EU bất đồng về gói cứu trợ

20/11/2020 15:47

Liên minh châu Âu (EU) lại đứng trước nguy cơ rơi vào khủng hoảng do bất đồng về gói cứu trợ đại dịch Covid-19 trị giá 750 tỷ euro.


Tây Ban Nha đã phải tái phong tỏa một số địa phương

Trong bối cảnh châu Âu đang đối mặt với sự bùng phát của làn sóng dịch Covid-19 thứ hai, sự đổ vỡ của quỹ phục hồi EU dự báo sẽ đẩy EU vào tình thế khó khăn hơn.

Gói hỗ trợ đầy kỳ vọng

Cuối tháng 5 vừa qua, trên cơ sở đề xuất của Đức và Pháp, EC đã công bố một gói kích thích "khổng lồ" lên tới 750 tỷ euro (826 tỷ USD), trong đó 500 tỷ euro (551 tỷ USD) theo hình thức tài trợ và 250 tỷ euro (275 tỷ USD) theo hình thức cho vay dựa trên điều kiện mà các quốc gia có thể áp dụng, với mục đích giúp "lục địa già" hồi phục từ cuộc suy thoái chưa từng thấy do Covid-19 gây ra. Để hưởng lợi từ chương trình, các nước sẽ phải xây dựng một kế hoạch đầu tư và cải cách phù hợp với những ưu tiên chính trị của EC, cụ thể là "thỏa thuận xanh". Mặc dù vậy, kế hoạch này ngay từ đầu đã gây tranh cãi gay gắt trong nội bộ EU. Đề xuất liên quan tới gói phục hồi 750 tỷ euro vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nước thành viên chủ trương tiết kiệm chi tiêu như Hà Lan, Áo, Thụy Điển và Đan Mạch. Nhóm "Frugals", gồm Hà Lan, Thụy Điển, Áo, Đan Mạch và Phần Lan chỉ sẵn sàng chấp nhận khoản hỗ trợ tối đa là 350 tỷ euro, thậm chí là có điều kiện đi kèm.

Nhằm phá vỡ thế bế tắc để tránh các cuộc đàm phán đổ vỡ, ngày 20.7, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đưa ra một đề xuất được các nhà ngoại giao đánh giá là "con đường hướng tới một thỏa thuận". Theo đó, ông đề xuất khoản hỗ trợ 390 tỷ USD đi kèm một số khoản tiền nhỏ hoàn lại cho nhóm "Frugals". Cuối cùng, đề xuất mới này đã nhận được sự nhất trí của 27 nước thành viên.

Tìm được sự đồng thuận về gói phục hồi kinh tế trị giá 750 tỷ euro được coi là thách thức sống còn với 27 nước EU, khi nhiều quốc gia thành viên đang rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Eurozone có nguy cơ tan vỡ nếu các nước EU không đạt đồng thuận. Kế hoạch phục hồi mới mà EU đạt được được cho là sẽ giúp khối có thể chia sẻ các nguồn lực tài chính, giúp kinh tế "Lục địa già" thoát khỏi tình trạng suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra và tăng trưởng trở lại vào năm 2021. Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ châu Âu cho rằng điều kiện được đưa ra quá mơ hồ và sẽ không thể bảo đảm rằng một số quốc gia thành viên nhận tiền từ quỹ cứu trợ sẽ tuân thủ các quy định về dân chủ của toàn khối.

Để mở đường cho việc thông qua dự luật ngân sách dài hạn của toàn khối, đầu tháng 11, Nghị viện châu Âu (EP) và 27 nước thành viên EU đã nhất trí sẽ gắn kèm dự luật này với một cơ chế yêu cầu các quốc gia tôn trọng pháp quyền EU.

Bất đồng ngân sách tái diễn

Nguy cơ xảy ra khủng hoảng chính trị mới trong EU lại hiện hữu khi hai nước thành viên Hungary và Ba Lan ngày 16.11 đã cản trở việc thông qua ngân sách dài hạn của khối và việc gắn gói cứu trợ đại dịch Covid-19 trị giá 750 tỷ euro với việc tuân thủ nguyên tắc pháp quyền.

Tại cuộc họp diễn ra ở Brussels (Bỉ), các nhà ngoại giao EU cho biết Vacsava và Budapest phản đối việc gắn ngân sách của EU với việc tuân thủ nguyên tắc pháp quyền, đồng thời tuyên bố phủ quyết bất kỳ quyết định nào đi tới việc thực hiện tiến trình này.

Trước đó, cả lãnh đạo Hungary và Ba Lan đều gửi thư cho Đức - nước Chủ tịch luân phiên EU - cùng các nhà lãnh đạo EU khác, cảnh báo sẽ phủ quyết ngân sách của EU nếu như việc giải ngân cho các nước thành viên được gắn với quy định tuân thủ nguyên tắc pháp quyền. Theo đó Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã cho rằng việc đưa ra cơ chế gắn với tuân thủ nguyên tắc pháp quyền là “dựa trên sự độc đoán và mang động cơ chính trị”. Nếu chấp nhận, nó sẽ dẫn đến hợp pháp hóa việc áp dụng các "tiêu chuẩn kép" đối với các nước thành viên. 

Các chuyên gia kinh tế nhận định trong bối cảnh châu Âu đang trong giai đoạn cao trào của làn sóng dịch Covid-19 thứ hai khiến một số quốc gia buộc phải bắt đầu tái áp dụng phong tỏa theo các hình thức và cấp độ khác nhau, gây tác động mạnh tới triển vọng kinh tế khu vực trong thời gian tới, việc tái diễn bất đồng về gói cứu trợ sẽ đẩy EU tới khó khăn chồng chất. 

Thực tế cho thấy, làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai đang gây ra nhiều rủi ro và hủy hoại hy vọng về khả năng phục hồi kinh tế nhanh chóng của châu Âu. Trong dự báo mới nhất, EC cho biết nền kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng ở mức 4,2% trong năm tới, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 6,1% được đưa ra vào tháng 7. EC cảnh báo nền kinh tế khu vực sẽ không thể hồi phục hoàn toàn trước năm 2023. Trong khi đó, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Philip Lane, người vốn kêu gọi các biện pháp hỗ trợ tài chính “đáng kể”, cũng cảnh báo rằng ngay cả khi vaccine ngừa Covid-19 sắp được triển khai, các hạn chế kinh tế có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong năm tới.

Quỹ phục hồi 750 tỷ euro được xem là nỗ lực tài khóa chung lớn nhất từ trước tới nay của nhiều nước thành viên EU và được xem là rất quan trọng để hạn chế sự phát triển kinh tế không đồng đều. Vấn đề của EU là một số thành viên mắc nợ nhiều nhất đã phải gánh chịu ảnh hưởng kinh tế lớn nhất từ đại dịch Covid-19, do đó những nước này ít có khả năng thúc đẩy phục hồi thông qua các công cụ tài khóa của mình. Sự đổ vỡ của quỹ phục hồi EU do không nhận được sự ủng hộ của Hungary và Ba Lan có thể sẽ làm gia tăng khoảng cách giữa các quốc gia giàu có hơn ở phía Bắc châu Âu và các quốc gia nghèo hơn ở phía Nam châu Âu, một sự khác biệt có thể dẫn tới sự bất ổn xã hội.

THANH LÂM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    EU bất đồng về gói cứu trợ