Đường thoát nghèo

02/07/2020 14:01

Tôi sinh ra và lớn lên tại Tản Lĩnh, Ba Vì (Hà Nội). Những khó khăn ở vùng nông thôn ngoại ô này đã nuôi dưỡng cho tôi một ước mơ thoát nghèo bằng đường học nghề.


Đoàn Đức Mạnh trong cuộc thi Tay nghề giỏi ngành giao thông vận tải năm 2019

Nhớ ngày trước, khi chuẩn bị kết thúc năm học, chúng bạn tôi ai cũng có cho mình một sự lựa chọn riêng và đặc biệt. Nhưng với tôi, đó là cả một nỗi buồn vì biết gia đình mình không đủ điều kiện để tôi theo chúng bạn.

Tạm dừng bước sau lớp 9

Bố tôi đi làm xa từ khi tôi còn bé, nhà chỉ có hai mẹ con nên mọi việc trong nhà mẹ con tôi cùng san sẻ. Tôi vẫn còn nhớ như in vào ngày cuối cấp của năm học, tôi quyết định không học tiếp cấp 3 vì tôi biết cuộc sống gia đình mình không đủ để trang trải.

Cứ mỗi lần nhìn đám bạn nói chuyện chọn trường, tôi lại lặng lẽ buồn và đi ra một nơi khuất. Nhưng giờ nhìn lại, tôi biết đó là một cái duyên. Xong lớp 9, tôi vào làm việc ở xưởng sữa gần nhà. Tại đây, tôi được giao công việc trông coi các thiết bị điện, tất cả các đầu nối đi với nhau rất thông minh khiến tôi khá thích thú.

Với bản tính tò mò sẵn có, tôi mày mò các đường điện, cách đi dây điện. Và không biết từ lúc nào, tôi nung nấu ước mơ trở thành kỹ sư ngành điện để không chỉ nối đường điện cho nhà mình mà còn nối cho cả xóm, cả thôn tôi nữa khi điện về.

Bước ngoặt trường nghề

Đi làm được 2 năm, tôi tiết kiệm được một khoản kha khá. Ngày nọ, mẹ nhận được thông tin tuyển sinh từ thầy giáo và chưa bao giờ tôi thấy bà vui đến thế. "Ở trường này con có thể học cấp 3 và học nghề, mẹ thấy bảo được học nghề miễn phí, tốt quá con ạ" - tôi nhớ rõ từng lời mẹ hôm đó.

Tôi cầm tờ thông tin từ mẹ mà lòng không khỏi vui sướng. Tôi bắt đầu tìm hiểu mọi thông tin, rồi chọn vào Trường Cao đẳng Giao thông vận tải (GTVT) Trung ương I học hệ 9+. Năm nhất, học kỳ I chúng tôi chỉ học văn hóa buổi sáng, nhưng sang đến học kỳ II chúng tôi phải học cả ngày, sáng học văn hóa, chiều học nghề.

Đối với tôi, những ngày học nghề là những trải nghiệm vô cùng tuyệt vời. Tôi đăng ký nghề điện công nghiệp, được học từ những thứ cơ bản nhất của điện, từ cái bảng điện đến các đầu nối, rồi những môn nâng cao.

Tất cả những gì được học tôi đều mang về nhà thực hành, Lúc đầu là đường điện phòng khách, sau là đường điện của cả nhà và rồi đến đường điện của các ông, các bà cùng làng tôi. Tôi trở thành một gương mặt quen thuộc, hễ cứ khi nhà ai hỏng điện là hô lên: "Gọi thằng cu Mạnh đến giúp".

Tôi chưa bao giờ hối hận khi chọn Trường Cao đẳng GTVT Trung ương I - nơi nuôi dưỡng ước mơ của mình. Ước mơ ấy như được chắp cánh hơn nữa khi tôi là 1 trong 3 gương mặt được chọn đại diện nhà trường tham dự kỳ thi tay nghề ngành GTVT năm 2019. 

Những ngày tháng luyện thi tôi và hai bạn thi nghề điện được thầy cô cho luyện riêng tại phòng thực hành nghề điện. Ngoài giờ lên lớp học văn hóa và học nghề hằng ngày, chúng tôi phải ở lại thêm 4-5 tiếng một ngày luyện tay nghề.

Cuối cùng, không phụ bao ngày luyện tập vất vả, tôi được vinh danh khi đoạt giải nhất nghề điện công nghiệp. Tôi càng cảm thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn và mục tiêu rõ ràng hơn. Hiện tại, tôi đang tất bật chuẩn bị cho kỳ thi tay nghề giỏi quốc gia diễn ra tới đây. 

Tôi sẽ cố gắng đạt kết quả cao hơn để thực hiện ước mơ được tham gia các kỳ thi tay nghề ASEAN và thế giới, khi đó tôi sẽ có công việc tốt và có thu nhập cao để cuộc sống mẹ con không còn vất vả nữa.

Học nghề, theo tôi, đó là con đường ngắn nhất đi tới thành công các bạn ạ. Tôi thường tự nhủ nếu được chọn lại, tôi vẫn sẽ học nghề.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đường thoát nghèo