Hãng thông tấn DPA (Đức) đưa tin Liên minh châu Âu (EU) có thể cân nhắc chuyển một chương trình huấn luyện binh sĩ Kiev đến lãnh thổ Ukraine trong tương lai.
Binh sĩ Ukraine trước xe chiến đấu bộ binh Marder tại một trung tâm huấn luyện quân sự ở Munster, Đức hồi tháng 2
Trong thông báo ngày 20.7, hãng tin DPA cho biết ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU, đã sẵn sàng đề xuất mở rộng đáng kể chương trình đào tạo hiện nay cho quân đội Ukraine tại họp của các ngoại trưởng EU tại Brussels vào cuối ngày.
Tài liệu liệt kê các đề xuất của ông Borrell cho rằng khi điều kiện cho phép, việc chuyển dần các hoạt động huấn luyện sang Ukraine thậm chí có thể được xem xét.
Hãng thông tấn Đức tuyên bố kịch bản này có thể trở thành hiện thực nếu và khi Kiev và Moskva đat được thoả thuận ngừng bắn. EU lập luận rằng ý tưởng này có thể đóng vai trò ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga trong tương lai, khi các thành viên của EU cũng sẽ đóng quân tại Ukraine.
Ngoài ra, Brussels cũng có thể đồng ý chi thêm hàng tỷ USD để hỗ trợ quân đội Ukraine trong những năm tới. Nguồn tin cho biết ông Borrell đang lên kế hoạch kêu gọi các quốc gia thành viên chi tiền để chuyển giao nhiều vũ khí hơn cho Kiev, bao gồm cả máy bay chiến đấu hiện đại. Theo DPA, ông Borrell muốn chi khoảng 5,6 tỷ USD cho mục đích này hàng năm từ năm 2024 đến năm 2027. Số tiền này được cho sẽ lấy từ Quỹ Hòa bình của EU (EPF).
Một trong số các đề xuất khác do ông Borrell đưa ra là đặt ra “các mục tiêu đào tạo định lượng và định tính mới” cho các quốc gia EU. DPA lưu ý rằng khối này ban đầu đã cam kết đào tạo 30.000 binh sĩ Ukraine, với 25.000 binh sĩ đã hoàn thành hoặc sắp hoàn thành khoá huấn luyện trong thời gian ngắn.
Theo hãng tin Đức, nhà ngoại giao hàng đầu của EU cũng muốn chứng kiến sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Ukraine và EU trong việc sản xuất vũ khí và chia sẻ thông tin tình báo.
Trong khi đó, hôm 19.7, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto tuyên bố Budapest sẽ chặn khoản viện trợ quân sự mới trị giá 560 triệu USD của EU cho Ukraine, nếu Kiev không xoá tên ngân một ngân hàng Hungary khỏi danh sách “ủng hộ xung đột”. Trước đó, hồi tháng 5, chính quyền Ukraine đã liệt Ngân hàng OTP của Hungary vào “danh sách đen” các công ty nước ngoài vẫn kinh doanh ở Nga.
Về mình mình, Nga đã nhiều lần cảnh báo việc phương Tây tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine chỉ khiến xung đột kéo dài, gây thêm đổ máu và cánh cửa ngoại giao giải quyết cuộc xung đột sẽ bị khép lại.
Theo Báo Tin tức