW, Mỹ vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của khối này với 20%, trong khi Trung Quốc xếp thứ hai với 11%.
Nếu việc lắp ráp xe ở châu Âu chuyển qua Mỹ bị Tổng thống Mỹ Donald Trump phản đối, ngành xe chủ lực của EU cũng gặp rắc rối tương tự ở Trung Quốc về yếu tố bảo hộ và chuyển giao công nghệ.
Vì những khó khăn cả trong lẫn ngoài, chiến thuật của EU nhiều khả năng là đe dọa vừa phải và... chờ thời. Kênh CNBC (Mỹ) dẫn lời một vị CEO cho rằng EU cũng như Trung Quốc đang gây áp lực đồng thời hứng chịu áp lực từ cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ.
Tổng thống Trump đang muốn hoàn thành lời hứa giảm thâm hụt thương mại, đem nhà máy về Mỹ.
Nhưng đồng thời ông cũng đánh cược với điều này bằng mối quan hệ sứt mẻ, dẫn tới biến động về giá cả, việc làm, đời sống của một bộ phận không nhỏ cử tri khác...
NHẬT ĐĂNG (Tuổi trẻ)