Đọc lại những trang nhật ký được viết trong lúc giận dỗi, tôi xấu hổ vô cùng. Nhất định từ nay tôi sẽ không so đo, tị nạnh với cu Thuận nữa. Chỉ cần em trai tôi luôn khỏe mạnh thì tôi sẵn sàng làm giúp em bất cứ việc gì có thể.
- Thanh ơi! Lấy quần áo ở máy giặt đem phơi đi! - tiếng mẹ gọi vọng lên tầng hai, nơi tôi đang có những giây phút thư giãn hiếm hoi để nghe nhạc. Tôi bực bội trong lòng. Bao giờ cũng thế, hơi một tí là mẹ gọi “Thanh ơi!” và sai việc như sai ô sin. Hễ tôi rời sách vở ra là mẹ giao việc: lau nhà, nấu cơm, rửa bát... Tất tần tật, việc gì mẹ cũng sai tôi chứ không sai cu Thuận.
- Thanh ơi! Làm gì mà lâu thế! Làm nhanh lên còn nhặt rau, nấu cơm kẻo trưa đến nơi rồi.
Tôi không kiềm chế được, giậm giựt bước xuống cầu thang với bộ mặt ỉu xìu. Mọi lần tôi nín nhịn, làm cho xong nhưng hôm nay tôi thắc mắc:
- Tại sao lúc nào cũng là con? Sao mẹ không sai cu Thuận nhặt rau và cắm cơm trong khi con phơi quần áo. Hồi con bằng nó, con phải làm mọi việc nhà rồi mà bây giờ mẹ chẳng để nó động tay vào cái gì hết. Mẹ chiều quá rồi nó sinh hư cho mà xem.
Thuận đang ngồi ôm gối xem phim hoạt hình, thấy tôi nói vậy thì nó nghển lên, cười cười:
- Chị Thanh làm hộ em đi! Em mệt lắm.
- Lại mệt! Lúc nào cũng mệt. Toàn ăn với chơi mà cũng mệt à? Kệ em! - tôi vùng vằng.
Mẹ tôi đỏ mặt, nổi giận:
- Thanh! Sao con lại ăn nói như thế. Con là chị lớn, lại là con gái, làm hơn em một tí thì càng đảm đang chứ sao. Ai lại tị với em kiểu ấy. Nếu con không muốn làm thì để đấy mẹ làm - mẹ giằng giỏ quần áo từ tay tôi đem đi phơi khiến tôi đứng như trời trồng, bèn lủi thủi vào bếp sắp đồ nấu cơm.
Cu Thuận chỉ kém tôi 3 tuổi nhưng chẳng hiểu sao càng lớn tôi càng nhận ra sự đối xử thiên vị của bố mẹ dành cho hai chị em. Bố đi công tác xa, ít về nhưng hễ về phép là bố chở Thuận xuống phố chơi. Nó thích ăn gì, thích đồ chơi nào là bố mua cho ngay. Trong bữa ăn, có miếng nào ngon, mẹ cũng gắp cho Thuận trước tiên. Nó không ăn mới đến lượt tôi. Nhiều lúc tôi chạnh lòng, tủi thân, nghĩ vơ vẩn rồi tự hỏi hay mình là con nuôi, còn Thuận là con đẻ. Tôi nhìn nó rồi nhìn mình trong gương, hai khuôn mặt có nhiều nét giống hệt nhau, đích thị tôi và Thuận là chị em ruột rồi còn gì. Nhưng tại sao bố lại chiều nó hơn tôi, mẹ lại thương nó hơn tôi và bắt tôi làm nhiều hơn nó. Bao nhiêu ấm ức trong lòng tôi đem trút hết vào nhật ký.
Bữa cơm trưa hôm ấy, tôi ăn uể oải, chẳng thấy dễ nuốt mặc dù có miếng thịt gà nào ngon, Thuận cũng nhường tôi hết. Nó chỉ ăn trứng rán. Trong khi tôi kén ăn hơn, nếu mẹ không đổi món thường xuyên thì tôi ăn uống không hào hứng.
Buổi tối, tôi vừa học vừa dùng tai nghe để nghe nhạc nên mẹ gõ cửa rồi vào phòng từ lúc nào mà tôi không biết. Mẹ đặt cốc sữa ấm vào tay tôi:
- Con uống đi! Uống xong rồi mẹ nói chuyện.
Tôi uống cốc sữa ba hơi mới hết. Nhìn gương mặt mẹ căng thẳng khiến tôi hồi hộp. Không biết có chuyện gì mà giọng mẹ khang khác.
- Con có biết vì sao em con không bao giờ ăn thịt gà không? Và phải kiêng nhiều đồ ăn khác không? Con có biết em con đã bị ngất ở trường mấy lần rồi không? Con có biết vì sao mẹ không bắt nó làm việc nặng không? - mẹ dừng lại, nhìn chằm chằm vào tôi.
Tôi sững sờ. Im lặng.
- Em con bị hen suyễn nên bác sĩ dặn phải kiêng một số thứ. Thỉnh thoảng, em kêu mệt là thật chứ không phải giả vờ hay để trốn việc. Mẹ cứ nghĩ con là chị gái, con lớn hơn thì hiểu biết hơn và nhường nhịn em. Bố mẹ đều yêu thương các con như nhau nên từ nay con đừng nghĩ ngợi lung tung. Con cũng phải để ý chăm sóc em nữa. Chỉ cần thể trạng tốt và tinh thần thoái mái thì bệnh tình của em con sẽ khá lên. Không được để em bị ngất. Nguy hiểm lắm!
Tôi thấy mặt mình nóng ran, chỉ biết lí nhí:
- Vâng ạ!
Mẹ ra khỏi phòng, tôi ngồi thừ người, tự trách mình sao lại vô tâm như thế, cứ nghĩ bố mẹ thiên vị, cứ nghĩ em trai giả vờ. Đọc lại những trang nhật ký được viết trong lúc giận dỗi, tôi xấu hổ vô cùng. Nhất định từ nay tôi sẽ không so đo, tị nạnh với cu Thuận nữa. Chỉ cần em trai tôi luôn khỏe mạnh thì tôi sẵn sàng làm giúp em bất cứ việc gì có thể.
VŨ THỊ THANH ANH(Lớp 10F, Trường THPT Nam Sách)