Tình trạng trộm cắp, cướp giật tài sản xảy ra khá nhiều, tuy nhiên những vụ việc về tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có bị xử lý còn quá ít.
Đối tượng Phạm Quang Hưng (sinh năm 1991, ở phường Thạch Khôi, TP Hải Dương) gây ra 6 vụ trộm,
cướp tài sản trên địa bàn TP Hải Dương
Vô tình có, cố ý cóNhững tài sản do trộm cắp mà có thường không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ nên rất khó phân biệt được đó có phải hàng gian hay không. Nhiều chủ cửa hàng rơi vào tình trạng “dở khóc dở cười” khi mua phải hàng gian. Việc tiêu thụ vàng trong vụ án giết người cướp tài sản xảy ra hồi tháng 1-2014 tại nhà nghỉ Thành Công ở xã Thái Học (Bình Giang) là một ví dụ. Sau khi sát hại nạn nhân, 2 hung thủ đã cướp sợi dây chuyền vàng. Trên đường chạy trốn, đến ngã ba Sao Đỏ, chúng bán nửa sợi dây chuyền cho hiệu vàng Phú Quý ở phường Sao Đỏ (Chí Linh) được 2,3 triệu đồng. Chủ hiệu vàng không hề hay biết nửa sợi dây chuyền vàng đó là do hai đối tượng cướp của người khác nên vẫn mua. Chỉ đến khi cơ quan công an tới làm việc thì chủ cửa hàng vàng mới ngã ngửa người vì lỡ mua phải đồ gian. Không chỉ có chủ hiệu vàng Phú Quý mà còn rất nhiều cửa hàng hay cả người dân không quan tâm tới nguồn gốc tài sản, chỉ khi các đối tượng trộm cắp bị bắt, cơ quan công an thu hồi lại tài sản trả lại cho người bị hại thì mới biết.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều người dù biết rõ tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng vì lòng tham nên vướng vào vòng lao lý. Mới đây, Tòa án Nhân dân tỉnh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự về tội trộm cắp tài sản.Trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9-2012, 11 bị cáo đã móc nối với nhau gây ra 5 vụ trộm cắp tài sản, tổng trị giá hơn 2,6 tỷ đồng. Tại tòa, các đối tượng này khai nhận sau khi lấy trộm các kiện hàng trên công- ten- nơ, chúng liên hệ tìm người tiêu thụ. Có lần bọn chúng còn bán đổi bánh xe, rút dầu trong xe bán để kiếm tiền tiêu xài… Mặc dù vậy, chỉ có mình bị cáo Nguyễn Đức Trường (sinh năm 1973, ở xã Thượng Quận, Kinh Môn) bị xử lý vì tội “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Trường khai nhận, ngày 4-8-2012, nhận được điện thoại của Nguyễn Đình Tuân (sinh năm 1988, ở xã Kim Xuyên, Kim Thành) bảo đến mua 5 tấn chân gà đông lạnh trị giá 90 triệu đồng. Khi đến nơi mua hàng Trường mới biết số hàng trên do Nguyễn Mạnh Hòa (sinh năm 1986, ở xã Kim Anh, Kim Thành) và đồng bọn trộm cắp được nhưng vì tham lợi Trường vẫn mua. Sau đó, Trường thuê xe chở số hàng trên đi Móng Cái (Quảng Ninh) bán cho một thương lái người Trung Quốc với giá 110 triệu đồng. Việc làm của Trường đã vi phạm điểm c khoản 2 điều 250 Bộ luật Hình sự. Tòa án Nhân dân tỉnh tuyên phạt Trường 33 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Cần quản lý chặt các hiệu cầm đồTheo quy định pháp luật, người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” phải biết rõ tài sản do phạm pháp mà có. Tuy nhiên, việc xác định người tiêu thụ tài sản có biết rõ đó là đồ gian hay không rất khó, vì họ không bao giờ tự nhận mà thường khai rằng không biết rõ nguồn gốc, nếu biết là hàng gian họ sẽ không tiêu thụ.
Hơn nữa, ranh giới để xác định giữa việc biết rõ và không biết rõ của những người tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có cũng khó xác định rõ ràng. Căn cứ để xác định người có hành vi tiêu thụ tài sản biết rõ tài sản đó do người khác phạm tội mà có là các tình tiết khách quan, đặc biệt là nhân thân và mối quan hệ giữa người đó với người có tài sản do phạm tội mà có. Thông thường người ta xác định thông qua việc giao dịch giữa người tiêu thụ với người có tài sản. Trên thực tế, các đối tượng trộm cắp muốn tiêu thụ tài sản một cách trót lọt và được giá thì sẽ giao dịch ở nhiều cửa hàng khác nhau. Nhiều chủ cửa hiệu cầm đồ dù biết là hàng gian nhưng vẫn tiêu thụ dưới dạng hàng hóa trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Bởi với những tài sản do các đối tượng trộm cắp tới bán, các chủ cửa hàng cầm đồ có thể cầm hoặc mua lại với giá thấp hơn nhiều so với giá trị thực của tài sản, hưởng chênh lệch lớn.
Vì vậy, muốn giảm số vụ án trộm cắp, cướp tài sản không chỉ các ngành chức năng cần tăng cường hoạt động nghiệp vụ phát hiện và xử lý các đối tượng có hành vi phạm pháp, mà cũng cần dẹp bỏ những nơi sẵn sàng tiêu thụ hàng gian. Chính quyền cơ sở và các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý những tiệm cầm đồ, điểm kinh doanh hàng đã qua sử dụng để tránh các đối tượng phạm tội lợi dụng tiêu thụ hàng phi pháp… Đồng thời, cần trang bị cho các chủ hiệu kỹ năng nhận biết hàng hóa không rõ nguồn gốc thông qua các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc tài sản. Các ngành cần phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, kiên quyết không mua những hàng trôi nổi, không có hóa đơn, chứng từ, không vì ham rẻ mà vô tình tiếp tay cho các đối tượng xấu.
Theo thống kê của Công an tỉnh, trong 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh phát hiện xử lý hơn 200 vụ trộm cắp, cướp giật tài sản... Tuy nhiên, số vụ việc liên quan tới các đối tượng tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có lại rất ít. Khung hình phạt quy định tại điều 250 Bộ luật Hình sự vẫn còn nhẹ nên dẫn tới tình trạng một số đối tượng phạm tội nhiều lần.
|
TÂM PHÚC