Đường ngầm định mệnh

01/05/2014 08:09

Trong khi trời Mường Thanh mưa tầm tã, cầu hàng không gần như tê liệt thì một “đường ngầm định mệnh” đang lặng lẽ thọc sâu trong lòng đồi A1...


Bộ đội vượt cầu Mường Thanh tấn công vào sào huyệt cuối cùng của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ


Hiện nay, trên đồi A1 (TP Điện Biên Phủ), cạnh hố bộc phá có tấm biển bằng đồng màu vàng, ghi: “Hố được tạo bởi Nguyễn Phú Xuyên Khung, Nguyễn Điệt, Nguyễn Văn Bạch giật nổ khối bộc phá 960 kg lúc 20 giờ 30 phút ngày 6-5-1954; sức nổ đã tiêu diệt một đại đội địch, sóng xung kích làm cho số quân địch còn lại choáng váng. Thừa cơ, Trung đoàn 174 đánh chiếm toàn bộ cứ điểm A1 lúc 4 giờ 30 ngày 7-5-1954; tiếng nổ của khối bộc phá còn là hiệu lệnh tổng công kích đợt cuối cùng của Chiến dịch Điện Biên Phủ”...

Do vị trí quan trọng của cứ điểm A1 (Đờ-cát đặt là Eliane2), nên Pháp bố trí ở đây những hỏa lực cực mạnh, dây thép gai nhiều tầng nhiều lớp, được trấn giữ bởi những tiểu đoàn Lê dương và Ma-rốc thiện chiến nhất trong số lính Pháp hiện có ở Đông Dương. Từ đồi A1, địch đào một giao thông hào sang đồi A3, để cơ động lực lượng và thực hiện các phương án ứng cứu khi cần thiết. Trong đợt tấn công thứ hai, quân ta đã đánh lên đồi A1 một lần và đó là lần tấn công thứ nhất, diễn ra từ đêm 30-3 đến đêm 2-4-1954.

Sau 2 đợt tấn công liên tiếp, quân ta chủ động bước vào đợt đánh phòng ngự. Lúc này, địch mất thêm 2 vị trí phía tây và 4 cao điểm phía đông, nhưng A1 vẫn còn sau những đợt phản kích quyết liệt từ bờ tây sông Nậm Rốm đánh lên. Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316) hiệp đồng tác chiến với Trung đoàn 102 (Đại đoàn 308) đánh bại 4 đợt phản kích dữ dội của giặc. Gần trưa 1-4, địch cho máy bay oanh tạc trận địa của ta, mặt khác, một tiểu đoàn cơ động Pháp với 3 xe tăng yểm trợ, tiếp tục phản kích lên đồi A1. Xế chiều, khoảng 15 giờ, trên đồi A1 ta chỉ còn 17 chiến sĩ. Với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, quân ta đã đánh lui hơn 30 đợt tấn công tái chiếm của giặc. Địch co cụm trên đỉnh đồi rồi rút vào cố thủ trong 3 chiếc hầm ngầm đại liên, quân ta bao vây dưới chân đồi trong thế giành giật từng tấc đất.

Trong lúc địch và ta đang giằng co từng tấc đất trên đồi A1, thì có chiến sĩ nảy ra sáng kiến đào một đường ngầm vào sâu trong lòng đồi A1, sau đó đem bộc phá vào kích nổ. Ngay lập tức đề nghị này được Bộ Chỉ huy chiến dịch đồng ý và tối 20-4-1954, lệnh đào đường hầm được thi hành. Theo tài liệu của Đại đoàn 316: Các chiến sĩ công binh khẩn trương bắt tay vào nhiệm vụ. Một đội đặc biệt gồm 25 cán bộ, chiến sĩ do Đại đội trưởng công binh Nguyễn Phú Xuyên Khung trực tiếp chỉ huy, đã tiến hành công việc ngay trước mũi súng quân Pháp, trong tầm kiểm soát của lựu đạn. Đất đồi A1 cực kỳ rắn. Tiểu đội trưởng công binh Lưu Viết Thoảng lựa chọn một tổ khỏe nhất làm nhiệm vụ mở cửa hầm. Đào được vài đêm thì địch phát hiện tiếng động trong lòng đất. Chúng sinh nghi, gọi máy bay, đại bác bắn phá liên tiếp xuống trận địa ta. Ban đêm, bộ binh địch bò ra chiến hào, ném lựu đạn xả súng bắn xuống phía đường hầm ta đang đào.

Tuy nhiên, công tác bảo vệ lực lượng đào hầm đã được ta tính toán chặt chẽ trong kế hoạch phòng thủ phần trận địa trên A1. Ngoài lực lượng bộ binh của Tiểu đoàn 255 (Trung đoàn 174) phòng ngự tại đó, còn 2 trận địa hỏa lực và lực lượng đã bị sẵn sàng tiếp sức, bố trí tại đồi Cháy và đồi F. Vì vậy, các cuộc đột kích, đánh lấn cũng như hai đợt phản kích của địch ngày 22 và 25-4 đều bị đập tan nhanh chóng. Càng đào vào sâu công binh gặp khó khăn về kỹ thuật như thiếu ánh sáng và không khí, cách đào để giữ cho hướng và độ chênh của đường hầm vào đúng vị trí của hầm ngầm, cách đưa đất ra ngoài sao cho vừa nhanh vừa không lộ... Nhờ trí tuệ của tập thể và sự chỉ đạo sâu sát kịp thời của trung đoàn và đại đoàn, những khó khăn đó đã được giải quyết. Bộ Tư lệnh Đại đoàn đã gửi cho anh em bộ đèn sô-lếch vẫn dùng ở Sở Chỉ huy, chị em dân công tập trung khâu gấp hàng nghìn túi bằng vải dù để chứa đất kéo ra và dùng làm bờ công sự luôn. Việc giữ đúng hướng và độ dốc cho đường hầm, kết hợp dùng phương pháp tính toán của pháo binh với cách hiệu chỉnh đơn giản, dùng cây hương cháy đỏ làm vật chuẩn và ống tiêm đựng nước làm ống thăng bằng. Để cho không khí trong đường hầm bớt ngột ngạt, anh em dùng quạt nan quạt không khí từ ngoài vào. Do đó, con đường hầm đã được hoàn thành đúng kế hoạch.

Song song với việc làm trận địa, các đơn vị còn tổ chức những đội dũng sĩ đẩy mạnh các hoạt động nhỏ: Thọc sâu đánh phá kho tàng, bắn tỉa tiêu hao sinh lực địch, đoạt dù tiếp tế... Quân địch ngày càng bị dồn vào tình cảnh hết sức khốn quẫn, tinh thần sa sút nghiêm trọng. Nắm vững thời cơ đó, ta đẩy mạnh công tác binh vận bằng mọi hình thức. Ngoài các tổ địch vận đi rải truyền đơn, ta còn làm bè chuối cắm truyền đơn thả trôi theo dòng suối vào Mường Thanh, dùng súng cối bắn đạn truyền đơn sang phía địch. Trên các vị trí phòng ngự gần địch, đêm đêm, các chiến sĩ dùng loa tay kêu gọi binh lính địch ra hàng, càng làm chúng thêm hoang mang, dao động.

Thi đua với các đơn vị chiến đấu, góp phần giảm bớt khó khăn chung, đồng thời tăng cường lực lượng làm trận địa, các cơ quan đại đoàn, trung đoàn rút bớt người phục vụ và nhân viên chuyên môn, lập các đội vinh quang để vận chuyển lương thực, đạn dược cho đơn vị. Trong những ngày lao động và chiến đấu gian khổ, ngoài sự chi viện hết lòng về vật chất, hậu phương còn dành cho cán bộ, chiến sĩ ở tiền tuyến sự cổ vũ to lớn về tinh thần và tình cảm. Hàng vạn lá thư của các tầng lớp nhân dân và các cơ quan, đoàn thể dân, chính, đảng từ khắp nơi trong nước tới tấp gửi đến chiến hào thăm hỏi chiến sĩ.

Cuối tháng 4, công tác chuẩn bị cho đợt tiến công mới của ta đã cơ bản hoàn thành. Bộ Chỉ huy chiến dịch đề ra nhiệm vụ trong những ngày đầu tháng 5 là phải đánh xong ngoại vi, diệt thêm một số sinh lực địch, đánh chiếm toàn bộ các điểm cao phía đông và một số cứ điểm phía tây hoàn toàn triệt đường tiếp viện của địch. Theo phương án tác chiến của Bộ Chỉ huy chiến dịch, Đại đoàn 316 có nhiệm vụ đánh chiếm toàn bộ đồi C1, đồng thời dùng một bộ phận nhỏ phối hợp đánh ở phía A1, nhằm phân tán sự đối phó của địch, tranh thủ mở rộng bàn đạp tiến công. Các đại đoàn bạn sẽ tiến công 311A, 505, 506A ở phía tây và khu C thuộc phân khu Hồng Cúm. Nắm vững phương châm đánh chắc thắng, Trung đoàn 98 chuẩn bị cho cuộc tiến công rất kỹ.

Trong những ngày phòng ngự, Đại đội 811 đào những đoạn hào râu tôm nhô lên phía trước. Chiến sĩ Đại đội 1480 và Đại đội 811 được luyện tập khá thành thạo các động tác đánh trong chiến hào như bắn găm, bắn quét, tung lựu đạn, đặc biệt là động tác xung phong thật nhanh khi vừa dứt tiếng pháo. Trung đoàn còn dựng lại trận địa địch trên bàn cát, triệu tập cán bộ từ tiểu đội trưởng trở lên về hướng dẫn kế hoạch tiến công, bàn bạc cách xử trí các tình huống có thể xảy ra. Cán bộ chỉ huy Tiểu đoàn 439 được trung đoàn giao nhiệm vụ chỉ huy trận đánh.

Ngày 30-4-1954, mỗi giây mỗi phút qua đi, trận địa Mường Thanh càng thêm căng thẳng. Trong khi trời Mường Thanh mưa tầm tã, cầu hàng không gần như tê liệt, lính Pháp phải tiết kiệm từ cuộn bông băng và nhất là tinh thần chiến đấu ngày càng khiếp nhược, rệu rã... thì một “đường ngầm định mệnh” đang lặng lẽ thọc sâu trong lòng đồi A1...

THU LOAN

(0) Bình luận
Đường ngầm định mệnh