Đoạn đường sắt qua tỉnh Hải Dương dài chỉ 46,3 km nhưng có tới 265 đường ngang, trong đó 217 đường tự mở không có rào chắn, người gác.
|
Cụ thể, tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng đoạn qua Hải Dương dài chỉ 46,3 km, hiện có 265 đường ngang nhưng chỉ có 12 đường có người gác, 6 đường có cảnh báo tự động, 30 đường được phép mở và có biển báo cố định, còn lại 217 đường ngang người dân tự mở.
Những vi phạm trên đã đe dọa nghiêm trọng đến an toàn giao thông đường sắt. Một số điểm đen tiềm ẩn tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt như đoạn qua xã Kim Giang, Tân Trường (H.Cẩm Giàng); xã Ái Quốc (TP.Hải Dương); xã Kim Xuyên, Kim Lương (H,Kim Thành). Ở thị trấn Cẩm Giàng, xã Kim Giang (H.Cẩm Giàng) thậm chí còn có chợ cóc họp trên đường sắt tại km 39+670.
Trong năm 2012, trên đoạn đường này xảy ra 15 vụ va chạm giữa tàu hỏa với người và các phương tiện tham gia giao thông đường bộ, làm chết 10 người, bị thương 4 người, làm hư hỏng 7 xe máy, 4 xe đạp. Công an Hải Dương đã kiểm tra, xử lý 161 trường hợp vi phạm hành chính về trật tự ATGT đường sắt. Sang năm 2013, tai nạn không giảm: từ đầu năm đến nay, trên tuyến tiếp tục xảy ra 8 vụ tai nạn giao thông làm 5 người chết, 4 người bị thương. Các vụ tai nạn trên đều xảy ra tại các điểm đường ngang bất hợp pháp.
Một huyện có mật độ đường ngang dày đặc là Kim Thành: đường sắt Hà Nội - Hải Phòng có 18 km đi qua huyện này nhưng có tới 147 đường ngang, trong đó có 141 đường ngang không hợp pháp. Theo Công an H.Kim Thành, phần lớn các vụ TNGT đường sắt trên địa bàn đều ở những đường ngang tự phát. Đa số nạn nhân là người ngoại tỉnh bị bất ngờ khi qua đường sắt, dẫn đến những tai nạn thương tâm. Mới đây nhất, 19 giờ 30 ngày 23.3.2013, tại km 70 (xã Tuấn Hưng, H.Kim Thành), anh Thái Đăng Long, trú tại xã Quảng Phú, H.Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế khi qua đường đã va chạm với tàu HP2 và tử vong tại chỗ.
Đặc biệt, theo trung tá Nguyễn Văn Minh, Đội trưởng Đội tuần tra kiểm soát giao thông số 1, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh Hải Dương, các vụ tai nạn xảy ra trên đường sắt thường bắt đầu từ ý thức của người dân. Theo đó, người tham gia giao thông thường chỉ chú ý các phương tiện trên đường bộ mà ít để ý đến tàu hỏa trên đường sắt. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp gây ra những vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng.
Vi phạm ATGT đường sắt tại Hải Dương được đánh giá là rất nghiêm trọng nhưng việc xử lý vi phạm hành lang ATGT đường sắt lại gặp nhiều khó khăn. Theo lãnh đạo Xí nghiệp vận tải đường sắt Hà Hải, đơn vị quản lý đoạn đường sắt này, những hộ dân sống gần đường sắt đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng lại không có đường gom nên buộc phải mở đường ngang. Do đó, sau mỗi đợt giải tỏa đường ngang trái phép, người dân lại tái phạm. Ngoài ra, nhiều cột, đường dây thuộc hệ thống thông tin, tín hiệu của tuyến đường sắt này cũng nằm trên đất của người dân nên càng khó xử lý.
Bài, ảnh: Thiên Bình